Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnHai thương vụ trung tâm trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Hai thương vụ trung tâm trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Mỹ cùng với châu Âu, Mexico và Canada đã đạt được tiến triển trong đàm phán thương mại, trong khi với Trung Quốc cơ hội giải quyết đang ở mức rất thấp.

Đàm phán bế tắc

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, ông kỳ vọng sớm đạt thỏa thuận thương mại với châu Âu và Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ – NAFTA (với Mexico và Canada). Trong khi đó, ông Mnuchin thể hiện rõ sự thất vọng khi Trung Quốc không thông qua thỏa thuận cho phép nhà sản xuất chip điện tử của Mỹ Qualcomm mua lại hãng bán dẫn NXP Semiconductors của Hà Lan.

Động thái của Tổng thống Trump khi tiến tới các thỏa thuận với châu Âu và các nước láng giềng Bắc Mỹ cho thấy chiến thắng tích cực trong chiến thuật thương mại của nhà lãnh đạo Mỹ, song vấn đề lại không được giải quyết với Trung Quốc.

Cả Mỹ và Trumg Quốc dường như không thể thu hẹp những bất đồng trong vấn đề thương mại. Chỉ trong vài ngày tới, Mỹ dự kiến công bố bản danh sách cuối cùng các mặt hàng của Trung Quốc sẽ bị áp thuế 25% trị giá 16 tỷ USD và đương nhiên Trung Quốc sẽ đáp trả. Khoản thuế này là một phần trong khoản áp thuế 50 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc mà Washington công bố đầu tháng này.

Trong tuần qua, Washington đã gửi đi những tín hiệu cho thấy bất đồng thương mại Mỹ-Trung sẽ không nhanh chóng được giải quyết. Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng, ông chờ đợi kết quả của những cuộc đàm phán trong 6 đến 12 tháng tới.

Còn theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, phía Trung Quốc chưa đưa ra những đề nghị đủ hấp dẫn với Tổng thống Trump.

“Đàm phán sẽ tiếp diễn và chúng tôi đã chuẩn bị nếu đàm phán đạt được những tiến triển nghiêm túc”, CNBC dẫn lời ông Steven Mnuchin.

Hai thương vụ Qualcomm và ZTE

Lời nhắn gửi của Trung Quốc tới Mỹ trong cuộc chiến thương mại này cũng không hề đơn giản. Ngay sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Claude Juncker có cuộc họp báo tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng hôm 25/7 sau cuộc thảo luận về căng thẳng thương mại, nhà sản xuất chip điện tử của Mỹ Qualcomm đã tiết lộ kế hoạch mua lại hãng bán dẫn NXP Semiconductors của Hà Lan trị giá 43 tỷ USD.

Song thỏa thuận này đã đứt gánh vì sóng gió thương mại Mỹ-Trung. Thỏa thuận được công bố lần đầu tiên vào tháng 10/2016. Sau 2 năm chờ đợi, Qualcomm đã có được chấp thuận từ các nhà quản lý ở tám khu vực pháp lý khác nhau, bao gồm Liên minh châu Âu và Hàn Quốc, tuy nhiên, Trung Quốc là nước duy nhất không thông qua thỏa thuận này theo thời hạn chót 26/7 vừa qua.

Theo giới quan sát, cùng với những tín hiệu hứa hẹn trong quan hệ thương mại Mỹ-châu Âu và với NAFTA, thì thương vụ của Qualcomm là vấn đề biểu trưng cho những mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung. Theo đó, bế tắc này không thể ngay lập tức được khai thông.

Bộ trưởng Mnuchin cho biết, ông đã có cuộc thảo luận cá nhân với giới chức Trung Quốc về thương vụ Qualcomm, song phía Trung Quốc vẫn không chấp thuận.

“Tôi rất thất vọng khi họ không thông qua thỏa thuận này. Tôi đã có các cuộc thảo luận đặc biệt. Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Mỹ được đối xử công bằng”, ông Mnuchin nhấn mạnh.

Việc Trung Quốc không chấp thuận thương vụ Qualcomm có thể xem là một “kịch bản kinh hoàng” với các thỏa thuận thương mại khác. Song nó cũng sẽ tác động tới số phận của ZTE – Công ty Truyền thông của Trung Quốc vốn bị Bộ Thương mại Mỹ cấm mua các linh kiện của Mỹ do vi phạm những lệnh trừng phạt của Washington.

Chính quyền Mỹ đang cố gắng dỡ bỏ các trừng phạt với ZTE để xoa dịu quan hệ với Bắc Kinh. Theo đó, Quốc hội Mỹ dự kiến thông qua một dự luật bảo vệ cho phép ZTE mua một số thiết bị của Mỹ.

“Mỹ cố gắng thay đổi thương vụ ZTE, tuy nhiên, một số Thượng nghị sĩ miễn cưỡng thông qua dự luật này giờ đây sẽ tính đến việc áp đặt những hạn chế mới với ZTE”, nhà phân tích Daniel Clifton – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách thuộc Viện nghiên cứu Strategas nói.

Tổng thống Trump khi đàm phán với Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã tập trung vào vấn đề làm sao để châu Âu chấp thuận mua khí hóa lỏng và đậu nành của Mỹ, những mặt hàng có thể bị ảnh hưởng nặng nề vì hàng rào thuế quan của Trung Quốc. Về phần mình, ông Trump đã nhất trí hoãn tất cả các mức thuế với các mặt hàng châu Âu như ô tô. Đây là một trong những đề xuất chịu thua thiệt nhiều nhất của ông Trump.

Tuy nhiên, nếu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sớm có tác động tới nền kinh tế Mỹ, thì chính quyền Mỹ sẽ không ngần ngại khởi động lại đàm phán với phía Bắc Kinh. Về phía Trung Quốc, nước này cũng sẽ nhanh chóng đưa các nhà đàm phán trở lại nếu đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

“Mỹ sẽ không có hành động tích cực cụ thể cho đến sau cuộc bầu cử giữa kỳ và Trung Quốc cũng vậy. Do đó, những tháng tới có thể tình hình sẽ cải thiện hơn. Để giải quyết vấn đề 2 bên cũng cần có thay đổi lớn”, ông Daniel Clifton nhận định

RELATED ARTICLES

Tin mới