Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSCMP: Thống nhất Đài Loan không đơn giản, quân đội TQ coi...

SCMP: Thống nhất Đài Loan không đơn giản, quân đội TQ coi chừng bỏ mạng tại tử huyệt 160km

Theo chuyên gia Mỹ, cho dù Trung Quốc có sức mạnh quân sự đáng gờm đến mấy, thì họ cũng khó có thể thành công trong một cuộc tấn công toàn diện – trực diện trên đảo Đài Loan.

Tàu khu trục Đài Loan trong một cuộc tập trận hải quân hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh: AP.

Thống nhất Đài Loan không hề dễ dàng như Trung Quốc vẫn tưởng

Bên cạnh luồng ý kiến cho rằng Bắc Kinh sớm muộn gì cũng sẽ thống nhất Đài Loan – cho dù phải dùng đến vũ lực nếu cần thiết – trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thôi nhiệm, nhiều nhà phân tích Mỹ vẫn tin rằng việc tấn công Đài Loan sẽ đem đến nhiều rủi ro cho Trung Quốc.

Khi chiêu xoa dịu – quyền lực mềm của Trung Quốc không còn tác dụng đối với Đài Loan, Bắc Kinh đã chuyển hướng sang đối sách cứng rắn hơn. Ban lãnh đạo Trung Quốc đã đặt mục tiêu rằng trong những năm tới sẽ tiếp tục củng cố và phát triển năng lực quân sự, nới rộng thêm khoảng cách với Đài Loan trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh hoàn toàn có thể thống nhất Đài Loan mà không cần đối đầu quân sự trực diện, ví dụ như chiếm các đảo nhỏ xung quanh Đài Loan, phong tỏa các cảng biển và sân bay chính, tấn công mạng nhằm vào hệ thống dữ liệu và các cơ sở liên lạc, và tấn công tên lửa vào những phần nhỏ của Đài Loan.

Hiện nay Trung Quốc dường như vẫn đang trì hoãn kế hoạch tấn công quân sự và chờ đợi Đài Loan tự nguyện đầu hàng.

Tuy vậy, lịch sử lại cho thấy các cuộc tấn công bằng vũ lực thường đem đến kết quả ngược lại so với kỳ vọng ban đầu: thay vì chịu đầu hàng, đối tượng bị tấn công sẽ phản kháng dữ dội hơn.

Trước đây Đài Loan từng chiến đấu rất dữ dội khi bị Nhật Bản đô hộ năm 1895, và điều này có thể sẽ lặp lại nếu Bắc Kinh quyết định tấn công quân sự.

Cách chắc chắn nhất để khiến Đài Loan đầu hàng là quân đội Trung Quốc (PLA) phải tấn công vào các thành phố lớn của đảo này. Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có sức mạnh quân sự đáng gờm đến mấy, thì họ cũng khó có thể thành công trong một cuộc tấn công toàn diện – trực diện trên đảo Đài Loan.

Để tiếp cận các thành phố lớn của Đài Loan, lực lượng của PLA sẽ phải vượt biển, mà cụ thể là trên những chiến hạm lớn và di chuyển chậm. Eo biển Đài Loan với chiều rộng 160km có thể được coi là “tử huyệt” – nơi các binh lính Trung Quốc rất dễ bị tấn công bất ngờ.

Hơn nữa, ngay cả khi các quân đoàn của Trung Quốc tiếp cận được đảo Đài Loan, thì con đường từ bờ biển tiến vào các thành phố cũng đầy thử thách, khi họ phải mang vác những vũ khí nặng và di chuyển trong tầm đạn của quân đội Đài Loan.

Ngoài ra, Trung Quốc chỉ có thể di chuyển được vài vạn quân lính mỗi lượt. Lực lượng này quá mỏng so với 180.000 quân nhân tại ngũ và 1,5 triệu quân nhân dự bị của Đài Loan.

Nếu Mỹ quyết định can thiệp, thì các chiến đấu cơ từ căn cứ của Mỹ trong khu vực có thể được điều động đến đảo Đài Loan chỉ trong vòng vài giờ.

Trung Quốc có thể dùng tên lửa bắn phá các đường băng dành cho chiến đấu cơ Mỹ, tuy nhiên đòn tấn công này sẽ tiêu tốn một số lượng tên lửa đáng kể mà Bắc Kinh định dùng để tấn công Đài Bắc.

Ngoài ra, ta cũng không thể loại trừ khả năng quân đội Nhật sẽ tham chiến trong cuộc đối đầu quân sự trên đảo Đài Loan.

Mỹ vẫn nắm chắc “con bài đối trọng” Đài Loan

Ngay cả khi Trung Quốc dành thắng lợi trong chiến dịch quân sự này, thì chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó bao gồm việc quản lý đảo Đài Loan, khi có rất nhiều người dân trên đảo này phản đối việc Trung Quốc thống nhất bằng vũ lực.

Một thách thức lớn khác mà Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt là phản ứng của Mỹ.

Hiện tại chính phủ Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm cách ngăn cản Trung Quốc tấn công Đài Loan. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đặt câu hỏi về giá trị của các liên minh với Mỹ tại châu Á.

Vừa qua, trong hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, ông Trump đã tiết lộ rằng ông hy vọng các binh sĩ Mỹ sẽ rút khỏi Hàn Quốc trong tương lai.

Tuy nhiên, sau 1 năm rưỡi cầm quyền, ông Trump vẫn chưa có những bước đi cụ thể như rút khỏi liên minh, hay cắt giảm số quân Mỹ đồn trú tại nước ngoài.

Các cố vấn cấp cao của ông Trump dường như không chỉ muốn duy trì vai trò lãnh đạo chiến lược của Mỹ trên khu vực phía Tây Vành đai Thái Bình Dương, mà còn có xu hướng muốn tăng cường đối đầu với Trung Quốc. Điều này được thể hiện rất rõ trong các chính sách về an ninh và quốc phòng được chính quyền ông Trump công bố gần đây.

Các chính sách này đều nhấn mạnh Trung Quốc là “đối thủ” của Mỹ thay vì “đối tác” như trong chính sách thời Tổng thống Obama. Một ví dụ điển hình là gần đây chính sách “tự do hàng hải” được chính quyền Tổng thống Trump đẩy mạnh hơn so với người tiền nhiệm.

Các cuộc khảo sát tại Mỹ cho thấy rất ít người dân nước này ủng hộ quân nhân Mỹ tham chiến để bảo vệ Đài Loan. Trái lại, Quốc hội Mỹ dường như lại ủng hộ điều này. Họ nhận ra rằng vị thế lãnh đạo của Mỹ có thể bị ảnh hưởng không nhỏ nếu Mỹ đứng bên lề cuộc chiến có nguy cơ nổ ra này.

Đối với Mỹ, xung đột Đài Loan – Trung Quốc Đại lục không đơn thuần là vấn đề địa chính trị, nó còn là con bài mặc cả giúp Washington kìm chân Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Á.

Trước đây, trong thời gian ông Trần Thủy Biển lãnh đạo Đài Loan (2000-2008), Washington từng tuyên bố sẽ không can thiệp vào xung đột địa chính trị này nếu có các dấu hiệu cho thấy Đài Bắc gây sự trước với Bắc Kinh. Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách Mỹ hiện nay dường như đều không coi lãnh đạo Thái Anh Văn là “người gây hấn”.

Bắc Kinh đang áp dụng chính sách sai lầm đối với Đài Loan, và chính sách ấy đang phản tác dụng.

Sự ám ảnh về vấn đề Đài Loan có thể khiến Trung Quốc mất tập trung trước những mục tiêu quan trọng khác, ví dụ như kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Rõ ràng Bắc Kinh cần tìm một giải pháp khác cho vấn đề này, thay vì liên tục đe dọa tấn công Đài Loan như hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới