Philippines đã giành chiến thắng trong vụ kiện Biển Đông 2 năm trước, bác bỏ hoàn toàn cái gọi là yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, đến nay đã tròn 2 năm, nhưng chưa trả hết tiền cho luật sư.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Abert del Rosario trả lời phỏng vấn báo chí sau 2 năm Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan đưa ra phán quyết về vụ kiện trọng tài Biển Đông. Ảnh: Rappler.
Hai năm trước, ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, tuyên bố yêu sách chủ quyền trong “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Đây là một chiến thắng pháp lý quan trọng của Philippines và là một thất bại nặng nề về pháp lý của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền thay thế ông Benigno Aquino, chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chuyển ngoặt chính sách ngoại giao, gác lại vụ kiện, chuyển sang “kết thân” với Trung Quốc để đạt được các lợi ích kinh tế.
Cho dù Trung Quốc và Philippines đã có các cuộc tham vấn song phương, thậm chí đang tìm cách thúc đẩy hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc vẫn có nhiều hành động phi pháp ở Biển Đông, chẳng hạn như gia tăng quân sự hóa, xua đuổi, bắt giữ ngư dân…
Chính vì vậy, những năm qua, nội bộ Philippines đã xảy ra nhiều bất đồng về chính sách Biển Đông. Theo một cuộc khảo sát của Pulse Asia hồi tháng 6/2018, có khoảng 73% người được hỏi Philippines phản đối chính sách Biển Đông hiện nay của chính quyền ông Rodrigo Duterte.
Cũng liên quan đến vụ kiện trọng tài Biển Đông 2 năm trước, tờ Rappler Philippines gần đây còn dẫn lời cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết trong vụ kiện lịch sử này, đến nay chính quyền Philippines vẫn khất nợ luật sư nước ngoài số tiền gần 1 triệu USD. Văn phòng luật sư Mỹ có liên quan vụ kiện cho biết nếu buộc phải bất đắc dĩ thì sẽ áp dụng biện pháp pháp lý để lấy lại số tiền này.
Cuối tháng 5 năm nay, tại phiên điều trần của Quốc hội, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cũng xác nhận Philippines còn chưa thanh toán hết chi phí pháp lý của vụ kiện.
Ông Alan Peter Cayetano cho rằng việc này là “sai lầm” của chính quyền cựu Tổng thống Benigno Aquino. Ông nói: “Chính quyền tiền nhiệm không chi trả chi phí luật sư theo yêu cầu của đối phương, cho nên họ có thể sẽ kiện chính quyền hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực giải quyết vấn đề này”.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thì cho rằng chính quyền Philippines của Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte vào năm 2016 từng cam kết thanh toán khoản tiền này, nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
Ông Albert del Rosario nói: “Ông ấy từng nói Philippines đã giành chiến thắng trong vụ kiện này. Ông ấy sẽ lập tức thanh toán tiền cho luật sư. Nhưng theo tôi được biết, đến nay còn chưa thanh toán. Số tiền hoàn toàn không lớn, không đến 1 triệu USD”.
Khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Albert del Rosario đã nhớ lại vụ kiện này, cho biết khi Philippines thắng kiện, ông cho rằng tất cả mọi người dân đều nên cảm thấy vui mừng vì việc này, nhưng ông lại ngạc nhiên phát hiện ra rằng chính phủ Philippines (của Tổng thống Rodrigo Duterte) hoàn toàn không vui, “sau đó mới biết là do nhà cầm quyền Philippines lo ngại điều này sẽ gây tức giận cho Trung Quốc”.
Trong vụ kiện đó, Philippines đã tổ chức một phái đoàn luật sư quy mô lớn, bao gồm các luật sư đến từ các nước như Mỹ, Anh.
Trong đó có một đối tác lâu năm đến từ văn phòng luật sư Foley Hoag, Mỹ, đó là ông Paul S. Reichler năm nay đã 70 tuổi, một nhân vật quan trọng trong đoàn hỗ trợ pháp lý này. Ông từng nhiều lần trợ giúp “nước nhỏ chống lại nước lớn” trong các vụ kiện trọng tài quốc tế.
Khi đó, tờ Thời báo New York Mỹ tiết lộ, ông Albert del Rosario khi đó đã đi tìm những luật sư không e ngại Trung Quốc, cuối cùng đã tiến cử luật sư Paul S. Reichler cho Tổng thống Philippines lúc đó là Benigno Aquino. Sau đó, ông Paul S. Reichler đã làm cố vấn pháp lý hàng đầu trong vụ kiện.
Ngày 18/7 vừa qua, tờ Rappler đã đề nghị luật sư Paul S. Reichler xác nhận vấn đề chính quyền Philippines khất nợ, nhưng luật sư này đã từ chối tiết lộ thông tin.
Tuy nhiên, Paul S. Reichler còn cho biết “là biện pháp cuối cùng, chúng tôi sẽ buộc phải áp dụng hành động pháp lý để thu tiền nợ của khách hàng”. Ông cho biết, trong hơn 40 năm hành nghề, từng có 2 lần như vậy, lần trước xảy ra hơn 10 năm trước. Số tiền nợ lần này 1 triệu USD là số liền không đáng kể.
Tháng 7/2016, người phát ngôn của cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino là Rigoberto Tiglao cho biết Philippines đã chi tổng cộng 30 triệu USD để mời luật sư cho vụ kiện trọng tài Biển Đông.
Có điều, Rigoberto Tiglao đưa ra một quan điểm rất lạ khi cho rằng Mỹ nên trả khoản tiền này cho Philippines, bởi vì vụ kiện này đã “tạo cớ” cho Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, trong vụ kiện này, thư ký Tòa trọng tài thường trực từng 3 lần yêu cầu Trung Quốc và Philippines chi trả số tiền thù lao cho 5 trọng tài viên và tiền thuê nhà, duy trì vận hành bình thường của Tòa trọng tài.
Do không chấp nhận, không tham gia vụ kiện, Trung Quốc đã không chi trả bất cứ khoản tiền nào.