Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines nhận bài học đợi tiền đầu tư TQ?

Philippines nhận bài học đợi tiền đầu tư TQ?

Không chỉ Nga, Philippines cũng nhận bài học từ vốn vay Trung Quốc.

Trung Quốc đã hứa rót 24 tỷ USD vốn đầu tư vào Philippines khi Tổng thống nước này Duterte thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2016.

Trung Quốc khi đó ký 27 thỏa thuận, nhất trí cung cấp 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi và 15 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ các công ty Trung Quốc.

Đây là các dự án nằm trong các ngành đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai mỏ, nhưng không đi kèm một lịch trình cụ thể.

Nhưng theo thống kê của phương Tây cho đến nay, Manila đang đợi chờ trong vô vọng.

Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế Ernesto Pernia cho biết, đến nay,  Philippines chỉ mới hoàn tất một thỏa thuận vay trị giá 73 triệu USD từ Trung Quốc để cấp vốn cho dự án thủy lợi ở phía Bắc thủ đô Manila

Ngoài ra, hai cây cầu ở Manila nhận số vốn 75 triệu USD từ Trung Quốc mới khánh thành trong tháng 7.

Nhưng, Bloomberg liệt kê nhiều thỏa thuận lớn giữa hai nước dường như chưa hề “động đậy”.

Công ty Phát triển Greenergy (tại Mandanao) ký thỏa thuận xây một nhà máy thủy điện trị giá 1 tỉ USD với Công ty Điện lực Trung Quốc vào tháng 10/2016.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc liên tục đòi hoãn thời hạn khởi công. Đến lần đòi dời hạn cuối vào tháng 2/2017 thì công ty Philippines hết kiên nhẫn.

Giám đốc điều hành Cerael Donggay của Greenergy nói: “Chúng tôi chấm dứt thỏa thuận đó rồi và hiện đàm phán với một công ty Hồng Kông khác để tiếp tục dự án”.

Một trong những công ty khai mỏ lớn nhất Philippines là Global Ferronickel đã ký một thỏa thuận với Baiyin Nonferrous Group của Trung Quốc, cũng vào tháng 10/2016, để xây dựng một nhà máy thép không rỉ trị giá 700 triệu USD ở Philippines.

Tương tự dự án thủy điện của Greenery, dự án nhà máy thép này đến nay cũng trong tình trạng hoãn vô thời hạn.

Một thỏa thuận khác trị giá 780 triệu USD cũng được ký vào tháng 10/2016 để đắp 3 hòn đảo trong một khu ngập nước ở Davao, quê nhà ông Duterte.

Tuy nhiên, thỏa thuận bị hủy vào tháng 7/2017 sau khi Thị trưởng Davao Sara Duterte-Carpio (cũng là con gái Tổng thống Philippines) khẳng định dự án không đem lại giá trị thương mại.

Chuyên gia Richard Heydarian của Viện ADR-Stratbase ở Manila cho rằng Philippines dưới thời ông Duterte đã “có nhiều nhượng bộ” nhưng lại “bị Trung Quốc lợi dụng”.

“Chúng tôi nhận ra các cam kết đầu tư của Trung Quốc đã bị thổi phồng quá đáng. Tôi hy vọng Nhật, Mỹ và các đối tác châu Âu khác tiếp tục là nguồn đầu tư nước ngoài chính cho Philippines” – vị này bày tỏ.

Trường hợp Philippines cũng điển hình như những dự án khác của Bắc Kinh ở nước ngoài. Nga là một ví dụ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khi tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” theo sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định: “Nga là đất nước cởi mở dành cho sự hợp tác với tất cả các quốc gia và Trung Quốc hôm nay cũng đang thể hiện sự cởi mở như vậy với toàn thế giới”.

Trung Quốc đang trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Nga, năm 2020 có thể đầu tư 500 tỷ USD vào Nga và kim ngạch thương mại song phương có thể đạt 122 tỷ USD.

Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và Ngân hàng Phát triển quốc gia Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập quỹ đầu tư chung nhân dân tệ và  tăng vốn cho quỹ đầu tư chung Trung – Nga.

Hồi tháng 7/2017, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp khí đốt Nga Gazprom – ông Alexei Miller cho biết Nga vào năm 2019 sẽ bắt đầu thông qua đường ống “Sức mạnh Siberia” (Power of Siberia pipeline) để vận chuyển khí đốt cho Trung Quốc.

Hợp đồng này cung ứng 38 tỷ m3 cho Trung Quốc bằng đường ống phía đông trong thời gian 30 năm.

Nhưng thực tế, dự án này đã bị chậm trễ khoản tín dụng từ Trung Quốc. Trung Quốc đã đồng ý cung cấp 55 tỷ USD cho dự án đường ống dẫn khí này nhưng ngay khoản tín dụng đợt một, Gazprom cũng rất vất vả mới được nhận.

Một dự án của Trung Quốc với tham vọng cung cấp lượng điện trị giá trị 1.5 tỷ USD/năm cho Nga cũng không có nhiều tiến bộ trong một thập kỷ qua.

Các khoản đầu tư khác của Trung Quốc như nhà máy gỗ 1tỷ USD tại thành phố Tomsk ở Siberia, một cây cầu lớn nối Nga với Crimea, một tuyến đường sắt cao tốc nối Moscow với Kazan phục vụ cho World Cup 2018 và cả ý tưởng về một trạm nghiên cứu chung về vụ trụ cũng rất mờ mịt, theo The Moscow Times.

Sự cởi mở trong con mắt của những nhà lãnh đạo đúng là hoàn toàn khác với thực tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới