Tình hình căng thẳng ở Biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước liên quan, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nhất là các hoạt động tự do hàng hải và hợp tác thương mại trên biển. Chính vì vậy, giới chuyên gia, học giả trên thế giới đã đưa ra nhiều khuyến nghị đối với các nước liên quan nhằm thúc đẩy các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông.
Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề biển và Luật biển, Đại học Philippines
Kiến nghị về việc điều chỉnh chính sách của Philippines ở Biển Đông: Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề biển và Luật biển, Đại học Philippines cho rằng Philippines cần thay chính sách hoà dịu hiện nay bằng một chính sách tích cực và chủ động hơn, không tiếp cận theo hướng hiếu chiến mà sẽ tiếp cận một cách nghiêm túc “dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng”. Trong đó, Philippines cần: (i) Yêu cầu Trung Quốc cùng hợp tác để khôi phục lại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, cũng như có những biện pháp để bù đắp thiệt hại gây ra trên các rạn san hô; (ii) Dỡ bỏ lệnh cấm đối với các hợp đồng dịch vụ dầu khí trên Biển Đông để tiếp tục thụ hưởng những lợi ích từ tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền chủ quyền của mình và thúc đẩy sự phát triển quốc gia; (iii) Yêu cầu Trung Quốc đưa ra cam kết rõ ràng để loại bỏ/không lắp đặt các vũ khí tầm trung và tầm xa cũng như không đặt các máy bay chiến đấu tầm xa tại các căn cứ quân sự của nước này trên Biển Đông, nhất là khu vực Đá Vành Khăn. Ngoài ra, Philippines cũng nên điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm phục vụ cho lợi ích của người Philippines và bảo vệ “chủ quyền” ở Biển Đông; đưa ra các tuyên bố phản ứng phù hợp với những hành vi phi pháp, không tuân thủ luật lệ của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong khi đó, ông Antonio Carpio, Thẩm phán Toà án tối cao Philippines khẳng định Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, có ý nghĩa quan trọng, đã bác bỏ yêu sách lịch sử “đường chín đoạn” của Trung Quốc; đồng thời khẳng định sự tồn tại của các vùng biển ở Biển Đông và các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển trong khu vực. Tuy nhiên, Chính phủ của ông Duterte chưa thực hiện hiệu quả phán quyết, mới chỉ khẳng định sẽ nêu vấn đề Phán quyết với Trung Quốc vào một số thời điểm nào đó trong nhiệm kỳ của ông Duterte, trước khi kết thúc vào ngày 30/6/2022. Vì vậy, ông Carpio kêu gọi người dân Philippines thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Phán quyết, bảo vệ lợi ích quốc gia của Philippines, lên tiếng với các quốc gia khác để họ hiểu rằng sự tuân thủ của Trung Quốc đối với Phán quyết là cần thiết cho sự tồn tại của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Khuyến nghị về các biện pháp đối phó với những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông: Giáo sư Go Ito, Đại học Meiji, Trưởng Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn Quan hệ quốc tế Nhật Bản cho rằng trước cách hành xử thách thức trật tự toàn cầu trên biển của Trung Quốc hiện nay, các nước cần có những biện pháp đáp trả sau: (i) Tập hợp, thành lập nhóm các nước cùng chung tư tưởng để ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016) về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông; (ii) Sử dụng công cụ bảo vệ môi trường trên các vùng biển để xác định rõ những tác hại mà Trung Quốc gây ra cho môi trường ở khu vực; (iii) Sử dụng “cây gậy và củ cà rốt” để phát huy những giá trị của luật quốc tế: vừa nhắc nhở Trung Quốc về những quy định trong luật quốc tế liên quan đến an ninh biển nhằm xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vừa tìm kiếm các lợi ích chung trong việc duy trì ổn định và trật tự trên biển giữa tất cả các quốc gia liên quan.
Khuyến nghị chính sách của Mỹ liên quan tranh chấp ở Biển Đông: Chuyên gia Lynn Kuok, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Trung tâm Các cường quốc mới nổi, Đại học Cambridge, Anh cho rằng hai năm sau khi Phán quyết Toà Trọng tài vụ, Trung Quốc vẫn ngang nhiên củng cố quyền kiểm soát đối với vùng biển cũng như tài nguyên ở khu vực này. Trong khi đó, dù Mỹ vẫn duy trì các hoạt động tự do hàng hải song lại không thể bảo vệ quyền lợi cho các nước liên quan trong khu vực và ngăn chặn những hoạt động phi pháp của Trung Quốc như tăng cường thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông, triển khai hàng loạt các tên lửa hành trình đối hạm, tên lửa đất đối không, các máy bay ném bom, các thiết bị chế áp điện từ tới các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Trường Sa và Hoàng Sa… Vì vậy, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cần huy động những nỗ lực trong khu vực và quốc tế để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế; giúp các quốc gia ven biển đối phó với mọi hành động xâm lược của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Trong khi đó, Tiến sỹ Patrick M. Cronin và Melodie Ha, thành viên Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn ngang nhiên duy trì những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông và mở rộng sự kiểm soát của Trung Quốc ở các vùng kinh tế trọng yếu của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chính quyền Mỹ cần nhanh chóng cân nhắc một chiến lược biển nghiêm túc nhằm ngăn chặn những hành động bành trướng của Trung Quốc. Mỹ cần thúc đẩy một chiến lược biển mới, góp phần thúc đẩy mạng lưới hợp tác giữa các nước đối tác và ngăn chặn mọi hành động đơn phương gây tổn hại đến nguyên tắc và thông lệ quốc tế, Mỹ cần: (i) Tăng cường các biện pháp răn đe đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của khu vực và thượng tôn pháp luật bên trong và xung quanh Biển Đông; (ii) Đẩy mạnh những nỗ lực cả trong nước và trong hợp tác với các quốc gia khác nhằm nâng cao nhận thức trên lĩnh vực biển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (iii) Ủng hộ việc xây dựng một lực lượng dân quân biển của nhiều quốc gia nhằm đối phó với hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng ở khu vực, góp phần đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); (iv) Lên tiếng trước những cáo buộc trắng trợn của phía Trung Quốc rằng “Mỹ chà đạp lên luật pháp quốc tế còn Trung Quốc mới là bên tuân thủ” vì sự thật hoàn toàn ngược lại và Mỹ cần cân nhắc việc phê chuẩn UNCLOS để nâng cao những lợi ích của Mỹ bằng cách thúc đẩy các quy tắc quản trị các đại dương trên thế giới, đồng thời sẽ tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Trước đó, Ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (24/5/2018) đã công cố Báo cáo: “Tranh chấp về biên giới biển và vùng đặc quyền kinh tế liên quan đến Trung Quốc: những vấn đề đối với Quốc hội Mỹ” cho biết, ngoài những hành động củng cố các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm kiểm soát khu vực, ảnh hưởng đến các lợi ích chiến lược, chính trị và kinh tế của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các nơi khác. Do đó, Báo cáo cũng đề cập đến thành tố nằm trong lập trường của Mỹ đối với các tranh chấp lãnh thổ và EEZ tại khu vực phía Đông Thái Bình Dương (bao gồm các tranh chấp liên quan đến Trung Quốc) gồm: (i) Mỹ ủng hộ nguyên tắc rằng các tranh chấp giữa các quốc gia cần được giải quyết một cách hoà bình, không cưỡng ép, đe doạ hay sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế; (ii) Mỹ ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải và việc sử dụng hải phận, không phận phù hợp với luật quốc tế, đảm bảo cho tất cả các quốc gia, phản đối các yêu sách làm tổn hại đến các quyền, tự do và sử dụng hợp pháp các vùng biển thuộc về mọi quốc gia; (iii) Khẳng định Mỹ không có lập trường nào đối với các yêu sách đối kháng chủ quyền trên các cấu trúc tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông…
Trái ngược với sự quan ngại và phản đối của cộng đồng quốc tế, chuyên gia, học giả, chính giới Trung Quốc vẫn ngang ngược bao biện chính sách của Chính phủ, chỉ trích các nước liên quan, thậm chí đưa ra những khuyến nghị mang tính hiếu chiến với các nước liên quan:
Gần đây, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (26/7) đăng bài viết “Trung Quốc sẽ không dung thứ cho hành động phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ ngoài vùng biển của Trung Quốc”. Nội dung bài viết chỉ trích Mỹ đang phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông, cho rằng “sự can thiệp của Mỹ vào Biển Đông đang đe doạ hoà bình và ổn định mà Trung Quốc cùng các nước láng giềng đang nỗ lực đàm phán”; đồng thời đưa ra những cáo buộc phi lý đối với các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, gồm: (i) Trung Quốc cho rằng, theo luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải không phải là quyền tuyệt đối, các nước cần phải xin phép trước khi đi vào lãnh hải của quốc gia khác, Mỹ chỉ viện lý do “chương trình tự do hàng hải” và “lạm dụng luật pháp quốc tế” để “tuỳ tiện làm những gì họ muốn”. (ii) Do tình hình ở Biển Đông đã được duy trì ổn định nhờ nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước láng giềng, cái gọi là “bảo vệ tự do hàng hải chỉ là sự nguỵ biện nhằm triển khai quân sự và can thiệp vào Biển Đông”. (iii) Dù luôn phản đối “quân sự hoá” song Mỹ liên tục đưa các tàu khu trục, tàu tuần tra, tàu sân bay, các máy bay trinh sát và máy bay ném bom chiến lược… và “xem thường chủ quyền, an ninh của các quốc gia khác cũng như hoà bình và ổn định của khu vực”. Trong khi đó, với “trách nhiệm và quyền của một quốc gia có chủ quyền”, Trung Quốc vẫn rất cảnh giác trước các “hành động gây hấn” nên phải tăng cường năng lực phòng thủ, trong đó có việc xây dựng các cơ sở cần thiết trên các “đảo của mình” để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời cung cấp những dịch vụ hàng hải liên quan cho tàu bè đi qua khu vực, góp phần đảm bảo sự tự do và an toàn trên không cũng như trên biển của khu vực.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu (2/4) có bài viết ngụy biện cho các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhất là những cuộc tập trận mà Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gần đây đã tiến hành rầm rộ ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông, bao gồm các cuộc tận trận bắn đạn thật và triển khai “nhiệm vụ huấn luyện ở vùng biển quốc tế”, cho rằng: (i) Trung Quốc cần bảo vệ cái gọi là “lợi ích quốc gia” ở khu vực và khăng khăng “các cuộc tuần tra thường xuyên này” là phù hợp với chính sách quân sự “mang tính phòng vệ” của Trung Quốc. (ii) Một số quốc gia đang nhắm vào Trung Quốc như Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ và Anh, (iii) Tình hình Đài Loan thay đổi do Mỹ ký Đạo luật Du lịch Đài Loan, đi ngược lại với chính sách “Một Trung Quốc”.
Nhìn chung, hầu hết các nước trên thế giới đều quan tâm, mong muốn và có đóng góp nhất định nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đưa ra những kiến nghị nhằm thúc đẩy các giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, hành động thiếu hợp tác, ngang ngược của Trung Quốc khiến tình hình căng thẳng trong khu vực chưa được giải quyết.