Các nhà phân tích đã vạch ra một số biện pháp khả thi mà Trung Quốc có thể thực hiện để đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang có nguy cơ leo thang căng thẳng khi chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị tăng thuế nhập khẩu thêm 10% đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, nhiều khả năng có hiệu lực từ tháng 9/2018. Còn Bộ Thương mại Trung Quốc đe dọa sẽ đáp trả bằng các biện pháp riêng của nước này.
Trước đó vào tháng 6/2018, cả chính phủ Mỹ và chính phủ Trung Quốc tuyên bố áp mức thuế lên tới 25% nhằm vào lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 50 tỷ USD của nhau.
Thiệt hại đối với Trung Quốc
Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc khi nhiều công ty nước ngoài muốn rút khỏi đây. Phát biểu với tạp chí Forbes ngày 30/7, ông Nathan Resnick- nhà điều hành công ty khởi nghiệp Sourcify cho biết, các nhà sản xuất đặt cơ sở tại Trung Quốc đang dần tìm đường rời khỏi quốc gia Đông Nam Á này: “Trong bối cảnh cuộc chiến về thuế quan ngày càng gay gắt, các công ty không còn hứng thú để sản xuất tại Trung Quốc. Hiện tại, chúng tôi có các dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ, Bangladesh, Philippines và Mexico. Giá nhân công ở những khu vực bên ngoài Trung Quốc thậm chí còn rẻ hơn”, ông Nathan Resnick nói.
Không chỉ các công ty nhỏ mà cả những tập đoàn lớn như Kerry Logistics Network cũng phải chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế suất cao. Tờ nhật báo Hong Kong dẫn lời ông William Ma Wing-kai, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Kerry cho biết, không chỉ công ty này mà nhiều khách hàng của họ “đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới các quốc gia Châu Á khác nơi họ đã có nhà máy sản xuất. Đây là một sự tái phân bổ cơ sở sản xuất trên toàn cầu”.
Căng thẳng thương mại cũng gây thiệt hại nặng nề cho thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ đầu năm đến nay. Trong số 32 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) theo dõi các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc và các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế, chỉ có 3 quỹ đạt được kết quả khả quan, bao gồm ETF năng lượng, ETF chăm sóc sức khỏe và ETF theo dõi chứng khoán Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ.
Các biện pháp đáp trả khả thi của Trung Quốc?
Không thể bắt kịp Mỹ trong việc áp đặt thuế suất đối với hàng hóa, bởi tổng hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chưa tới 250 tỷ USD. Bộ Thương mại Trung Quốc đã đe dọa sẽ đáp trả bằng các biện pháp riêng của nước này. Theo giới phân tích, có một số biện pháp khả thi mà Trung Quốc có thể thực hiện.
Trước hết là trì hoãn thủ tục hải quan. Chính phủ Trung Quốc có thể yêu cầu quan chức hải quan nước này tăng cường các quy định kiểm tra hải quan để tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với việc lưu thông hàng hóa. Đây không phải là một chiến lược mới trong cuộc chiến thương mại. Vào năm 1982, Pháp đã yêu cầu tất cả các thiết bị điện tử của Nhật Bản nhập khẩu vào nước này phải thông qua một cửa hải quan duy nhất và có ít nhân viên tại Poitiers. Trung Quốc cũng từng áp dụng biện pháp này để hạn chế nhập khẩu cá hồi của Na Uy vào năm 2010 và chuối Philippinnes vào năm 2012 do bất đồng trong vấn đề thương mại.
Trong năm 2018, Trung Quốc đã thắt chặt quy định kiểm soát hải quan đối với nhiều mặt hàng của Mỹ như rượu whiskey, hoa quả tươi, động cơ gắn máy, thịt lợn, gỗ chưa qua xử lý và rác thải tái chế. Động thái này khiến việc vận chuyển hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc bị đình trệ. Nếu cuộc chiến thương mại leo thang hơn nữa, Trung Quốc có thể áp đặt thêm nhiều rào cản về mặt hải quan và nhắm vào nhiều loại hàng hóa của Mỹ hơn.
Biện pháp thứ hai là áp dụng quy tắc “phân biệt đối xử” nhằm buộc các công ty Mỹ có nhà máy sản xuất hoặc cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc phải “trả giá đắt”. Trung Quốc đã từng tiến hành các cuộc điều tra tham nhũng, kiểm toán thuế, thậm chí tiến hành kiểm tra hàng ngày mức độ an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng của sản phẩm để làm gián đoạn hoạt động của nhiều công ty nước ngoài. Chẳng hạn như để phản đối quyết định của Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) giai đoạn năm 2016-2017, Trung Quốc đã buộc chuỗi siêu thị Lotte của Hàn Quốc tại nước này đóng cửa khoảng 90 quầy hàng với cáo buộc vi phạm quy định phòng chống cháy nổ. 20 quầy hàng của WalMart cũng chịu đựng số phận tương tự.
Biện pháp thứ 3 là gây “khó dễ” trong quá trình cấp giấy phép kinh doanh. Quy định của Trung Quốc yêu cầu các công ty phải có giấy phép khi tham gia hầu hết hoạt động kinh doanh tại quốc gia này. Do đó, giới chức Trung Quốc có thể thu hồi hoặc trì hoãn quá trình cấp giấy phép đối với các công ty Mỹ. Theo một báo cáo gần đây của Nhà Trắng, quá trình cấp giấy phép tại Trung Quốc diễn ra khá phức tạp.
Biện pháp cuối cùng là tẩy chay hàng hóa và các công ty Mỹ. Trên thực tế, lượng hàng hóa và dịch vụ mà Mỹ sản xuất tại Trung Quốc nhiều hơn lượng hàng hóa nước này xuất khẩu sang Trung Quốc. Do vậy chiến thuật tẩy chay sẽ khiến các công ty Mỹ bị thiệt hại nghiêm trọng. Chẳng hạn như, người tiêu dùng Trung Quốc thay vì tới các quầy hàng của Starbucks có thể chuyển sang dùng đồ uống của UBC (Trung Quốc), hoặc họ có thể mua điện thoại di động của tập đoàn Xiaomi thay vì sử dụng iPhone của Apple. Điều này có thể làm cắt giảm doanh thu của Apple tại thị trường lớn thứ 3 thế giới.
Theo giới phân tích, các biện pháp nêu trên có thể gây nguy hiểm thực sự đối với ngành công nghiệp xuất khẩu của Mỹ, các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Một khi chuỗi cung ứng dịch vụ hay hàng hóa nước ngoài bị gián đoạn sẽ dẫn tới giá cả tăng cao và người tiêu dùng tất yếu sẽ quay trở lại sử dụng hàng hóa trong nước. Điều này sẽ khiến các nhà sản xuất Trung Quốc được hưởng lợi trong cuộc cạnh tranh trên thị trường.
Các biện pháp đáp trả có thể giúp Trung Quốc đối phó với Mỹ song cũng khó tránh khỏi việc gây tác dụng ngược lại đối với Trung Quốc, chẳng hạn như khiến người lao động Trung Quốc mất việc hay khiến một số công ty Trung Quốc phụ thuộc vào đối tác Mỹ phá sản.
Trung Quốc muốn đối thoại
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 30/7 tuyên bố, nước này luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Mỹ để giải quyết những vấn đề thương mại song phương, đồng thời tái khẳng định, Bắc Kinh sẽ không theo đuổi một cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đang ở thăm Trung Quốc, ông Vương Nghị khẳng định: “Cánh cửa đối thoại và đàm phán của Trung Quốc luôn để ngỏ, tuy nhiên bất cứ cuộc đối thoại nào cũng phải dựa trên cơ sở công bằng, tôn trọng lẫn nhau và các quy tắc chung. Bất kỳ sự đe dọa hay gây sức ép từ một phía sẽ chỉ phản tác dụng”.
Quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc cho biết, những căng thẳng thương mại hiện tại là do Mỹ khởi xướng, nhấn mạnh hai quốc gia nên giải quyết các vấn đề chung trong khuôn khổ quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thay vì theo luật lệ của Mỹ.
“Trung Quốc không muốn một cuộc chiến thương mại nhưng khi đối mặt với thái độ thiếu tích cực từ Mỹ và bị vi phạm các quyền lợi, chúng tôi phải thực hiện biện pháp đáp trả.” Theo ông Vương Nghị, các công ty Mỹ đã gặt hái “lợi nhuận khổng lồ” tại Trung Quốc