Thursday, October 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ chia phe cãi nhau kịch liệt vì Nga

Mỹ chia phe cãi nhau kịch liệt vì Nga

Phân tích nhân việc Tổng thống Trump lùi ngày dự kiến gặp Tổng thống Putin sang năm sau.

Việc Tổng thống Trump quyết định lùi ngày gặp người đồng cấp phía Nga gây ra rất nhiều câu hỏi cho giới phân tích. Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định là, nếu Mỹ gặp Nga mùa thu năm nay (theo dự kiến trước đó), thì sẽ cũng chẳng thu được kết quả gì khác so với hội nghị Helsinki.

Chuyên gia Michael McFaul có bài phân tích sau khi kết thúc hội nghị Helsinki trên tờ Foreignaffairs ngày 18/7/2018, xin được tổng hợp và chia sẻ với bạn đọc quan tâm giữa những tranh cãi về chiến lược đối ngoại của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gây bất ngờ cho toàn thế giới tại hội nghị thượng đỉnh Helsinki, khi ông sát cánh cùng tổng thống Nga Vladimir Putin phủ nhận việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tổng thống Trump có vẻ tin tưởng ông Putin hơn so với cơ quan tình báo của Mỹ, khi ông nói trong cuộc họp báo sau hội nghị rằng “Tôi không thấy có lý do gì đó lại là Nga” – khi ông trả lời câu hỏi của phóng viên về cáo buộc Nga đột nhập vào máy chủ của Đảng Dân chủ Mỹ.

Ông Trump cũng khẳng định rằng hội nghị Helsinki sẽ trở thành cột mốc lịch sử về một về mối quan hệ mới“tốt đẹp chưa từng có” với Nga.

Mặc dù sau đó Tổng thống Trump đã đính chính rằng mình đã “nói nhầm” về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, tuy nhiên những tác động của câu trả lời trước đó tới chính trường Mỹ đã diễn ra ngay từ khi ông đưa ra phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau hội nghị. Vì vậy, việc ông Trump đính chính lại lời nói có vẻ không khiến dư luận bớt tin vào những gì tổng thống Mỹ đã nói trước đó.

Chưa bao giờ trong lịch sử của các hội nghị thượng đỉnh song phương Nga-Mỹ, nhà lãnh đạo Mỹ lại có vẻ “yếu đuối” như vậy.

Vậy nguyên nhân sự “yếu đuối” của Mỹ trong màn “trình diễn” tại Helsinki là gì? Trong bối cảnh lợi ích quốc gia của Mỹ bị đe dọa không chỉ trong nội bộ nước Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu trước những mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc (hai đối thủ chính được nêu rõ trong chiến lược an ninh quốc gia 2017), Washington hiện đang thiếu đi một “đại chiến lược” nhằm chống lại những mối đe dọa đó.

Thể hiện của ông Trump tại Helsinki cho thấy rằng trong khoảng thời gian một năm rưỡi trên cương vị Tổng thống Mỹ , ông vẫn chưa có cho mình và chính phủ của Mỹ một chiến lược cụ thể nào cho mối “đe dọa” từ Nga. Trừ khi có những thay đổi trong chính sách Mỹ-Nga, thái độ của Mỹ được dự đoán sẽ ngày càng mềm mỏng, và ngược lại Nga sẽ ngày càng có những bước đi táo bạo.

Hai chính sách trái ngược của Mỹ

Một năm rưỡi trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga diễn ra, văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đã công bố một báo cáo công khai, trong đó tuyên bố rõ ràng rằng “Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo thực hiện một chiến dịch nhằm ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016”.

“Mục tiêu của Nga là làm suy yếu niềm tin của công chúng Mỹ vào nền dân chủ của nước này; giảm uy tín của bà Hilary Clinton nhằm tác động xấu đến khả năng đắc cử của bà,” báo cáo này cho biết thêm. Trong phần kết luận, báo cáo chỉ rõ: “Chúng tôi đã đánh giá kỹ về các bước đi của Tổng thống Putin và chính quyền Nga. Kết quả là, Nga muốn Donald Trump đắc cử Tổng thống. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào những đánh giá này.”

Ủy ban Đặc biệt về Tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ tái khẳng định những kết luận điều tra trong báo cáo trên, nói rằng “Ủy ban tin rằng kết luận của Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ (cơ quan tình báo cao nhất của Mỹ, bao gồm Cục tình báo Trung ưng CIA, tình báo quốc phòng,…) là hợp lý. Nên lưu ý thêm rằng các đánh giá, phân tích và báo cáo sau đó của Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ tiếp tục củng cố cho kết luận trên.”

Chỉ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller- chỉ huy cuộc điều tra về những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã công bố thêm những chi tiết đáng giá về các hoạt động của Nga khi công khai bản cáo trạng 12 sĩ quan tình báo quân sự Nga tham gia chiến dịch này.

Tuy nhiên, tại Helsinki, trước sự theo dõi của toàn thế giới khi được hỏi về những can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử, Tổng thống Trump chỉ trả lời một cách chung chung rằng ông tin tưởng vào cả 2 bên- Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ và Nga (giống như việc hỏi ông đi bên trái hay đi bên phải- tôi đi cả hai).

Câu trả lời của ông Trump có lẽ đã làm ngạc nhiên tất cả. Ông đã gây một cú sốc lớn tất cả những người Mỹ theo dõi hội nghị, đồng thời gây lên làn sóng phản đối ông trong Quốc hội Hoa Kỳ, các cựu viên chức an ninh quốc gia và các chuyên gia về chính sách đối ngoại.

Thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa John McCain gọi các tuyên bố của Tổng thống Trump tại hội nghị Helsinki là “một trong những màn thể hiện đáng hổ thẹn nhất của một Tổng thống Mỹ mà ông nhớ.” 

Cựu giám đốc cơ quan Tình báo Mỹ CIA ông John Brennan thậm chí còn gọi cuộc họp báo của ông Trump là “một sự phản bội.” Cuộc họp báo tại hội nghị Helsinki đã bắt đầu cho làn sóng tìm kiếm các quan điểm của ông Trump về Nga. Ngày càng có nhiều các nhà bình luận suy đoán về mối liên hệ giữa chính phủ Nga và ứng viên Tổng thống Mỹ 2016, thậm chí có thể trước cả thời điểm đó.

Thể hiện của ông Trump tại hội nghị, xét trên phương diện lớn hơn, nói lên cách tiếp cận của Mỹ trong các vấn đề về Nga. Sự đối lập giữa các tuyên bố công khai của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các chính sách của chính quyền Mỹ hiện tại làm lộ rõ sự thiếu nhất quán và sơ hở của Mỹ khi không có một chiến lược xuyên suốt trong chính sách với Nga.

Trong một vài động thái gần đây, chiến lược ngăn chặn các mối nguy hiểm từ Nga dường như đang được chính quyền Trump áp dụng. Chính quyền Mỹ hiện nay tiếp tục duy trì các chính sách cứng rắn với Nga từ thời Tổng thống Obama nhằm phản ứng lại việc sát nhập Crimea của Nga.

Các chính sách đáng kể nhất có thể nói đến bao gồm áp đặt lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và công ty của Nga, củng cố và tăng cường sức mạnh khối NATO, cùng với đó là các hỗ trợ về quân sự và kinh tế cho Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Trump thậm chí còn có những bước đi táo bạo hơn so với chính quyền Obama, trong đó đáng kể nhất là viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine và đóng cửa hai lãnh sự quán Nga tại San Francisco và Seattle.

Tuy nhiên, rất nhiều lần ông Trump tỏ ra mâu thuẫn giữa quan điểm cá nhân của ông (khi được hỏi) và các chính sách của chính quyền đương nhiệm đối với Nga, điển hình tại hội nghị Helsinki.

Tại cuộc họp báo, ông không chỉ từ chối xác nhận các cáo buộc đối với sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, mà thậm chí ông còn không hề đề cập đến việc Nga sát nhập Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014, sự can thiệp quân sự của Nga ở miền đông Ukraine, sự ủng hộ đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và một loạt các can dự của Nga trên khắp thế giới (như vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei V. Skripal tại Anh tháng 3/2018).

Thay vì một chính sách cứng rắn với Nga, tổng thống Trump đã nói rõ rằng ông muốn làm bạn với tổng thống Nga Putin, và thay vì chỉ trích Putin, ông nói rằng Nga “là một đối thủ cạnh tranh tốt”-với hàm ý của một lời khen.

Có vẻ như tổng thống Mỹ rất kiên định với quan điểm của mình trong suốt những năm qua, ông Trump nhắc lại rằng Mỹ sẽ có lợi hơn là hại nếu hai nước cải thiện mối quan hệ, vốn đóng băng từ vài nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ gần đây.

Ngay cả các cố vấn trong chính phủ của tổng thống Trump cũng nói rằng ông đã không nói và làm đúng như “kịch bản” của Mỹ cho hội nghị Helsinki, vì vậy, có thể thấy rằng, trong nội bộ nước Mỹ, đang có hai, chứ không phải một, chính sách trong các vấn đề về Nga.

Đối thoại hay đối đầu?

Trong lịch sử, không phải Mỹ chưa bao giờ áp dụng song song hai chính sách – đối thoại và đối đầu với Nga nhằm đạt được các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của mình.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô đã ngồi lại với nhau nhiều lần tại các hội nghị thượng đỉnh, cho dù Mỹ đang đối đầu căng thẳng trong mối quan hệ với Liên Xô lúc đó.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của tổng thống Trump trong đối thoại với Nga tại hội nghị Helsinki khác hoàn toàn với phương pháp của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Thứ nhất, không một Tổng thống Mỹ nào trong thời kỳ đó dành những lời khen “có cánh” cho các nhà lãnh đạo phía Liên Xô.

