Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngMột số nhận định về xu hướng chính sách của Mỹ liên...

Một số nhận định về xu hướng chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông thời gian tới

Mỹ là quốc gia có tổng diện tích lớn thứ ba trên thế giới, nằm gần hoàn toàn trong Tây Bán cầu, giáp Thái Bình Dương ở phía Tây, Đại Tây Dương ở phía Đông và có tiểu bang Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương. Do Biển Đông có vai trò quan trọng đối với Mỹ trên phương diện quân sự và kinh tế, nên trong những năm gần đây, Mỹ ngày tăng cường hiện diện và ảnh hưởng tại Biển Đông. Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông là một thành tố quan trọng trong tổng thể chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kiềm chế và răn đe Trung Quốc trong vấn đề sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, duy trì niềm tin đối với các nước đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ tuần tra ở Biển Đông

Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông

Từ trước đến nay, Mỹ luôn có quan điểm cho rằng lợi ích của Mỹ tại Biển Đông nằm trong lợi ích đa dạng và trải rộng của Mỹ tại Đông Á/Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Trong đó, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: (1) Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; (2) Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; (3) Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; (4) Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; (5) Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; (6) Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ.

Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump (18/12/2017) đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017. Chiến lược mới là sự kết hợp chặt chẽ 4 lợi ích quốc gia cốt lõi, bao gồm: bảo vệ đất nước và người dân Mỹ; thúc đẩy phát triển thịnh vượng; thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ. Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng tái khẳng định “Mỹ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, trong phát triển kinh tế và thương mại ở Biển Đông”.

Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông xuất phát từ chiến lược quyền lực biển truyền thống của nước này. Trong 16 tuyến đường thủy chiến lược toàn cầu mà Mỹ công khai tuyên bố phải kiểm soát, có 03 tuyến nằm ở khu vực Biển Đông, đó là eo biển Lombok, eo biển Sunda và eo biển Malacca. Trong khi đó, ở khía cạnh địa chiến lược, Biển Đông có vai trò mang tính quyết định đối với tương lai của Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả việc kiểm soát tuyền đường hàng hải chiến lược giữa Đông Á và mỏ dầu Trung Đông. Vì vậy, Mỹ muốn duy trì vai trò chủ đạo và ảnh hưởng của mình ở khu vực Biển Đông.

Mỹ muốn thông qua việc can dự vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc nhằm đảm bảo lợi ích và an ninh cho Mỹ. Tính đến nay, Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp để kiềm chế, bao vây, làm tiêu hao nguồn lực chiến lược của Trung Quốc, thu hẹp không gian phát triển của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ luôn coi Trung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng an ninh trong khu vực. Mỹ cho rằng, vấn đề Biển Đông khiến cho cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các đồng minh khu vực này gặp phải thách thức. Vấn đề này được thể hiện đậm nét qua những hành động cụ thể như tuần tra trên Biển Đông, tăng cường diễn tập với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương…

Quan điểm của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, chính sách Biển Đông của Mỹ được thể hiện ở 3 khía cạnh: (1) Về ngoại giao, chính quyền Obama không ngừng can dự tích cực và chủ động vào các thể chế khu vực do ASEAN dẫn dắt, qua đó góp phần nâng cao nhận thức chung của khu vực về an ninh hàng hải. Đồng thời, Mỹ kiên trì nêu và thuyết phục các nước ASEAN đưa các nội dung mang tính nguyên tắc trong giải quyết tranh chấp Biển Đông vào các tuyên bố chung của khu vực. (2) Về pháp lý, Mỹ không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng về pháp lý và chính trị của Phán quyết của Tòa trọng tài (12/7/2016). (3) Về quân sự, Mỹ duy trì diễn tập quân sự song và đa phương với các nước khu vực (“Balikatan” và “Carat” với Philippines, “Hổ mang vàng” với Thái Lan, “Người gác đền Angkor” với Campuchia, RIMPAC…), phát động Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI); tái triển khai các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông.

Sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, Mỹ đã có nhiều hoạt động tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông, tích cực triển khai các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở trong khu vực để thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc; đưa ra nhiều tuyên bố ngoại giao mang tính cứng rắn, chỉ trích các hành động phi pháp, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh. Ông Donald Trump từng đưa ra tuyên bố cứng rắn về việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo phi pháp 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa (của Việt Nam); khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không; phản đối việc đe dọa, cưỡng ép và sử dụng vũ lực; kêu gọi các bên kiềm chế tránh leo thang căng thẳng, bao gồm không quân sự hóa tiền đồn và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, quan chức trong Nội các của ông Donald Trump cũng kịch liệt phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Rex Tillerson nêu rõ Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, yêu sách cũng như các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc đã bị thách thức qua phán quyết tại Tòa. Cũng theo ông Tillerson, Mỹ mong muốn tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông. Mỹ sẽ duy trì tự do hàng hải, hàng không tại nơi luật pháp quốc tế cho phép. Mỹ, đồng minh và đối tác sẽ giới hạn sự tiếp cận của Trung Quốc với các cấu trúc tôn tạo. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis xem hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông là một trong những vấn đề an ninh lớn nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, rằng Mỹ cần bảo vệ các lợi ích quốc gia tại khu vực, trong đó có quyền tự do hàng hải, hàng không.

Nhìn chung, trước đây Mỹ tuy tuyên bố trung lập trong vấn đề Biển Đông, chỉ tập trung vào việc đảm bảo quyền tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông, nhưng lập trường của Mỹ đã có sự điều chỉnh chiến lược dưới thời Tổng thống Donald Trump. Theo đó, Mỹ sẽ gia tăng mức độ can dự ở Biển Đông bằng nhiều hình thức khác nhau; phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp và ngăn chặn Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông; chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương quốc tế hóa vấn đề Biển Đông; coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực.

Xu hướng chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông thời gian tới:

Chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng có xu hướng cứng rắn hơn và mức độ can dự vào vấn đề Biển Đông ngày càng sâu hơn. Nếu căng thẳng Mỹ Trung gia tăng liên quan đến các vấn đề thương mại đồng nhân dân tệ, an ninh mạng, thông tin tình báo… Mỹ sẽ phải sử dụng các hoạt động trên Biển Đông, Đài Loan để ép Trung Quốc phải thỏa hiệp.

Về khía cạnh ngoại giao: Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục tiếp cận ngoại giao trong xử lý tranh chấp Biển Đông. (1) Thượng viện Mỹ có khả năng sẽ xem xét phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để tạo cơ sở vững chắc ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đây, Thượng viện Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS do lo ngại Công ước sẽ gây rủi ro cho lợi ích của Mỹ, liên quan đến các thỏa thuận xung đột, quyền khai thác tài nguyên tại vùng nước sâu, và quyền hành hợp pháp của bộ máy quan chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc. (2) Tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan cần tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. (3) Mỹ sẽ chủ động tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. (4) Tăng cường hợp tác với các nước, nhất là những nước đồng minh (Nhật Bản, Ấn Độ, Australia…) để can thiệp vào tình hình Biển Đông, qua đó bảo vệ lợi ích của đồng minh trong khu vực. (5) Mỹ sẽ thông qua các kênh khác nhau góp phần thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông.

Về khía cạnh quân sự: (1) Mỹ sẽ thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực mang tính thường niên, với quy mô ngày càng lớn hơn. (2) Mỹ sẽ gia tăng bố trí lực lượng hải quân tại khu vực. Theo số liệu của hải quân Mỹ, hiện Hạm đội Thái Bình Dương có xấp xỉ 200 tàu/ tàu ngầm, gần 1.100 tàu sân bay và hơn 140.000 thủy thủ và lính dân sự. Chính quyền của ông Trump cũng đã thông báo mục tiêu là sớm tăng số tàu hải quân Mỹ từ 272 tàu hiện nay lên 350 tàu. (3) Mỹ hỗ trợ nâng cao năng lực nhận thức hàng hải cho khu vực thông qua các sáng kiến như MSI có giá trị 5 năm. (4) Đẩy mạnh về tần suất và quy mô của các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Về khía cạnh hợp tác kinh tế và thương mại: (1) Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ và có biện pháp thiết thực bảo vệ các công ty dầu mỏ (của Mỹ) hợp tác khai thác dầu khí với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông. (2) Mỹ thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng dối với những nước này.

Tuy nhiên, Mỹ cũng gặp một số khó khăn nhất định khi tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông. Đầu tiên, diễn biến tình hình Biển Đông có nhiều thay đổi, nhất là việc Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ ngả theo Trung Quốc; Thứ hai, do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính cùng với hệ lụy của các cuộc chiến tranh Afghanistan và Irắc khiến sức mạnh tương đối của Mỹ sụt giảm; Thứ ba, xét từ bố cục chiến lược toàn cầu của Mỹ, Đông Nam Á cũng không phải là địa bàn chiến lược hàng đầu của Mỹ, hiện nay Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông một mặt tích cực hơn trước đây chủ yếu là nhằm đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của mình; Thứ tư, tuy Mỹ giữ cho khu vực Biển Đông căng thẳng ở mức độ vừa phải để duy trì lợi ích chiến lược của mình, nhưng cũng không muốn thấy khu vực này xảy ra chiến tranh, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh của tuyến đường hàng hải thương mại và quân sự của Mỹ và tăng thêm tính phức tạp trong việc xử lý mối quan hệ với các nước đồng minh khu vực của họ; thứ năm, lợi ích của Mỹ và Trung Quốc đan xen, chồng chéo, khiến hai nước lệ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, nên khả năng Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột nghiêm trọng trong vấn đề Biển Đông không nhiều.

Kết luận:

Chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông là rất linh hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể để thỏa hiệp hay kiềm chế Trung Quốc. Mục tiêu chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ hướng vào đảm bảo sự thịnh vượng của kinh tế nước Mỹ, đồng thời chính sách biển Đông của Mỹ cũng đã được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên lợi ích quốc gia thực sự của nước Mỹ. Với thái độ thực dụng, bộ máy chính quyền Tổng thống Trump sẽ tính toán cụ thể vấn đề Biển Đông ở tầm cao chiến lược, bởi Mỹ rất xem trọng khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, sự can dự của Mỹ phần nào giúp kiềm chế các tham vọng biển của Trung Quốc, đồng thời tạo ra thế cân bằng lực lượng, hỗ trợ các bên yêu sách yếu hơn Trung Quốc. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Biển Đông cũng phần nào đã góp phần hạn chế những âm mưu và hành động của Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các đảo đá ở khu vực Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới