Khi mận Việt Nam vào cuối vụ thì mận Trung Quốc tràn ngập các chợ. Mẫu mã đẹp hơn, giá rẻ hơn, mận Trung Quốc rất đắt hàng.
Báo VnExpress dẫn lời lãnh đạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM) cho hay, mận Trung Quốc về chợ từ tháng 6 và tăng gấp đôi trong tháng 7, lên tới cả nghìn tấn. Loại này thường được bán theo thùng với giá rẻ, dao động quanh mức 15.000 – 20.000 đồng một kg.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, mùa mận cơm ở Sa Pa đã thu hoạch từ hồi tháng 5 và kết thúc vụ vào đầu tháng 7. Do vậy, các sản phẩm mận hiện nay đa phần là hàng Trung Quốc.
Với mận hồng, loại này tỉnh vẫn còn nhưng không nhiều và chỉ phục vụ trong địa bàn. Toàn tỉnh có trên 700 ha mận, sản lượng mỗi năm 12.000 – 13.000 tấn nên chỉ đủ cung cấp trong tỉnh và các địa bàn lân cận. Ngoài ra, mận bán tại vườn là 35.000 đồng một kg, nếu vận chuyển đi xa chi phí sẽ tăng mạnh, cộng thêm công của người buôn thì giá bán ra phải cao gấp đôi. Do đó, mận đang được bán giá 35.000 – 40.000 đồng đa phần không phải mận Lào Cai.
Trong khi đó, theo Cục Bảo vệ thực vật, dù Việt Nam có rất nhiều loại mận, được trồng thành vùng hàng hóa lớn, nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng chục nghìn tấn từ Trung Quốc.
Thông thường mận đặc sản Việt Nam khi vào thời điểm cuối vụ thì mận Trung Quốc bắt đầu được nhập về nhiều. Cụ thể, từ khoảng tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm các loại mận Trung Quốc bắt đầu dội chợ. Hiện mận cơm, mận seo, mận hồng đa phần là hàng Trung Quốc.
Tương tự như mận, nhiều loại trái cây khác của Trung Quốc cũng biết đón mùa để vào thị trường Việt Nam. Mùa nào thức ấy, Trung Quốc có quả gì Việt Nam hầu như đều nhập khẩu quả ấy về. Đáng chú ý, khi vào chính vụ, nhiều loại quả có số lượng nhập về mỗi ngày rất lớn.
Đây cũng là một trong những tài kinh doanh của Trung Quốc. Chuyên gia Vũ Vinh Phú từng chỉ ra rằng, hàng Trung Quốc vào được thị trường Việt Nam là do tài của họ, áp đảo về giá và nắm bắt được nhu cầu của thị trường.