Tầng lớp trí thức Trung Quốc đã có nhiều biểu hiện được cho là hoang mang, lúng túng, đã không đưa ra được phương án ứng phó khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Zaobao.
Tờ Zaobao Singapore ngày 27/7 đăng bài viết của tác giả Khổng Bảo La, một học giả Trung Quốc tại Australia, người từng làm việc cho Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, Trung Quốc bàn về sự yếu kém của tầng lớp trí thức Trung Quốc trong nghiên cứu về quan hệ thương mại Trung – Mỹ.
Bài viết cho rằng chiến tranh thương mại Trung – Mỹ là một trong những vấn đề quan trọng nhất của kinh tế và chính trị Trung Quốc hiện nay. Nhưng trong vấn đề này, tầng lớp trí thức Trung Quốc (chủ yếu là chỉ những chuyên gia, học giả và các phần tử trí thức nhà nước) lại gặp một sai lầm nghiêm trọng.
Trước hết, không thể đưa ra dự báo, phán đoán về sự bùng nổ của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Sự bùng nổ của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ không phải không có triệu chứng, mà là đã bắt đầu lộ ra manh mối khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.
Thời điểm đó đã có thể cơ bản được xác định khi ông thăm Trung Quốc, hoàn toàn có thể xác định khi ông Donald Trump lần đầu tiên công khai cho biết muốn tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD.
Tuy nhiên, tạm thời không nói đến các chuyên gia, học giả bình thường. Tuyệt đại đa số tầng lớp tinh hoa trí thức Trung Quốc rất nổi tiếng đều không đưa ra được những đánh giá, dự báo chính xác đối với cuộc chiến tranh thương mại này.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, trừ rất ít những chuyên gia, học giả tỉnh táo, hầu hết tầng lớp trí thức Trung Quốc cơ bản vẫn cho rằng chỉ cần gửi một món quà lớn cho ông Donald Trump thì chiến tranh thương mại Trung – Mỹ sẽ không thể tiến hành.
Một số chuyên gia, học giả rất nổi tiếng và có địa vị ở Trung Quốc thậm chí cho rằng ông Donald Trump gây ra chiến tranh thương mại Trung – Mỹ là để chống lại chiến lược “Chế tạo Trung Quốc 2025”.
Nhưng thử hỏi: Ông Donald Trump cũng tăng thuế quan lên hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico và các nước khác thì lẽ nào những nước này cũng có kế hoạch phát triển tương tự Trung Quốc?
Thứ hai, đến nay trí thức Trung Quốc chưa thể đưa ra đối sách có hiệu quả. Nhận định sai lầm về chiến tranh thương mại Trung – Mỹ có một phần nguyên nhân là tính chất “khó dự đoán” ở ông Donald Trump là quá lớn. Nhưng, sau khi nổ ra cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, những biểu hiện của không ít trí thức nổi tiếng Trung Quốc là điều khó có thể khen được.
Trong vấn đề chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, tầng lớp tinh hoa trí thức Trung Quốc về cơ bản được chia làm hai phái:
Một phái kiên quyết “chủ hòa” – không ít trí thức nhà nước tương đối nổi tiếng và học giả nổi tiếng có ảnh hưởng đáng kể thậm chí là học giả lâu năm trong lĩnh vực kinh tế đều cực kỳ bi quan cho rằng Trung Quốc tuyệt đối không thể tiến hành chiến tranh thương mại với Mỹ, nếu không sẽ thất bại rất thảm hại.
Phái còn lại từ cực đoan nói trên đi sang một cực đoan khác, hùng hồn cho rằng nhất định không thể thỏa hiệp với Mỹ, phải “lấy chiến tranh để chấm dứt chiến tranh”.
Tuy nhiên, rốt cuộc cần áp dụng phương án nào để tránh tiến hành chiến tranh thương mại với Mỹ? Phe chủ hòa đến nay chưa đưa ra bất cứ phương hướng cụ thể nào. Đối mặt với yêu cầu cực đoan của Mỹ, chủ trương tránh chiến tranh và không đưa ra được phương án ứng phó thì chẳng khác nào “đầu hàng”.
Tương tự, ngoài việc chủ trương sử dụng thủ đoạn báo thù truyền thống “ăn miếng trả miếng”, phe chủ chiến cũng không đưa ra được phương án cụ thể thiết thực, khả thi.
Một số chuyên gia, học giả Trung Quốc lại cho rằng ông Donald Trump gây ra chiến tranh thương mại là vì cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, mà “kho phiếu bầu” của ông Donald Trump chính là nông dân. Vì vậy, đáp trả ông Donald Trump thì phải tấn công vào kho phiếu bầu của ông ta, tức là nên tăng thuế quan đối với hàng nông sản của Mỹ, chẳng hạn đậu tương.
Ông Donald Trump phát động chiến tranh thương mại thực ra không phải là vì cuộc bầu cử giữa kỳ, bởi vì theo các cuộc thăm dò của báo chí Mỹ, tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump rất cao. Vì vậy, ông căn bản không cần thiết phải làm những chuyện “vô ích”.
Giả thiết ông Donald Trump làm như vậy là vì cuộc bầu cử giữa kỳ, có thể căn cứ vào số liệu thống kê của chính phủ Mỹ, hiện nay dân số tiến hành sản xuất nông nghiệp của Mỹ chỉ chiếm 1% dân số có việc làm.
Vậy lẽ nào 1% này thực sự là “kho phiếu bầu” của ông Donald Trump? Tấn công vào thành phần này thì ông Donald Trump sẽ đại bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ, từ đó sẽ chấm dứt tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc? Liệu còn có “kiến giải chuyên gia” ấu trĩ và hoang đường hơn thế này không?
Thứ ba, đến nay trí thức Trung Quốc còn chưa thể đưa ra dự báo về xu hướng tương lai của cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tầng lớp trí thức Trung Quốc hiện nay chính là căn cứ vào số liệu cụ thể, xác thực để đưa ra đánh giá, dự báo cơ bản về xu hướng của cuộc chiến tranh thương mại này, từ đó giúp cho tầng lớp quyết sách chính phủ đưa ra chính sách thích hợp, chứ tuyệt đối không thể tiếp tục nói suông, càng không thể tiếp tục “nói lung tung”, tiếp tục dẫn dắt sai lầm người dân và chính phủ theo hướng “vô trách nhiệm”.
Cho đến nay còn chưa có bất cứ trí thức Trung Quốc nào sử dụng số liệu cụ thể, xác thực để đưa ra đánh giá, dự báo về xu hướng tương lai của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Mặc dù chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đã nổ ra, nhưng trong “dòng sông lịch sử” của quan hệ kinh tế Trung – Mỹ, cuộc “chiến tranh” này chỉ có thể là tạm thời.
Vì vậy, nhìn ở góc độ lâu dài, cho dù chiến tranh thương mại Trung – Mỹ nổ ra toàn diện thì cũng hoàn toàn không có nghĩa là “bầu trời và mặt đất đều sụp đổ”. Hơn nữa, trong phúc có họa, trong họa có phúc.
Nếu chiến tranh thương mại Trung – Mỹ thực sự là một cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử của Trung Quốc thì nó tất yếu cũng là một cơ hội phát triển lịch sử hiếm có của Trung Quốc.
Cho nên, bậc trí thức Trung Quốc tự an ủi rằng không nên oán thán, tầng lớp tinh hoa trí thức Trung Quốc hiện nay không có lý do để tiếp tục oán trời trách đất, mà nên nghiên cứu xu hướng chiến tranh thương mại Trung – Mỹ một cách hết sức lý tính và khách quan, hơn nữa tìm ra biện pháp ứng phó thiết thực, khả thi, chuyển hóa vấn đề này thành cơ hội phát triển của Trung Quốc.
Nhưng không ít trí thức Trung Quốc hoàn toàn không cho là như vậy. Đối với họ, chiến tranh thương mại Trung – Mỹ chính là cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử của dân tộc Trung Hoa, hơn nữa căn bản không phải là cơ hội. Trung Quốc căn bản khó có thể ứng phó với cuộc chiến tranh này.
Sự hoang mang, lúng túng này không chỉ cho thấy họ thiếu tố chất chuyên nghiệp căn bản nhất và là “ngoại đạo” của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, hơn nữa không phù hợp với tinh thần cần có của trí thức đó là “không quan tâm hơn thua”, “làm việc đáng làm”.
Ba nguyên nhân trên cho thấy, trong vấn đề chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, mặc dù có số ít chuyên gia, học giả thực sự có lý giải, đánh giá, dự báo và đưa ra đối sách đúng đắn, nhưng với tư cách là một tầng lớp, trí thức Trung Quốc lại thể hiện ra là họ đã vấp phải một sai lầm nghiêm trọng.
Họ không những không đáp ứng được yêu cầu cơ bản của tầng lớp quyết sách chính phủ, trái lại đã dẫn dắt sai lầm nghiêm trọng đối với người dân và tầng lớp quyết sách chính phủ.
Sai lầm nghiêm trọng này ít nhất cho thấy trí thức Trung Quốc thiếu nghiên cứu sâu sắc đối với phương Tây đặc biệt là Mỹ. Nói một cách thẳng thắn hơn là, hiện nay nghiên cứu của tầng lớp trí thức Trung Quốc đối với Mỹ ít nhất là không toàn diện, không thấu triệt, căn bản không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của tầng lớp quyết sách chính phủ để đưa ra chính sách thích hợp đối với Mỹ.
Đồng thời cho thấy một số trí thức Trung Quốc không chỉ rất thiếu tố chất học thuật cơ bản, mà còn rất nông nổi, thường chỉ dựa vào kiến thức nửa vời của mình trên một số lĩnh vực để “ăn nói lung tung” một cách thiếu trách nhiệm về rất nhiều vấn đề xã hội quan trọng, thậm chí những vấn đề quan trọng ngoài lĩnh vực nghiên cứu của mình, từ đó dẫn dắt sai lầm đối với người dân và chính phủ.
Trong đó, một số trí thức nhà nước nổi tiếng Trung Quốc chưa từng tiến hành nghiên cứu toàn diện, sâu sắc đối với thương mại nhất là thương mại Trung – Mỹ, là “ngoại đạo” chính cống, căn bản không có tiếng nói, nhưng lại khẳng định chiến tranh thương mại Trung – Mỹ sẽ không nổ ra.
Sau khi cuộc chiến này nổ ra thì họ lại sợ sệt cho rằng sẽ không thể tiến hành được cuộc chiến này.
Hoặc trái lại, họ cực kỳ khinh suất khi cho rằng “lấy chiến tranh để chấm dứt chiến tranh”. Hiện nay, sự nông nổi và “tự cho mình là đúng” này của trí thức Trung Quốc có lẽ là một cuộc khủng hoảng lớn hơn, sâu sắc hơn của Trung Quốc.
Tác giả bài viết cuối cùng bày tỏ lo ngại, nếu tầng lớp trí thức Trung Quốc tiếp tục không dám đổi mới thì sẽ không thể ứng phó được những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn, cuối cùng sẽ hủy hoại “lợi ích cốt lõi” của dân tộc Trung Hoa.