Theo chuyên gia Adam Ni, đầu những năm 1990, màn phô diễn sức mạnh áp đảo của Mỹ tại chiến tranh vùng Vịnh đã khiến các nhà hoạch định chiến lược PLA kinh hãi và sốc nặng.
Binh lính TQ chuẩn bị cho lễ diễu binh tại căn cứ huấn luyện Zhurihe ở Khu tự trị Nội Mông ngày 30/7/2017. Ảnh: Xinhua
Ngày 1/8, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) kỷ niệm 91 năm ngày thành lập. Chắc chắn, PLA có rất nhiều thứ để từ hào, họ đã trở thành một trong những lực lượng hùng mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Adam Ni của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Đại học Quốc gia Australia, ẩn sau sự phô trương có phần tự cao tự đại đó là một viễn cảnh xa vời. PLA vẫn phải tiếp tục đối diện với đầy rẫy khó khăn bắt nguồn từ những yếu kém dai dẳng trên hành trình hiện thực hóa khát vọng của mình.
Trung Quốc khát khao điều gì?
Tháng 10/2017, tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, ông Tập Cận Bình đặt ra tham vọng đến giữa thập kỷ này, PLA phải trở thành một quân đội “đẳng cấp thế giới”, hoàn thiện cơ giới hóa vào năm 2020 và hiện đại hóa vào năm 2035.
PLA đang trên hành trình vươn tới mục tiêu đó. Họ đã thúc đẩy được quá trình hiện đại hóa nhanh chóng dựa trên nguồn ngân sách quốc phòng gia tăng ở mức 2 con số trong suốt 2 thập kỷ qua.
Ngày nay, PLA đã phát triển được một số khả năng quân sự tân tiến nhất thế giới, trong đó các các tên lửa thông thường và hạt nhân, chiến đấu cơ tàng hình, máy bay không người lái, các phương tiện đặt trên vũ trụ và một lực lượng hải quân to lớn.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đang đầu tư rất mạnh cho các công nghệ mang tính chuyển đổi phục vụ cho các mục tiêu quân sự như phương tiện phóng siêu thanh, khoa học lượng tử hay trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, công nghệ và trang thiết bị phần cứng chưa thể đủ để nâng cao hiệu quả chiến đấu. Bắt đầu từ năm 2015, PLA đã tiến hành một chương trình cải cách toàn diện và sâu rộng nhất kể từ năm 1950. Chương trình này tạo ra tác động to lớn đến cơ cấu tổ chức, bố trí lực lượng và các hệ thống chỉ huy điều khiển của PLA.
Điểm nhấn quan trọng nhất là PLA đã phẳng hóa cơ cấu tổ chức của mình. 4 tổng cục từng đóng vai trò là những cơ quan trung gian giữa Quân ủy Trung ương và các đơn vị cấp thấp hơn trước đây đã bị xóa bỏ; 7 quân khu được tái cơ cấu thành 5 chiến khu nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến chung.
Đồng thời, trách nhiệm của các bộ phận khác nhau trong PLA cũng đã được phân định rõ hơn nhằm loại bỏ sự chồng chéo và không rõ ràng. Theo hệ thống mới, Quân ủy Trung ương nắm quyền lãnh đạo tổng thể, các chiến khu chịu trách nhiệm về hoạt động tác chiến và các quân binh chủng đảm trách phát triển lực lượng.
PLA cũng đã cắt giảm 300.000 binh sĩ (chủ yếu là của Lục quân) để cơ cấu gọn gàng hơn. Đây cũng là một phần của kế hoạch rộng lớn hơn nhằm cải thiện cơ cấu tổ chức lực lượng của PLA bằng cách cân đối lại các nguồn lực để tăng cường sức mạnh cho các lực lượng hải quân, không quân và tên lửa.
Những điểm yếu kéo dài
Tuy nhiên, bất chấp những cải cách nêu trên, PLA vẫn đang tồn tại nhiều điểm yếu kéo dài. Đầu tiên và quan trọng nhất đó là PLA vô cùng thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Không giống như Quân đội Mỹ, PLA chưa hề thực chiến kể từ sau năm 1979, thời điểm khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam tại biên giới phía Bắc.
Ngay cả các chuyên gia phân tích của PLA cũng liên tục nhấn mạnh tới tính không hiệu quả của các hệ thống huấn luyện cứng nhắc và mang tính hình thức hiện tại của Trung Quốc.
Thứ hai, PLA vẫn còn tham nhũng tràn lan và thiếu tính kỷ luật – thành tố quan trọng của một lực lượng chuyên nghiệp, cho dù ông Tập đã rất mạnh tay trong lĩnh vực này. Vấn đề chủ yếu xuất phát từ việc PLA nhúng sâu vào các hoạt động kinh tế dân sự và thiếu sự giám sát hợp lý.
Thứ ba, mặc dù đã có những cải tiến đáng kể trong những năm gần đây nhưng PLA vẫn còn thiếu những khả năng tác chiến hiệp đồng và khuếch trương lực lượng. Yêu cầu đòi hỏi PLA phải hoạt động xa hơn ngoài bờ biển Trung Quốc và bảo vệ các lợi ích bên ngoài ngày càng tăng nhanh và sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới.
Những khoảng cách chủ chốt, chẳng hạn như việc thiếu một năng lực tác chiến chống ngầm hiệu quả phải được giải quyết nếu Hải quân PLA muốn phát triển được các khả năng viễn chinh tốt hơn.
Thứ tư, PLA sẽ phải rèn rũa hiệu quả và bảo vệ an toàn được các hệ thống thông tin và vũ trụ của Trung Quốc, những thứ ngày càng trở nên quan trọng cho cả các chiến dịch quân sự và kinh tế. Điều này đòi hỏi phải duy trì một khoản đầu tư lớn cho các phương tiện đặt trên vũ trụ cũng như khả năng phản vũ trụ bằng cả vũ khí động lực và phi động lực.
Để giành được lợi thế thông tin, PLA cũng cần ưu tiên tính hợp các khả năng trinh sát, phòng thủ và tấn công với các hoạt động trên không gian mạng.
Theo chuyên gia Adam Ni, trong những năm đầu thập kỷ 1990, màn phô diễn sức mạnh áp đảo của Mỹ tại chiến tranh vùng Vịnh đã khiến các nhà hoạch định chiến lược PLA kinh hãi và sốc nặng.
Tuy nhiên, điều đó đã không còn đúng trong tình hình hiện nay. PLA ngày càng tự tin vào khả năng của họ, gồm cả việc răn đe Mỹ và đồng minh can thiệp vào các vấn đề nóng như thu hồi Đài Loan hay liên qua tới các tranh chấp trên biển.
Không thể phủ nhận PLA đã đi được một chặng đường dài. Họ đang nhanh chóng xây dựng được đầy đủ các khả năng đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên, chuyên gia Adam Ni cho rằng, tham vọng chiến lược mà Trung Quốc đặt ra có thể sẽ vượt quá khả năng hiện đại hóa của PLA trong những năm tới đây.