Tuesday, October 22, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông sẽ trở thành chiến trường của tàu ngầm không người...

Biển Đông sẽ trở thành chiến trường của tàu ngầm không người lái

Trong những năm gần đây, không chỉ Mỹ, Nga, Nhật Bản mà cả Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển một hạm đội tàu ngầm mới hoạt động trên biển mà không cần đến sự hiện diện của con người. Hạm đội tàu này sẽ trở thành một trong những loại vũ khí nguy hiểm, khó kiểm soát ở khu vực Biển Đông.

Mô hình tàu ngầm không người lái của Trung Quốc

Giới truyền thông Trung Quốc những ngày gần đây dẫn nguồn tin từ các nhà khoa học giấu tên cho biết Trung Quốc đang triển khai kế hoạch xây dựng một hạm đội tàu ngầm lớn, thông minh và có chi phí thấp để đi khắp các đại dương. Các tàu ngầm trên sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hoạt động độc lập và hỗ trợ cho các hạm đội hiện có. Hiện Trung Quốc đã xây dựng cơ sở thử nghiệm lớn nhất thế giới dành cho các tàu không người lái trên mặt nước ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Dự kiến, nước này sẽ triển khai tàu ngầm AI vào đầu thập niên 2020.

Cơ cấu hoạt động của tàu ngầm AI:

Có thông tin cho rằng tàu ngầm không người lái của Trung Quốc nặng 50 kg, do Đại học công nghiệp Tây Bắc hợp tác thiết kế, chế tạo. Hiện Trung Quốc đã ký 20 đơn đặt hàng và 40 đơn hàng khác đang chờ xem xét. Tàu được cho là có khả năng lặn sâu 100 m trong vòng 14 tiếng, tốc độ 5,4 km/h. Các tàu ngầm AI được đồn đại được trang bị động cơ diesel-điện.

Trước đó, Nhật báo Thanh Đảo của Trung Quốc (29/6) đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân đã hoàn thành cuộc thử nghiệm trên biển đối với tàu ngầm không người lái Haiyan ở Biển Đông. Trong cuộc thử nghiệm, Haiyan đã hoạt động liên tục trong 21 ngày và lặn xuống độ sâu 1.094 m. Haiyan dài 1,8 m, rộng 0,3 m, nặng khoảng 70 kg, hình dáng giống ngư lôi và có thể di chuyển với tốc độ dưới nước tối đa gần 6 km/h, hoạt động tối đa 30 ngày dưới nước, trong khu vực có khoảng 1.000 km.

Theo giới thiệu, Tàu ngầm không người lái sẽ tự triển khai các kế hoạch, tự xử lý nhiệm vụ được giao và trở về căn cứ riêng. Chúng có thể liên lạc với chỉ huy ở mặt đất theo định kỳ để cập nhật thông tin, nhưng hoàn toàn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà không cần đến sự can thiệp của con người. Các chuyên gia nghiên cứu quân sự của Trung Quốc cũng đang phát triển một hệ thống hỗ trợ giúp các chỉ huy đưa ra những nhận định nhanh và chính xác trong tình huống chiến đấu.

Theo thiết kế, tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ rất khó bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) dò tìm được. Chúng có thể xâm nhập cảng biển của đối phương trong tình hình đối phương không hề cảnh giác. Ngoài ra, một trong những ưu thế chính của tàu ngầm tự lái là chi phí vận hành tương đối thấp, bởi vì mọi chi phí để tạo ra môi trường cho phép con người có thể tồn tại trong tàu ngầm được loại bỏ. Điều này cho phép tàu hoạt động linh hoạt hơn. Hệ thống trí tuệ nhân tạo cho phép tàu xác định tình hình xung quanh và không cần quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng thủy thủ bên trong tàu.

Tuy nhiên, tàu ngầm AI cũng có hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai và do các mẫu khí tài không người lái, dưới nước hiện nay hầu hết có kích thước tương đối nhỏ, hạn chế về tầm hoạt động và trọng tải tối đa. Việc triển khai và thu hồi chúng về căn cứ đòi hỏi sự điều động thêm tàu nổi hoặc tàu ngầm khác. Không những vậy, các tàu ngầm AI còn phải tự dự vào trí tuệ nhân tạo để đối phó với môi trường phức tạp trên biển. Chúng phải tự quyết định liên tục: thay đổi lộ trình và độ sâu để tránh bị phát hiện; phân biệt dân thường với các tàu quân sự; chọn cách tiếp cận tốt nhất để đến được một vị trí được chỉ định.

Mục đích của Trung Quốc: (1) Ngoài việc thực hiện nghiên cứu khoa học, theo dõi sự thay đổi môi trường và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển, dự án tàu ngầm robot của Trung Quốc còn nhằm theo dõi, ngăn chặn và tấn công các lực lượng Mỹ trên các vùng biển chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. (2) Trung Quốc cũng sẽ sử dụng các tàu ngầm không người lái này cho các nhiệm vụ thu thập tình báo, trinh sát, đặt thủy lôi và tiến hành các cuộc tấn công cảm tử kiểu ‘kamikaze’ vào các mục tiêu có giá trị cao trên biển như tàu ngầm, tàu sân bay, tàu chiến và các giàn khoan dầu mỏ. (3) Dự án này không chỉ là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh hải quân bằng công nghệ AI, nó còn nhằm các mục tiêu tuyên truyền, quảng bá sức mạnh hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc đi sau nhiều nước về việc nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng tàu ngầm không người lái:

Mỹ:Quân đội Mỹ đang đẩy mạnh chế tạo và đưa vào sử dụng tàu ngầm không người lái để duy trì vai trò của mình ở Biển Đông. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đề cập tới những tàu ngầm không người lái này của Mỹ một cách đặc biệt khi phát biểu về chiến lược quân sự Mỹ ở châu Á. Ông Ashton Carter cho biết, Mỹ đã đầu tư vào loại tàu ngầm không người lái với nhiều kích cỡ khác nhau, đặc biệt có khả năng hoạt động trong những vùng nước nông mà các tàu ngầm thông thường không thể. Tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ điều khiển từ xa đã được Mỹ sử dụng trong tìm kiếm cứu nạn. Hiện Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Quân đội Mỹ đã trao hợp đồng trị giá 58,4 triệu USD cho Hiệp hội Khoa học Ứng dụng Quốc tế (Science Applications International Corporation – SAIC) ở McLean, bang Virginia để để phát triển tàu ngầm không người lái có khả năng hoạt động độc lập dưới lòng biển trong nhiều tháng mà không cần sự can thiệp của con người. Trong khi đó, Boeing cũng đang phát triển một mẫu tàu ngầm không người lái cỡ lớn khác, dựa trên chiếc Echo Voyager, một tàu ngầm tự hành 50 tấn được phát triển lần đầu tiên cho mục đích thương mại như vẽ bản đồ đáy biển. Echo Voyager dài hơn 15m và có đường kính 2,6m, có thể hoạt động trong nhiều tháng trên một phạm vi 12.000km, với tốc độ tối đa 15km/h.

Theo ông Ashton Carter, Mỹ có kế hoạch giải ngân 600 triệu USD để thiết kế và phát triển phiên bản tàu ngầm không người lái mới. Đây là một phần của “Chiến lược bù đắp thứ ba” (Third offset strategy) nhằm mục đích duy trì lợi thế tối ưu về quân sự của Mỹ thông qua việc phát triển các loại vũ khí mới, hiện đại nhất. Theo các nguồn tin quân sự, hải quân Mỹ dự kiến hoàn thiện các hải đoàn mới này trước năm 2020. Lực lượng này sẽ thực hiện các nhiệm vụ như trinh sát, rà phá mìn, tuần tra, chiến đấu chống tàu ngầm và người nhái của đối phương.

Nga: Tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon của Nga được trang bị đầu đạn hạt nhân với sức công phá lên tới 2 megaton và lò phản ứng hạt nhân cho phép tàu ngầm này có thể hoạt động ở độ sâu lớn với tốc độ cao và hoàn toàn đủ khả năng hủy diệt số lượng lớn các mục tiêu của đối phương. Tổ hợp này được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu lần đầu trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang Nga vào tháng 3/2018. Theo đó, tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon được trang bị lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ, có thể lặn sâu 1 km và di chuyển với tốc độ 100 km/h. Tàu ngầm hạt nhân không người lái này có thể được quân đội Nga biên chế vào năm 2027.

Nhật Bản:Bộ quốc phòng Nhật Bản đã trang bị hệ thống tàu ngầm không người lái REMUS 600 được sử dụng để phát hiện và tiêu diệt thủy lôi. Công ty Hydroid Mỹ, một công ty con của hãng Kongsberg Maritime và cũng là nhà sản xuất hàng đầu về các loại tàu ngầm tự hành (AUVs) thông báo rằng, Bộ Quốc phòng (BQP) Nhật Bản đã mua hệ thống REMUS 600 cho các chiến dịch đối phó với thủy lôi. Theo thiết kế, REMUS 600 có thể hoạt động ở độ sâu 600 m, sử dụng động cơ công suất 60 Watts và có thể bơi liên tục trong khoảng thời gian 70 h. Các tàu ngầm REMUS 600 được thiết kế dưới dạng mô-đun: chúng được gắn một loạt các cảm biến và được sử dụng để hỗ trợ trong các cuộc khảo sát thủy văn học, hoạt động an ninh nơi cảng biển, lập bản đồ và thử nghiệm khoa học, cũng như nhiều chương trình nghiên cứu ứng dụng cơ bản khác. Tính đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản đã mua 4 REMUS 100 để điều tra và lập bản đồ phân tán đáy biển bị ô nhiễm cũng như các hoạt động rà phá thủy lôi.

Dư luận liên quan:

Dư luận Trung Quốc đánh giá tích cực và cho rằng Mỹ sẽ phải cẩn thận khi vào Biển Đông. Ông Lâm Dương, giám đốc trang bị công nghệ hải quân thuộc Viện Tự động hóa Thẩm Dương cho rằng việc Trung Quốc phát triển tàu ngầm không người lái là lời đáp trả cho những nỗ lực tương tự của Mỹ ở Biển Đông. Trí tuệ nhân tạo của con tàu sẽ giúp nó hoạt động trong lòng biển, không chỉ tránh các nguy hiểm tự nhiên mà còn có thể tìm kiếm, phân biệt địch- ta, ra các quyết định về phương hướng để tránh đối đầu tàu địch. Chúng cũng được thiết kế để hoàn tất các nhiệm vụ mà không cần quay về cảng giữa chừng, không cần hướng dẫn trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Lý Kiện cho rằng tàu ngầm không người lái tiếp tục là một mắt khâu quan trọng trong phát triển vũ khí trang bị theo hướng đa chiều, không người lái và thông minh của Mỹ. Giáo sư Luo Yuesheng, Khoa Tự động hóa thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân nhận định, các tàu trên có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với các đối thủ của Trung Quốc trên biển. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc có nhiều bài cho rằng việc sản xuất hàng loạt tàu ngầm giá rẻ không người lái là “dấu chấm hết” cho sự phụ thuộc vào nước ngoài, trong đó có Mỹ, trong các hoạt động thăm dò và quốc phòng.

Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế cho rằng nếu các nước triển khai tàu ngầm không người lái ở Biển Đông sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, dễ bùng phát xung đột. Chuyên gia Shawn Brimley, một cựu quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc hiện làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận định, nếu Mỹ sử dụng lực lượng này ở Biển Đông, nó sẽ có tác động răn đe đối với các hành vi khiêu khích, leo thang của Trung Quốc. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Lý Kiệt nhận định Mỹ đang trong giai đoạn nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí không người lái cỡ nhỏ, những loại khí tài này sau khi hình thành hệ thống tác chiến sẽ đe dọa Trung Quốc ngày càng lớn. Trung Quốc muốn ứng phó nó, vừa phải tiêu diệt từng chiếc, vừa phải xây dựng hệ thống tổng hợp, có hiệu quả để đập tan mối đe dọa của chúng, thì không thể bị động ứng phó, cần áp dụng các biện pháp phá giải rõ ràng, chẳng hạn trang bị khí tài không người lái điều khiển từ xa, tầm xa, có thể áp dụng công nghệ gây nhiễu. Chúng có thể làm việc với tàu ngầm có người lái như một trinh sát hay mồi nhử để thu hút hỏa lực và vạch trần vị trí của kẻ thù. Nếu cần thiết, chúng có thể tấn công tự sát nhắm vào một mục tiêu có giá trị cao.

Tóm lại, việc Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng tàu ngầm không người lái ở Biển Đông cũng như các khu vực khác (Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương) sẽ khiến tình hình khu vực và thế giới trở nên căng thẳng. Việc triển khai tàu ngầm không người lái của Trung Quốc đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Nếu Trung Quốc sử dụng số tàu ngầm trên để tiến hành các hoạt động thu thập tình báo, trinh sát hay đặt bom tấn công các mục tiêu trên biển sẽ là thảm họa đối với các nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới