Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNhìn lại những biện pháp của Mỹ đối phó với hoạt động...

Nhìn lại những biện pháp của Mỹ đối phó với hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông

Từ đầu năm đến nay, Mỹ đã thúc đẩy nhiều hoạt động thực tế nhằm đối phó, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Những tuyên bố, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông đều được triển khai dựa trên chính sách mới của Chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo đó: Mỹ sẽ thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải, ngoại giao pháp lý, hỗ trợ an ninh trên biển và hỗ trợ các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ tập trận ở Biển Đông tháng 3/2018

Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố ngoại giao chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Về ngoại giao: Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (15/6) cho rằng việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hoá các tiền đồn ở khu vực làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp và leo thang tranh chấp, gây tổn hại đến tự do thông thương và ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.

Về quốc phòng: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (3/6) có phát biểu lên án hành động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định cam kết của Mỹ về sự hiện diện ở khu vực. Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Đối thoại thường niên Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đưa ra chỉ trích mạnh mẽ đối với hành động quân sự hoá của Trung Quốc trên các cấu trúc ở Biển Đông, cho rằng việc nước này đưa các thiết bị quân sự và tên lửa hiện đại là “một động thái phô trương sức mạnh quân sự rõ ràng”, “hành động bố trí các hệ thống vũ khí này trực tiếp liên quan đến việc sử dụng quân đội nhằm đe doạ và cưỡng ép dù các phát biểu của Trung Quốc”. Đồng thời, ông cho biết các hành động quân sự hoá của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn trái ngược với những giá trị “cởi mở”mà chiến lược của Mỹ đang thúc đẩy và đặt ra nghi vấn đối với cái gọi là “những mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Robert Manning (9/7) khẳng định việc Mỹ đưa hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình đi qua vùng biển quốc tế trên khu vực eo biển Đài Loan “là hành động được phép về mặt pháp lý”; đồng thời tái khẳng định quyền của tàu Mỹ khi “bay, qua lại và hoạt động” trong khu vực.

Về luật pháp: Ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (24/5) công bố Báo cáo: “Tranh chấp về biên giới biển và vùng đặc quyền kinh tế liên quan đến Trung Quốc: những vấn đề đối với Quốc hội Mỹ”, trong đó cho biết, ngoài những hành động củng cố các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm kiểm soát khu vực, ảnh hưởng đến các lợi ích chiến lược, chính trị và kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các nơi khác; đồng thời nhấn mạnh: (i) Mỹ ủng hộ nguyên tắc rằng các tranh chấp giữa các quốc gia cần được giải quyết một cách hoà bình, không cưỡng ép, đe doạ hay sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế; (ii) Mỹ ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải và việc sử dụng hải phận, không phận phù hợp với luật quốc tế, đảm bảo cho tất cả các quốc gia, phản đối các yêu sách làm tổn hại đến các quyền, tự do và sử dụng hợp pháp các vùng biển thuộc về mọi quốc gia; (iii) Khẳng định Mỹ không có lập trường nào đối với các yêu sách đối kháng chủ quyền trên các cấu trúc tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông…

Thượng viện Mỹ cũng ra dự luật về chi tiêu cho hoạt động quân sự trong đó đã khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không có mặt trong cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ đứng đầu. Thượng viện Mỹ cho biết, trước khi Trung Quốc có thể được phép tham gia vào các RIMPAC trong tương lai, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cần phải xác minh rằng Trung Quốc đã chấm dứt các hoạt động bồi đắp đảo trên Biển Đông, đồng thời di dời khí tài quân sự ra khỏi các vùng biển tranh chấp và đưa ra chương trình hành động 4 năm nhằm ổn định tình hình khu vực. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cho rằng những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông (Trung Quốc liên tục triển khai các khí tài quân sự tới Biển Đông, trong đó có việc đưa các thiết bị điện tử và tên lửa đất đối không tới Trường Sa, thậm chí còn đưa máy bay ném bom chiến lược trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) không phù hợp với mục đích của RIMPAC.

Mỹ tiến hành nhiều hoạt động tập trận, tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông

Từ đầu năm đến nay, hải quân Mỹ đã 8 lần điều tàu chiến đến Biển Đông, vào tháng trước có 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ cũng tiến hành tuần tra, bay qua vùng trời Biển Đông. Trong đó có nhiều hoạt động mang tính răn đe, thách thức yêu sách “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ (6/7) cử hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình USS Mustin (DDG-89) và USS Benfold (DDG-65) “hoạt động quá cảnh thường kỳ” qua khu vực eo biển có chiều rộng 110 dặm nằm giữa Trung Quốc và Đài Loan. Mỹ (4/6) đã đưa hai máy bay ném bom B-52 tới gần các khu vực tranh chấp của quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, triển khai “nhiệm vụ huấn luyện thường kỳ” và “nhằm duy trì trạng thái sẵn sàng của quân đội Mỹ”. Hải quân Mỹ (24/3) cử tàu khu trục Mustin tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa của Việt Nam)…

Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh với các nước trong khu vực

Cùng với những hoạt động trên thực địa và tuyên bố ngoại giao, Mỹ tăng cường quan hệ với các nước đồng minh thân thiết trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Philippines để tìm cách kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Hải quân Mỹ (4/6) cử tàu USNS Millinnocket, một trong những tàu tốc độ cao của Hải quân Mỹ thăm Philippines và cùng tham gia huấn luyện song phương với Đội tàu an ninh chống khủng bố Thái Bình Dương và thuỷ quân Philippines. Trước đó, Mỹ (13/3) cử nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson khởi động các cuộc diễn tập chung với Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản (MSDF), trong đó có tàu khu trục sân bay Ise, một trong những tàu lớn nhất của Nhật Bản hiện nay.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ từng nhiều lần khẳng định Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với các nước bạn bè, đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Những hoạt động phối hợp chung này là một phần của các cuộc diễn tập nhằm nâng cao năng lực tương tác giữa Mỹ và các đồng minh lâu năm. Theo Chuẩn Đô đốc John Fuller, Chỉ huy Nhóm tàu USS Carl Vinson cho hay “quan hệ hợp tác mạnh mẽ trên biển sẽ duy trì an ninh, ổn định và thịnh vượng mà khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã có trong hơn 70 năm nay”, khẳng định “Hợp tác với một đối tác có quan hệ gần gũi sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới