Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngLực lượng tàu ngầm Trung Quốc: Công cụ nguy hiểm nhất để...

Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc: Công cụ nguy hiểm nhất để độc chiếm Biển Đông

Việc phát triển lực lượng tàu ngầm chiến lược là một trong những trong tâm ưu tiên trong quá trình hiện đại hóa hải quân Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt chú trọng đầu tư, nghiên cứu, chế tạo các loại tàu ngầm hiện đại để gia tăng khả năng giám sát, kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông, Hoa Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những nước có lực lượng tàu ngầm lớn trên thế giới

Theo số liệu thống kê không chính thức, Trung Quốc hiện đứng thứ ba trên thế giới về số lượng tàu ngầm với 69 tàu, trong đó có 5 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và khoảng 64 tàu diesel-điện. Số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tuy không được thiết kế và tính năng ưu việt như tàu ngầm Nga hoặc Mỹ, nhưng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược của Trung Quốc vẫn có thể bắn những tên lửa hạt nhân tầm xa. Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc mang 12 tên lửa đạn đạo chiến lược, chiếm 1,1% số tên lửa này của Trung Quốc. Các tàu ngầm khác mang 146 tên lửa chống hạm (chiếm 9,9%), 1.182 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.608 thủy lôi (31,5%).

Trang tin topwar.ru (Nga) cho biết, tàu ngầm của Trung Quốc được chia thành một số loại sau: Tàu ngầm lớp Tấn (Type 094), đây là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, dài 133m, trọng tải rẽ nước gần 9.000 tấn, được trang bị tên lửa Cự Lãnh-2 (JL-2) hai tầng sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn 8.000 – 9.000 km. Tàu ngầm lớp Thương (Type 093), đây là loại tàu ngầm đa năng, có sức rẽ nước từ 7,5 – 8.000 tấn, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm và có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm YJ-82 với tầm bắn 129 km. Tàu ngầm lớp Nguyên (Type 041), đây là loại diesel – điện, được đóng từ đầu những năm 2000, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm, có thể dùng cho tên lửa chống hạm YJ-8 hoặc CX-1. Tàu ngầm lớp Tống (Type 039), đây là loại tàu ngầm điện – diesel không lớn, chiều dài 75 mét, lượng giãn nước là 3.500 tấn, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm kết hợp với tên lửa chống hạm YJ-8. Trung Quốc có khoảng 13 – 15 tàu ngầm loại này. Ngoài ra, Trung Quốc còn một số loại tàu ngầm cũ như 02 chiếc tàu ngầm lớp Hán (Type 091), 5 tàu ngầm lớp Minh, gần 30 tàu loại Romeo (Type 033). Trung Quốc cũng tích cực mua tàu ngầm của nước ngoài, đặc biệt là tàu ngầm đa năng chạy bằng điện và diesel Kilo 636 do Nga sản xuất, được trang bị hệ thống tên lửa tiến công Club-S tầm bắn 222 km. Trung Quốc đã mua của Nga 12 tàu loại này.

Giữa năm 2015, hải quân Trung Quốc đã đưa vào hoạt động 3 tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp Thương cải tiến Shang (Type 093A/093G). Giống như các tàu khu trục lớp Type 052D, các tàu này có thể cũng được trang bị tên lửa chống hạm YJ-18 và tên lửa tấn công mặt đất CJ-10 phóng thẳng đứng. Trong vài năm tới, Trung Quốc có khả năng sẽ phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Tấn cải tiến (Type 096), tạo ra cho Trung Quốc sức mạnh răn đe hạt nhân và khả năng tấn công trước tiên đáng tin cậy hơn. Ngoài ra, các tàu ngầm thông thường mới nhất của Trung Quốc thuộc lớp Tống và lớp Nguyên với hệ thống động lực không cần không khí (AIP) cũng trú đóng tại vịnh Á Long.

Nhìn chung, trong 14 năm qua, hải quân Trung Quốc đã tăng số lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi và tàu ngầm điện-diesel sản xuất trong nước từ 1 chiếc lên đến khoảng 40 chiếc. Các tàu ngầm thuộc các lớp Thương, Nguyên và Tống dùng để tiêu diệt tàu mặt nước, hộ tống tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của và các cụm tàu sân bay Trung Quốc, cũng như thu thập thông tin tình báo. Ban đầu, các tàu ngầm này được trang bị tên lửa hành trình YJ-82 có tầm bắn 20 hải lý (37 km). Dự đoán, vũ khí này sắp tới sẽ bị thay bằng tên lửa hành trình SS-N-13 có tầm bắn hơn 120 hải lý (222 km). Hiện nay, Trung Quốc đang tích cực phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ mới có tên tương ứng là Type 096 và JL-3. Dự đoán, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn mới sẽ có mức độ tàng hình cao hơn so với các tàu ngầm lớp Tấn. Trung Quốc cũng đang phát triển một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi mới có tên lớp Type 095.

Trung Quốc tích cực triển khai lực lượng tàu ngầm chiến lược phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông

Hải quân của Trung Quốc được chia ra ba hạm đội, đó là hạm đội Bắc Hải, hạm đội Đông Hải và hạm đội Nam Hải. Hạm đội Nam Hải là lực lượng kiểm soát vùng Biển Đông, thường xuyên có các hoạt động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.

Hạm đội Nam Hải được Trung Quốc ưu tiên đầu tư, biên chế các loại tàu chiến hiện đại bậc nhất nhằm triển khai các âm mưu, hoạt động xâm chiếm chủ quyền ở Biển Đông. Lực lượng tác chiến trên mặt nước của hạm đội này bao gồm chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, ít nhất là 9 khu trục hạm, 30 hộ tống hạm và khoảng 40 tuần duyên hạm. Hạm đội Nam Hải còn có khoảng 22 tàu ngầm, trong số đó là toàn bộ lực lượng tàu ngầm nguyên tử chiến lược của Trung Quốc với bốn chiếc hạng 094 lớp Tấn, nhằm tìm cách “thiết lập và củng cố quyền kiểm soát” trên Biển Đông của Trung Quốc. Giới chuyên gia, học giả quốc tế từng nhận định hạm đội Nam Hải là một lực lượng đáng sợ trên Biển Đông và là một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho các nước trong khu vực. Các tàu chiến của hạm đội này có thể đưa quân đánh chiếm bất cứ đảo nào tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu sử dụng tàu ngầm hạt nhân tuần tra Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương. Cổng thông tin kênh truyền hình TV5 Philippines (9/7/2014) cho biết Trung Quốc đã điều 3 tàu ngầm năng lượng hạt nhân có khả năng mang tên lửa đạn đạo ra Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc đã điều 03 tàu ngầm Type 094 đã được đưa đến căn cứ hải quân Du Lâm trên đảo Hải Nam từ tháng 5/2014. Báo mạng Washington Free Beacon của Mỹ nhấn mạnh rằng việc triển khai 03 tàu ngầm Type 094 đến Hải Nam cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu các cuộc tuần tra thường xuyên bằng tàu ngầm trên vùng Biển Đông và Thái Bình Dương. Theo Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về Hải quân Trung Quốc năm 2016, Trung Quốc coi việc phát triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân là nhiệm vụ tối quan trọng. Đến trước năm 2020, quân đội Trung Quốc có thể sở hữu khoảng 69-78 tàu ngầm loại này. Tháng 3/2016, tại phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ (DIA) Vincent Stewart cho biết, quân đội Trung Quốc tiếp tục triển khai nhiều thiết bị quân sự hơn ở Biển Đông, những thiết bị này có thể sẽ tiếp tục tăng cường năng lực “chống can thiệp/chống tiếp cận” cho Trung Quốc ở khu vực này.

Việc Trung Quốc tập trung phát triển và điều tàu ngầm hạt nhân ra Biển Đông là nhằm:

Thứ nhất, Trung Quốc muốn rèn luyện khả năng tuần tra tầm xa, phát huy vai trò răn đe của tàu ngầm hạt nhân. Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc chỉ mới được chú trọng phát triển trong vài thập kỷ gần đây, vì vậy khả năng tác chiến và phối hợp còn nhiều hạn chế.

Thứ hai, tìm cách theo dõi, ngăn chặn và từng bước không chế Mỹ can thiệp vào khu vực. Theo tờ Đa chiều, Mỹ thường xuyên lấy cớ bảo vệ tự do hàng hải để đưa tàu chiến, tàu ngầm vào khu vực Thái Bình Dương. Do vậy, một khi tàu ngầm Trung Quốc tuần tra ngoài lãnh hải Mỹ, nước này khó có thể đưa ra ý kiến phản đối chính đáng.

Thứ ba, Trung Quốc đang dần hình thành trận địa tàu ngầm ở Biển Đông. Theo Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) cho rằng, Biển Đông là nơi lý tưởng để Trung Quốc che giấu tàu ngầm, vì Biển Đông có độ sâu hàng ngàn mét, dưới đáy biển còn có những rặng núi đá để tàu ngầm trú ngụ mà không dễ bị phát hiện. Ngoài ra, Biển Đông có vị trí địa chiến lược đặc biệt đối với Trung Quốc, nó bảo vệ sườn phía Nam của Trung Quốc, nơi có căn cứ tàu ngầm ở Tam Á (thuộc đảo Hải Nam). Hiện Hải quân Trung Quốc đã xây dựng hệ thống đường hầm dưới nước để dẫn dắt tàu ngầm ra vào, kể cả tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Thứ tư, đối phó với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. The Guardian (Anh) dẫn lời các quan chức quân đội Trung Quốc cho biết, Trung Quốc có kế hoạch điều tàu ngầm hạt nhân tuần tra Thái Bình Dương vì cho rằng hệ thống vũ khí mới của Mỹ đe doạ khả năng răn đe hiện tại của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc tăng cường lực lượng tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông là bước đi nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng an ninh trong khu vực

Truyền thông, báo chí phương Tây và giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc triển khai các tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông và cũng như các vùng biển khác sẽ khiến quan hệ Mỹ – Trung trở nên căng thẳng hơn và bất ổn trong khu vực tiếp tục leo thang. Chuyên gia Malcolm Cook, thuộc viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định: “Nếu Trung Quốc điều đội tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân tuần tra ở Biển Đông sẽ biến vùng biển này trở thành đấu trường lớn giữa Trung Quốc và Mỹ” và những căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa “có thể giúp bảo vệ đội tàu ngầm này”.

Không những vậy, Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu ngầm để theo dõi, giám sát (phi pháp) ở Biển Đông là vi phạm các quy định về luật pháp quốc tế, cũng như những điều khoản nước này đã ký kết, cam đoan với nhiều nước trong khu vực. Hành động đi ngược lại cam kết, gia tăng các hoạt động đe dọa an ninh hàng hải của Bắc Kinh sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, bất ổn.

Tuy nhiên, tàu ngầm của Trung Quốc còn nhiều điểm yếu, dễ bị phát hiện và khả năng tác chiến chưa cao.(1) Trung Quốc chủ yếu sở hữu tàu ngầm thông thường, các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tương đối cũ và số lượng tên lửa mang theo hạn chế, năng lực tấn công hạt nhân kém. (2) Tàu ngầm của Trung Quốc bị đánh giá tương đối ồn và dễ bị phát hiện. Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, các tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo thuộc lớp Tấn (Type 094) của Trung Quốc có độ ồn cao, rất dễ bị phát hiện bởi thiết bị sonar. (3) Hệ thống chỉ huy và thông tin liên lạc còn lạc hậu, đặc biệt là việc liên lạc giữa Bộ chỉ huy chiến lược và các tàu ngầm hạt nhân triển khai ngoài vùng biển xa. (4) Căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc dễ bị phát hiện và Trung Quốc còn thiếu căn cứ tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo.

RELATED ARTICLES

Tin mới