Thứ hai, trong và sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, các Tổng thống Mỹ trước đây sử dụng các cuộc hội nghị thượng đỉnh làm phương tiện nhằm thể hiện sự nhất quán trong chính sách ngoại giao của Mỹ với Liên Xô.

Tuy nhiên, tại Helsinki, không có một lập trường nhất quán nào được đưa ra từ phía ông Trump, và kéo theo đó, cuộc họp thượng đỉnh dường như cũng không đem lại kết quả gì cho Mỹ và Nga (cũng như NATO, Trung Quốc, và các quốc gia đang quan tâm đến mối quan hệ Mỹ-Nga).

Có thể, nếu Putin đến Nhà Trắng vào năm sau, chúng ta hi vọng sẽ được thấy nhiều kết quả hơn từ hai nhà lãnh đạo.

Về các vấn đề hợp tác song phương khác mà hai nhà lãnh đạo đã thảo luận tại Helsinki, các “thỏa thuận” được đề xuất đang gây nhiều tranh cãi tại nước Mỹ.

Đáng lo ngại nhất, có vẻ đã có một thỏa thuận trao đổi giữa tổng thống Trump và tổng thống Putin. Theo đó, Muller (công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra việc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016) và nhóm điều tra của ông sẽ xét hỏi các viên chức tình báo quân sự Nga đang bị truy tố về tội âm mưu chống lại Hoa Kỳ.

Ở chiều ngược lại, cơ quan pháp luật của Nga sẽ được phỏng vấn và điều tra các quan chức và các cựu quan chức chính phủ Hoa Kỳ về các cáo buộc liên quan đến doanh nhân người Anh Bill Browder và công ty Hermitage Capital Management của ông thực hiện hoạt động rửa tiền tại Nga.

Một chi tiết đáng lưu ý, ông Putin cho rằng Browder đã sử dụng một phần của các khoản tiền bẩn này vào chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hilary Clinton năm 2016.

Theo tác giả bài viết, hai vấn đề của thỏa thuận nêu trên không liên quan gì đến nhau, hơn nữa, cáo buộc của Putin đối với Browder là do ông “tưởng tượng”. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo tại Helsinki, tổng thống Trump gọi đề xuất thỏa thuận trao đổi này là “một ý tưởng thú vị”. 

Không ai biết liệu có còn những “ý tưởng thú vị” khác được hai nhà lãnh đạo thảo luận sau cánh cửa đóng kín tại Helsinki hay không. Trong khi chính phủ Nga đã khẳng định sẽ thực hiện các thỏa thuận an ninh đã được đàm phán tại Helsinki ,thì giới chức Mỹ vẫn đang chưa biết những thỏa thuận an ninh đó là gì?

Phương pháp tiếp cận Nga của tổng thống Trump có vẻ không những không đem lại gì cho Mỹ, mà còn làm ảnh hưởng tới các lợi ích quốc gia của nước này.

Mỹ cần một chiến lược rõ ràng

Tổng kết lại, việc thiếu đi một chiến lược cụ thể và rõ ràng trong các phương án đối phó với Nga khiến cho việc xây dựng các chính sách của lưỡng đảng tại Mỹ cũng như các đồng minh của nước này gặp nhiều khó khăn.

Lại nhắc lại thời kỳ Chiến tranh lạnh, các đời tổng thống Hoa Kỳ trước đây ít nhất có thể nhất trí được với các lực lượng đối lập ngoài chính phủ về một chiến lược cơ bản nhằm đối phó với Nga, mặc dù còn đang bất đồng với nhau về một số các chính sách quan trọng khác.

Tuy nhiên, sau hội nghị Helsinki, Tổng thống Trump nhận được rất ít sự ủng hộ đối với chính sách với Nga của ông, ngay cả trong nội bộ Đảng Cộng hòa, chứ chưa nói đến Đảng Dân chủ hoặc các nước Đồng minh của Mỹ.

Để tạo ra được sự đồng thuận và có các chính sách hiệu quả nhằm đối phó với nước Nga của ông Putin, Mỹ cần sự đoàn kết và thống nhất trong nước cũng như sự ủng hộ của các nước đồng minh.

Bước đi cần thiết của tổng thống Trump hiện nay là xây dựng và tạo được sự đồng thuận trong nước cũng như với các nước đồng minh về các quan điểm cơ bản trong chiến lược đối phó với Nga.

Việc có một chiến lược như vậy là cấp thiết cho nước Mỹ vào lúc này, đặc biệt là sau những chia rẽ và phản ứng đối với những gì diễn ra tại Helsinki. Có thể chiến lược này và hiệu quả của nó sẽ không diễn ra trong nhiệm kì của tổng thống Trump, nhưng có thể chúng ta sẽ thấy nó ở nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Mỹ vào năm 2020.

RELATED ARTICLES

Tin mới