Friday, November 29, 2024
Trang chủBiển nóngNhững nỗ lực mới của các nước trong duy trì hòa bình...

Những nỗ lực mới của các nước trong duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động trái phép gồm bồi đắp, xây dựng và triển khai khí tài ở các thực thể tại Biển Đông thì nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực này.

Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Nguồn:Reuter/AP

Indonesia sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn LHQ khi trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an vào năm 2019

Vào tháng 1/2019, Indonesia sẽ trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Đây là cơ hội cho Indonesia kết nối cộng đồng thế giới cũng như tạo sự đồng thuận trong việc tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông. Hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn lời Giáo sư Rashila Ramli, Giám đốc Trường Đại học Kebangsaan Malaysia cho rằng quá trình này phải được Indonesia đề xuất để tăng cường nỗ lực trong việc đưa tất cả các bên ở Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc, ra thảo luận ở Hội đồng Bảo an LHQ vì môi trường hòa bình tốt hơn. Theo Giáo sư Ramli, nếu thực sự nghiên cứu lịch sử của Biển Đông sẽ thấy chưa bao giờ các bên phải đặt ra vấn đề an ninh cho đến năm 1948, khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở “đường chín đoạn” phi pháp.

Giáo sư Rashila cho rằng khi an ninh Biển Đông đáng báo động, Indonesia cần đẩy mạnh quá trình thảo luận ở phạm vi toàn cầu để thúc đẩy hòa bình và hợp tác giữa các thành viên LHQ. Bà Rashila cho rằng Indonesia có thể tận dụng cơ hội tại Hội đồng Bảo an LHQ để nâng cao nhận thức cho các nước rằng biển Đông không chỉ là vấn đề chủ quyền. Giám đốc Đại học Kebangsaan Malaysia nhận định Indonesia có thể tối ưu hóa vai trò là một trong những nước trung lập trong việc đưa tất cả các bên ở Biển Đông tiến tới thảo luận bàn tròn. Tiếng nói của Indonesia đại diện cho châu Á – Thái Bình Dương sẽ có trọng lượng hơn trong vấn đề này.

Mặc dù còn hạn chế, song Tổng thống Philippines Duterte đã lần đầu tiên tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi của Philippines ở Biển Đông

Bộ Quốc phòng Philippines hôm 24/7 bày tỏ sự ủng hộ cho những nỗ lực của Tổng thống Rodrigo Duterte nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc thông qua các phương tiện ngoại giao. Báo Manila Bulletin dẫn lời ông Arsenio Andolong, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines nói rằng “vấn đề Biển Đông chỉ là một phần trong quan hệ của chúng ta với Trung Quốc, do đó, Bộ Quốc phòng hỗ trợ các nỗ lực của Tổng thống để giải quyết tranh chấp thông qua các phương tiện ngoại giao”.  Ông Andolong thêm rằng “Bộ Quốc phòng và lực lượng vũ trang Philippines sẽ bảo vệ chủ quyền của đất nước với tất cả các phương tiện và nguồn lực sẵn có khi cần thiết”. 

Trước đó, phát biểu trong Thông điệp Quốc gia thường niên lần thứ 3 trước Quốc hội vào hôm 23/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lần đầu tiên cam kết bảo vệ lợi ích của Philippines ở Biển Đông. Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố “mối quan hệ được cải thiện giữa chúng ta với Trung Quốc không có nghĩa là chúng ta sẽ dao động trong việc bảo vệ lợi ích của chúng ta ở Biển Đông”. Ông Duterte nói rằng Trung Quốc và Philippines đang giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông thông qua đường ngoại giao.

Malaysia tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với TQ trong vấn đề Biển Đông

Phát biểu trước Quốc hội Malaysia (25/7), Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah tuyên bố Chính phủ mới của Malaysia sẽ có lập trường cứng rắn hơn ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng hiện diện và gây hấn tại khu vực này. Ông Saifuddin Abdullah nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng “tàu chiến không nên xuất hiện trên Biển Đông” và cho rằng Thủ tướng Mahathir đã “phát đi tín hiệu rằng Malaysia sẽ cứng rắn và nghiêm túc hơn” trong việc xử lý các tranh chấp hàng hải. Theo Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah, việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa vùng Biển Đông đã làm dấy lên quan ngại trong vùng và có nguy cơ làm căng thẳng leo thang trong khu vực. Ông Saifuddin cho rằng tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2012 “không có hiệu quả” và việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa khu vực gây ra nhiều lo ngại cũng như nguy cơ leo thang căng thẳng.

Mỹ, Australia tiếp tục lên án hành động quân sự của TQ ở Biển Đông và quyết duy trì, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở khu vực này

Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là chủ đề quan trọng tại cuộc Tham vấn Ngoại giao – Quốc phòng giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) 2018 diễn ra từ ngày 23-24/7 tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford ở bang California (Mỹ). Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne và Ngoại trưởng Julie Bishop của Australia cùng với 2 người đồng cấp của Mỹ là Mike Pompeo và James Mattis đã đồng chủ trì AUSMIN 2018. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne đã bày tỏ ủng hộ vai trò của Canberra trong việc đảm bảo hoạt động tự do tại các tuyến hàng hải của Biển Đông. Bà khẳng định cam kết của Australia trong việc duy trì là “một đối tác rất mạnh” trong khu vực, kiên định theo đuổi lập trường về tự do hàng hải và giám sát. Cùng lúc này, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương Randall Schriver cho biết, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump chuẩn bị đưa ra đường lối cứng rắn hơn đối với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Kết luận: Sự tham gia của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông thời gian gần đây đang cho thấy những nỗ lực và quyết tâm của các nước trong duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này. Tuy nhiên, để đối phó với những ý đồ, hành động quân sự hóa ngày càng gia tăng của Trung Quốc, đòi hỏi nhiều hơn nữa tiếng nói và hành động cụ thể của chính phủ và người dân các nước, nhất là tại các diễn đàn quốc tế, khu vực sắp tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới