Liên minh châu Âu (EU) đã mở rộng các biện pháp trừng phạt liên quan đến vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea cũng như việc Nga xây dựng một cây cầu bắc qua Eo biển Kerch, tờ Công báo của EU cho biết.
Theo tờ Công báo của EU, các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhằm vào một loạt công ty của Nga gồm AO Institute Giprostroymost – St. Petersburg, PJSC Mostotrest, JSC Zaliv Shipyard, Stroygazmontazh Corporation (SGM Group), Stroygazmontazh Most OOO và CJSC VAD. Tất cả các công ty này đều tham gia vào dự án xây dựng cây cầu Kerch và Cao tốc Tavrida nối đến Crimea.
Những biện pháp trừng phạt bao gồm việc phong tỏa tài sản, cũng như cấm các cá nhân và thực thể của EU cung cấp vốn các các công ty nói trên. Tổng số các cơ quan của Nga nằm trong danh sách trừng phạt của EU hiện giờ lên tới con số 14.
Phản ứng trước thông tin trên, Trung tâm Thông tin về Cầu Crimea, việc EU áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào những công ty liên quan đến dự án xây dựng cây cầu nối đến bán đảo Crimea từ lãnh thổ Krasnodar sẽ không gây ảnh hưởng gì đến tiến độ thực hiện các dự án như thế này.
Trước đó, EU cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 155 cá nhân của Nga, bao gồm việc cấm các cá nhân này đi vào lãnh thổ của EU đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở EU nếu có.
Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3/2014. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương, nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối.
Kể từ sau vụ sáp nhập, giới chức chính quyền Kiev luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Phương Tây cũng liên tục kêu gọi và gây sức ép đòi Nga trả lại Crimea cho Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cũng cứng rắn không kém khi nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ có chuyện trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine.
Nga cũng nhiều lần khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý mà họ tổ chức ở Crimea diễn ra đúng theo luật pháp quốc tế và theo các nguyên tắc dân chủ.
Crimea hiện giờ vẫn là một trong những mấu chốt gây ra cuộc đối đầu căng thẳng không có điểm dừng giữa Nga và phương Tây.
EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.