Hàn Quốc và Nhật Bản đã tự làm phương hại đến an ninh của chính mình bằng cách cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của đất nước họ. Nga và Trung Quốc phải có biện pháp đáp trả, Đại sứ Nga tại Trung Quốc – ông Andrei Denisov hôm qua (23/7) đã cho biết như vậy.
“Những nước chứa các cơ sở như vậy trên lãnh thổ của họ – những cơ sở mà đối tác Trung Quốc của chúng tôi và bản thân chúng tôi nghĩa là sẽ gây đe dọa đến an ninh của chúng tôi, rõ ràng đã tự đặt an ninh của mình vào nguy hiểm bởi chúng tôi buộc phải có biện pháp đáp trả. Điều này là không thể tranh khỏi”, Đại sứ Denisov cảnh báo.
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã quyết định mở rộng hệ thống lá chắn tên lửa của họ với việc triển khai thêm hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis do Mỹ chế tạo. Hai hệ thống này theo kế hoạch sẽ được triển khai ở phía bắc và tây nam của hòn đảo chính Honshu của Nhật Bản vào năm 2023 nhằm giúp đảm bảo an ninh cho nước này trước khả năng có thể phải đối mặt với những cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo. Mỗi hệ thống đó có thể khiến Nhật Bản mất khoảng 100 tỉ Yên (tương đương 897 triệu USD).
Hệ thống chiến đấu Aegis của tập đoàn lừng danh Lockheed Martin Aegis là sự kết hợp các thiết bị phức tạp khác nhau gồm radar, máy tính, phần mềm, máy phóng vũ khí và vũ khí nhằm chống lại một loạt mối đe dọa trên mặt đất, trên không và dưới nước. Mục đích của sự kết hợp này là nhằm tạo ra một hệ thống chiến đấu toàn diện nhất.
Không phải vô cớ mà Aegis được ví là tấm lá chắn huyền thoại của thần Dớt. Nó chính là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là “trái tim” của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia mà Mỹ đang xây dựng.
Hải quân Mỹ đã sử dụng rộng rãi hệ thống Aegis. Aegis là một phần trong hệ thống lá chắn tên lửa của NATO ở Châu Âu.
Nga và Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Nhật Bản, nhấn mạnh rằng động thái đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân cân bằng trong khu vực.
Ngoài phản đối kế hoạch triển khai hệ thống Aegis của Nhật Bản, cả Nga và Trung Quốc còn bất mãn trước hoạt động triển khai hệ thống THAAD của Hàn Quốc. Hồi tháng Sáu năm 2016, chính phủ Hàn Quốc thông báo, nước này ủng hộ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ của mình.
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km – đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.
Với đặc tính trên, kế hoạch triển khai THAAD của Hàn Quốc đặc biệt gây lo ngại cho Trung Quốc. Cùng với Nga, Trung Quốc đang ra sức phản đối kế hoạch này.
Việc Nga tuyên bố cùng Trung Quốc đáp trả kế hoạch của Hàn Quốc và Nhật Bản làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang bùng nổ và khiến các mối quan hệ trong khu vực leo thang căng thẳng.