Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ lấy vũ khí làm quà cho Srilanka

TQ lấy vũ khí làm quà cho Srilanka

Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp các khóa đào tạo quân sự cho quân đội Sri Lanka, đồng thời tặng nước này một chiếc tàu khu trục.

Đại tá Xu Jianwei, một quan chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo (thủ đô Sri Lanka) cho hay trong năm nay quân đội Trung Quốc sẽ hoàn thành việc xây dựng một học viện quân sự quy mô nhỏ tại tại nước này và tiếp tục cung cấp các khóa đào tạo quân sự cho quân đội Sri Lanka.

Ngoài ra, cũng trong năm nay, Trung Quốc sẽ tặng cho Sri Lanka một tàu khu trục hiện đại, như là một món quà “thân thiện”.

“Là một người bạn tốt thật sự trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế-xã hội và sức mạnh quân sự, quốc phòng của Sri Lanka.

Trong vài năm qua, quân đội hai nước đã có những giao lưu, hợp tác sâu sắc hơn trong các lĩnh vực đào tạo nhân lực, tập trận chung, an ninh hàng hải…”, ông Xu nói.

Tuyên bố của ông Xu đưa ra trong một sự kiện kỷ niệm 91 năm thành lập Quân đội Trung Quốc (ngày 1/8), nhưng không cho biết chi tiết về loại tàu, kiểu tàu khu trục mà Trung Quốc sẽ tặng cho Sri Lanka.

Tuy nhiên việc tặng tàu chiến, cung cấp các khóa đào tạo cho Sri Lanka có nhiều toan tính của Trung Quốc. Theo ông Jeff Smith, một nghiên cứu viên của Heritage Foundation cho hay, việc Trung Quốc tặng cho Sri Lanka một món quà trị giá lên tới 295 triệu USD quả thật là không có gì đáng ngạc nhiên.

Trung Quốc cơ bản là lặp lại chính sách “tặng quà” các nước hàng xóm của Ấn Độ, để tranh thủ sự ủng hộ của những đối tác của Ấn Độ tại Nam Á mà thôi.

“Chuyện này khá là bình thường trong khu vực. Ấn Độ cũng thường tặng vũ khí cho các nước láng giềng”, ông Smith nói.

Ông Smith cho hay, chính quyền mới của Sri Lanka rõ ràng nhận thức được sự hiện diện của Trung Quốc tại nước họ là một “mối quan tâm” của Ấn Độ.

Tuy nhiên, số nợ mà họ thiếu Trung Quốc thì vẫn phải trả và khoản viện trợ của Bắc Kinh thì cũng béo bở.

Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm

Bắc Kinh đã ký được hợp đồng thuê cảng biển Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm. Đây là bằng chứng về chiến lược ngoại giao bằng “bẫy nợ” cực kỳ lợi hại của Trung Quốc – một nước cờ quan trọng của sáng kiến “Vành đai và Con đ​ường” của Trung Quốc, còn gọi là “dự án của thế kỷ” .

Không giống như các khoản cho vay của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các khoản cho vay của Trung Quốc được đảm bảo bởi các tài sản tự nhiên có tầm quan trọng chiến lược với giá trị dài hạn cao (ngay cả khi các tài nguyên ấy thiếu giá trị kinh tế hiện thời).

Trung Quoc lay vu khi lam qua cho Srilanka
Vị trí cảng Hambantota của Sri Lanka.

Ví dụ, cảng Hambantota chiến lược của Sri Lanka nằm giữa các tuyến thương mại liên kết Ấn Độ Dương với Châu Âu, Châu Phi, và kết nối Trung Đông đến châu Á.

Để đổi lấy tài chính và cơ sở hạ tầng mà các quốc gia nghèo hơn cần, Trung Quốc đòi hỏi sự tiếp cận thuận lợi tới tài nguyên thiên nhiên của những nước này, từ tài nguyên khoáng sản cho đến các cảng biển chiến lược.

Hơn nữa, trường hợp của Sri Lanka đã minh hoạ rõ rệt về khả năng sử dụng “bẫy nợ” để trói buộc các quốc gia “đối tác” của Bắc Kinh. Thay vì tài trợ hoặc cho vay ưu đãi, Trung Quốc cung cấp các khoản vay lớn liên quan đến dự án theo lãi suất thị trường, với các điều khoản thiếu minh bạch, và thường rất ít hoặc không có đánh giá tác động của dự án đến môi trường và xã hội.

Như Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết gần đây, với sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đang nhằm hướng đến xác lập “các quy tắc và chuẩn mực riêng của mình.”

Để tăng cường vị thế hơn nữa, Trung Quốc khuyến khích các công ty trong nước đấu thầu mua toàn bộ các cảng biển chiến lược ở bất cứ nơi đâu có thể.

Cảng Piraeus là một ví dụ, nằm ở biển Địa Trung Hải, cảng Piraeus của Hy Lạp là cửa ngõ quan trọng của hàng hóa vào châu Âu, năm 2016, nó đã được một công ty Trung Quốc mua lại với giá 436 triệu USD, trở thành một mắt xích “đầu rồng” cho tham vọng vươn vòi đến châu Âu của Bắc Kinh.

Bằng cách sử dụng tài chính theo cách này, Trung Quốc đã bắn một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất, nó giúp giải quyết tình trạng dư thừa sản xuất trong nước bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.

Thứ hai, nó gia tăng lợi ích chiến lược quốc gia, bao gồm mở rộng ảnh hưởng ngoại giao, tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ và đạt được lợi thế tương đối so với các cường quốc khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới