Friday, November 29, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 02/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 02/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 02/08/2018.

Có 3 Thượng Nghị sỹ Philippines ủng hộ đề xuất thoả thuận chia tỷ lệ 60/40 trong hoạt động thăm dò tài nguyên chung trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc

Ngày 02/8, tạp chí The Manila Times đưa tin, ngày 01/8, đã có ba Thượng Nghị sỹ của Philippines bày tỏ bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất chia tỷ lệ 60/40 trong hoạt động thăm dò chung tài nguyên ở Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson cho biết thỏa thuận này “có thể chấp nhận được vì tỷ lệ 60/40 tuân thủ các yêu cầu của Hiến pháp Philippines về hoạt động đầu tư nước ngoài”, thêm vào đó “việc thăm dò chung với Trung Quốc là thiết thực và hợp lý” vì “Philippines không có nguồn lực hay công nghệ để tự thực hiện hoạt động này, và Biển Đông rất giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đã đến lúc tận dụng những tài nguyên thiên nhiên này để cải thiện đời sống của người dân Philippines”. Trong khi đó, những Thượng Nghị sỹ khác lại tỏ ra thận trọng hơn. Thượng Nghị sỹ Aquilino Pimentel cho rằng “khu vực cụ thể trước tiên phải được công bố trước khi có thể đưa ra bình luận gì”. Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros nhận định đề xuất này “phi lý và nguy hiểm” bởi “nó đi ngược lại chiến thắng lịch sử của Philippines trong vụ kiện Trọng tài ở Biển Đông và làm từ bỏ chủ quyền của Philippines ở khu vực này”. Bà cho rằng Phán quyết của Toà Trọng tài ngày 12/7/2016 đã khẳng định rất rõ ràng rằng “Philippines có quyền chủ quyền trong việc tiếp cận các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi, bao gồm cả Bãi Cỏ Rong, trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình”, do đó không thể chia sẻ quyền sở hữu ở Biển Đông với Trung Quốc”. Bà cho rằng Bộ Ngoại giao Philippines cần xem xét rút lại dự án thăm dò chung với Trung Quốc và tập trung vào việc thực thi Phán quyết của Toà Trọng tài.

Mới đây, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã lên tiếng cho rằng Philippines không có nghĩa vụ phải chia sẻ tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Theo Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano, dự án thăm dò chung được đề xuất với Trung Quốc dự kiến ​​sẽ hoàn tất vào tháng 8 hoặc tháng 9.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN trao đổi về vấn đề Biển Đông

Kyodo News đưa tin, ngày 2/8, Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã bắt đầu cuộc họp tại Singapore để tập trung trao đổi về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên cùng với những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Liên quan đến những lời chỉ trích đối với hành động quân sự hóa Trung Quốc các cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của “việc phi quân sự và tự kiềm chế” khi tiến hành tất cả các hoạt động ở Biển Đông. Đồng thời, Các Bộ trưởng hoan nghênh tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc đối với việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả trên biển theo một lịch trình được thống nhất chung.

Các cuộc họp liên quan đến ASEAN được tổ chức tại Singapore vào ngày 4/8 tới sẽ bao gồm các Bộ trưởng Ngoại giao không chỉ đến từ ASEAN mà đến từ các nước như Úc, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Mỹ và hai miền Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến ​​sẽ tập trung tại Singapore vào tháng 11 để dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.

Đáp trả những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 01/8, trang Lawfare đăng bài viết “Đáp trả những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông” của bà Lynn Kuok, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Viện Brookings (Mỹ), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) (Mỹ) và Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore.

Trong bài viết, tác giả có một số nhận định về tình hình ở Biển Đông sau 02 năm Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016 được đưa ra. Bà Kuok cho rằng, trong năm đầu tiên sau khi Toà Trọng tài ra Phán quyết, Trung Quốc gần như vẫn tuân thủ nội dung của Phán quyết song sang tới năm thứ hai, cụ thể là sau tháng 7/2017, tình hình không còn như vậy. Chính phủ Trung Quốc liên tục nhấn mạnh rằng tình hình ở Biển Đông đã “lắng dịu” và tình hình khu vực đã trở nên “hoà dịu”, song cùng lúc đó nước này lại lớn tiếng cáo buộc Mỹ gây phức tạp tình hình ở khu vực. Nhưng trên thực tế, tất cả những sự ổn định trong thời gian qua phần lớn lại là kết quả từ việc một số quốc gia nhỏ hơn trong khu vực phải là bên “xuống thang” vì quan niệm rằng “người yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng”.Bà cho rằng hai năm sau Phán quyết có thể thấy rằng trong khi thách thức đặt ra trong năm đầu kể từ khi Phán quyết được đưa ra là việc thuyết phục các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc đứng ra công khai ủng hộ thượng tôn pháp luật, thì bây giờ thách thức đặt ra là liệu Mỹ và các đồng minh có thể giúp các quốc gia đối phó với những hành động xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của mình và bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ. Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trên các cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông, với những lý lẽ khó có thể chấp nhận, rằng nước này “có quyền được làm những gì mình muốn trên vùng lãnh thổ của mình”, thậm chí còn tự cho rằng những hành động này được luật quốc tế cho phép. Bà Kuok khẳng định với đa phần các cấu trúc ở Biển Đông, chủ quyền vẫn tiếp tục là vấn đề tranh cãi gay gắt, trong khi luật pháp quốc tế về trách nhiệm của quốc gia chiếm đóng các thực thể tranh chấp vẫn còn chưa rõ ràng, do đó những hành động của Trung Quốc hiện vẫn gói gọn trong “vùng xám”.

Bên cạnh đó, tác giả bài viết cũng lo ngại về việc dường như dư luận quốc tế chỉ chủ yếu tập trung sự chú ý vào những hành động quân sự quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông mà quên mất rằng nước này cũng đang nỗ lực “làm chìm” Phán quyết thông qua “chiến tranh pháp lý”. Bà cho rằng những nỗ lực này có thể làm thay đổi những diễn biến ở Biển Đông và giúp Trung Quốc tăng sức nặng cho những biện luận đối với các yêu sách và hành động của nước này. Theo bà Lynn Kuok, các lập luận của Trung Quốc dường như không thuyết phục được các luật sư, song đó lại không phải là đối tượng của họ mà thay vào đó, mục tiêu của họ là giới tinh hoa chính trị và kinh doanh ở Đông Nam Á, những đối tượng có thể chấp nhận những yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông vì lo sợ Bắc Kinh sẽ dùng các biện pháp kinh tế để đe doạ cùng với những lời hứa hỗ trợ cho sự phát triển thông qua các sáng kiến về cơ sở hạ tầng như Sáng kiến Vành đai và Con đường. Mặt khác, Trung Quốc cũng đang tìm cách “định hình” luật pháp quốc tế” theo ý họ thông qua việc sử dụng chiến lược hỗ trợ nghiên cứu, trong đó có cả nghiên cứu luật biển.

Sau khi thấy rằng khi so sánh hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm đầu tiên và năm thứ hai sau khi Phán quyết của Toà Trọng tài được đưa ra, có thể thấy rằng để đáp trả những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông đòi hỏi các quốc gia phải có hành động. Trong bối cảnh đó, tác giả bài viết đề xuất: (i) các quốc gia ven biển phải được hỗ trợ trong việc đối phó với bất kỳ sự xâm phạm nào vào các vùng đặ quyền kinh tế của họ, bao gồm cả việc sử dụng các biện pháp pháp lý; (ii) phải tiếp tục có những chiến dịch mới để kêu gọi các bên tuân thủ Phán quyết; (iii) Mỹ nên gia nhập Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để tăng thêm uy tín khi kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ UNCLOS cũng như các quyết định của Toà án và Toà Trọng tài; (iv) cần thách thức các tuyên bố của Bắc Kinh nói rằng họ có quyền làm những gì họ muốn trên lãnh thổ “của họ”, nhắc nhở rằng Trung Quốc cần kiềm chế những động thái của họ trên các cấu trúc tranh chấp và (v) một chính sách Biển Đông thành công cần nằm trong một chính sách về Châu Á được xây dựng và triển khai hiệu quả, trong đó các nước trong khu vực sẽ dõi theo những phát triển chiến lược nhằm xác định cách thức phản ứng tốt nhất ở Biển Đông và Mỹ cần tiếp tục khẳng định cam kết rõ ràng cho khu vực nếu điều đó có tác dụng đối trọng lại với quan niệm cho rằng Trung Quốc là “một lực lượng không thể ngăn cản”. Đặc biệt, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ cần cung cấp những sáng kiến khả thi về kinh tế để thay thế Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc. Kết thúc bài viết, tác giả đánh giá Trung Quốc rất “chuyên nghiệp” trong việc sử dụng mọi công cụ có thể để củng cố tuyên bố của mình; do đó kêu gọi Mỹ và các đối tác khác cũng phải học cách làm tương tự nếu muốn giải quyết những căng thẳng ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới