Ngoại trưởng mới của Anh, ông Jeremy Hunt, đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, nhưng ông Hunt đang là tiêu điểm của giới truyền thông trong một câu chuyện khác.
Trong một sự kiện giới thiệu sách, ông Hunt có vợ là người gốc Hoa nhưng lại lỡ miệng giới thiệu vợ mình là người Nhật Bản. Ông đã nhanh chóng đính chính, tuy nhiên điều ông nói ra đã làm mọi người trong hội trường của sự kiện bật cười, theo BBC.
Lời nói “hớ” của ông Hunt nhanh chóng trở thành đề tài khai thác của giới truyền thông. Ông Hunt đã thừa nhận rằng đây là “một lỗi khủng khiếp” của mình.
Vợ của ông Hunt tên là Lucia Guo, bà sinh ra ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Bà và ông Hunt gặp nhau năm 2008 khi bà đang làm việc ở Đại học Warwick. Họ đã có với nhau 3 người con.
Ông Hunt đã nói chính xác những điều gì ?
Trong cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ông Hunt nói bằng tiếng Anh: “Vợ tôi là người Nhật – à, vợ tôi là người Trung Quốc. Xin lỗi, thật là một lỗi tệ hại”.
Ông Hunt giải thích rằng ông và ông Vương đã “nói tiếng Nhật trong bữa tiệc chiêu đãi của Trung Quốc”, trước khi ông Hunt nói: “Vợ tôi là người Trung Quốc và các con của tôi mang một nửa dòng máu Trung Quốc, ông bà ngoại của chúng hiện đang sống ở Tây An”.
Tại sao việc nói hớ của ông Hunt lại gây chú ý như vậy? Dưới đây là các lý do chính khiến dư luận quan tâm tới sự kiện này.
Ngoại trưởng Anh, Jeremy Hunt. (Ảnh: CNN)
1. Trung Quốc và Nhật Bản là cựu thù và hiện là đối thủ lớn của nhau
Trong số tất cả các nước mà người Trung Quốc không có cảm tình nhất, thì Nhật Bản luôn ở vị trí số 1. Bởi vì hai nước đã có mối quan hệ không tốt trong nhiều thập kỷ qua, khi Nhật từng đánh chiếm Trung Quốc và hiện nay hai nước vẫn đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.
Nhiều người lớn tuổi Trung Quốc không bao giờ mua hàng có xuất xứ từ Nhật cũng như không bao giờ đi du lịch tới đất nước hoa anh đào, BBC cho hay.
Vào năm 2012 khi hai nước xảy ra căng thẳng về việc tranh chấp đảo ở biển Hoa Đông, người Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn chống Nhật, nhiều cửa hàng và các cơ sở kinh doanh của người Nhật hoặc mang biển hiệu tiếng Nhật đã bị đập phá.
Người Trung Quốc biểu tình chống Nhật năm 2012. (Ảnh: AFP)
2. Khó hiểu về tình huống của ông Hunt
Ông Hunt biết tiếng Nhật và từng làm việc ở Nhật và ông nói rằng ông và ông Vương có nói chuyện với nhau bằng tiếng Nhật.
Tuy nhiên người ta cảm thấy khó hiểu việc ông Hunt đang nói chuyện về vợ mình tại sao lại đề cập tới Nhật Bản. Và khi đang nói chuyện bằng tiếng Nhật với ông Vương tại sao lại dẫn câu chuyện tới vợ của ông.
Ông Jeremy Hunt kết hôn với vợ người Trung Quốc năm 2009 (Ảnh: Spectator.co.uk)
3. Liên tưởng tới những nhầm lẫn của bản thân
Do hình thức của người Đông Á khá giống nhau, nhiều người trên thế giới thường nhầm lẫn giữa người Nhật, người Trung Quốc và người Triều Tiên. Câu chuyện của ông Hunt dường như làm người ta nhớ tới những nhầm lẫn của mình.
Vợ của ông Hunt nhìn cũng rất giống người Nhật. (Ảnh: Total Politics)
4. Liên tưởng tới những sự cố lấy lòng Trung Quốc trước kia
Hiện Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 và là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới. Rõ ràng các quốc gia hay các tập đoàn quốc tế đều không muốn bỏ qua một thị trường lớn như vậy. Nên việc họ thường tìm cách “lấy lòng” người Trung Quốc là điều dễ hiểu.
Tổng thống Pháp Macron và chủ tịch tập đoàn Facebook Zuckerberg, từng cố gắng phát âm tiếng Hoa trước khi tới Trung Quốc. Họ cố gắng thể hiện một mối liên hệ nào đó với đất nước này.
Tuy vậy, khi gặp sự cố ngoại giao, người Trung Quốc sẽ chỉ nhớ tới quyền lợi của mình. Trường hợp đại sứ Mỹ Gary Locke là một ví dụ.
Ông Locke là người Mỹ gốc Hoa, làm đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc trong thời gian từ 2011 – 2013. Khi xảy ra căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, ông Lock vẫn bị giới truyền thông của chính quyền Bắc Kinh trỉ chích như thường và bỏ qua nguồn gốc của ông.
Tờ báo quốc doanh, The Global Times, của Trung Quốc đã nhắc nhở người dân rằng ông Locke chỉ là một chính trị gia Mỹ bình thường phục vụ cho lợi ích của Washington.