Saturday, October 26, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 06/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 06/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 06/08/2018.

Ngoại trưởng Úc, Mỹ và Nhật nêu quan ngại về vấn đề Biển Đông

Ngày 5/8, hãng tin SBS của Úc đưa tin, tại Đối thoại Chiến lược Ba bên ngày 4/8 tại Singapore, Ngoại trưởng các nước Úc, Mỹ và Nhật đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, trong đó có vấn đề sử dụng các hệ thống vũ khí hiện đại trên các khu vực tranh chấp. Tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị nêu rõ: “Các Bộ trưởng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương áp đặt, làm biến đổi nguyên trạng và gây gia tăng căng thẳng”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ghi nhận những tiến triển về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cho rằng COC cần phù hợp với luật pháp quốc tế và các bên cần đẩy mạnh cam kết về chấm dứt các hành động làm leo thang tranh chấp.

Một đánh giá trung lập về “bước ngoặt” gần đây trong vấn đề Biển Đông

Ngày 4/8, hãng tin Channel News Asia đăng bài bình luận “Một đánh giá trung lập về “bước ngoặt” gần đây trong vấn đề Biển Đông” của Koh Swee Lean Collin, Nghiên cứu viên tại Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Liên quan đến việc Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc đạt được nhất trí về Dự thảo duy nhất về nội dung đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như xác định các phương thức chính cho các vòng đàm phán trong tương lai, tác giả bài viết cho rằng những phát triển nhanh chóng trong tiến trình đàm phán COC kể từ tháng 8 năm ngoái đến nay là “một sự tiến triển đáng chú ý”, “tạo ra những ấn tượng tốt đẹp” song cần nghiên cứu kỹ hơn vào thực tế.

Ông Collin cho hay cả Trung Quốc và ASEAN đều có những lợi ích nhất định trong việc đạt được Dự thảo duy nhất về văn kiện đàm phán COC. Đối với Trung Quốc, mặc dù nước này cho rằng việc không được mời tham gia vào cuộc diễn tập thường niên “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) lớn nhất thế giới chỉ là “một chi phí không đáng kể” so với nhiệm vụ “bảo vệ các quyền và lợi ích thuộc chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông”. Nhưng trong bối cảnh nước này liên tục có những động thái chưa từng có tiền lệ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, tác giả cho rằng Trung Quốc vẫn cần phải có một chiến thắng về chính sách đối ngoại giúp nước này xoa dịu những chỉ trích của báo chí, dư luận nhằm vào mình từ trước tới nay; hơn nữa, Bắc Kinh cũng phải tiếp tục củng cố hơn nữa những hoạt động xây dựng đảo cũng như những lợi ích của họ ở Biển Đông. Do đó, vào thời điểm này Trung Quốc thấy rằng họ cần khuyến khích những tiến triển trong đàm phán COC để nâng cao lập trường của mình, thay vì trì hoãn tiến trình này. Trong khi đó, ASEAN cũng được xem là có một số động cơ thúc đẩy để đạt được nhất trí với Trung Quốc về bản dự thảo, nhất là việc phải đối mặt với nguy cơ leo thang căng thẳng khu vực do Trung Quốc vẫn không ngừng quân sự hoá các vùng biển tranh chấp, đồng thời ASEAN cũng cần đảm bảo sự tham gia của mình vào tiến trình này và tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo mà vẫn có thể bảo toàn lập trường của mình. Tuy nhiên, ông Collin cho rằng vẫn chưa thể nói trước được điều gì về khả năng có thể đạt được văn kiện cuối cùng của COC bởi vẫn có nhiều thách thức đằng sau những ngôn từ và tinh thần của một văn bản cuối cùng mà tất cả các bên có thể cho là phù hợp và cùng nhất trí. Trong khi chờ một văn kiện cuối cùng, ông dự đoán rằng sẽ tiếp tục có những sự cố nghiêm trọng xảy ra ở vùng biển tranh chấp, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục các hoạt động hiện tại của họ ở khu vực nguỵ trang dưới cái gọi là “sẵn sàng phòng thủ” mơ hồ và khó hiểu. Và dù đã có những tiến triển mới trong quá trình đàm phán COC cũng không loại trừ khả năng sẽ xảy ra những sự cố hàng hải hoặc hàng không trong tương lai do bất kỳ tính toán sai lầm nào trong một động thái phòng thủ như vậy sẽ có khả năng dẫn đến các hành động leo thang gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cho tới khi có một văn bản COC cuối cùng, tác giả bài viết cho rằng các nước cần tiếp tục với các biện pháp xây dựng lòng tin hiện tại – ví dụ như cuộc diễn tập chung trên biển giữa ASEAN và Trung Quốc được tổ chức trong tuần này tại Singapore và cuộc huấn luyện thực địa dự kiến ​​sẽ diễn ra vào cuối năm nay, trên cơ sở Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES).

Bắc Kinh tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự trên Biển Đông sau khi Mỹ tuyên bố hỗ trợ 300 triệu đô-la Mỹ để khẳng định cam kết với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, ngày 4/8, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên ASEAN được tổ chức tại Singapore về việc cam kết sẽ hỗ trợ 300 triệu đô-la Mỹ để tăng cường an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, mặt khác cáo buộc Mỹ là “bên có động thái quân sự hoá lớn nhất trong khu vực”. Ông Vương Nghị cũng cho rằng “sự can dự, tìm cách chỉ tay năm ngón và làm phức tạp thêm tình hình của các quốc gia đơn lẻ ngoài khu vực thật sự là một điều đáng tiếc”, khẳng định điều này gây ra áp lực cho Trung Quốc, khiến nước này “phải tăng cường thêm nỗ lực để mở rộng phòng thủ”. Bên cạnh đó, ông này cho rằng cam kết tài trợ của Mỹ là “quá thấp” song vẫn hoan nghênh “động thái của Mỹ bởi nó chia sẻ cùng một mục tiêu chung là hỗ trợ an ninh khu vực”.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng khoản đầu tư của Mỹ là một phần nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, song một số nhà phân tích khu vực của Trung Quốc lại mỉa mai rằng “số tiền này quá nhỏ để có tác động thực sự”. Liên quan đến những tuyên bố này, ông Richard Heydarian, một nhà phân tích chính trị ở Philippines bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cạnh tranh lành mạnh trong xây dựng ảnh hưởng và các sáng kiến xây dựng năng lực của cả hai nước song ông cũng cho rằng rằng khoản hỗ trợ của Mỹ có hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu đây có phải là một sự tăng cường đổi mới các sáng kiến ​​hiện tại, bao gồm Sáng kiến ​​An ninh Hàng hải hay đơn giản là lại “bình mới rượu cũ”.

Cách thức quân đội Pháp sử dụng “thông điệp chính trị” để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 5/8, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng bài viết “Cách thức quân đội Pháp sử dụng “thông điệp chính trị” để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông” của TS. Mathieu Duchâtel, Phó Giám đốc Chương trình Châu Á và Trung Quốc, Hội đồng Đối ngoại Châu Âu.

Trong bài viết TS. Duchâtel cho hay kể từ 27/7, Không quân Pháp đã đưa ba máy bay chiến đấu Rafale B, một chiếc vận tải quân đội A400M và một tàu chở dầu tiếp nhiên liệu C135 tới vùng lãnh thổ phía Bắc của Úc để tham gia vào một cuộc diễn tập quân sự đa phương thường niên. Sau đó, vào tháng 8 tới, Pháp cũng sẽ triển khai Nhóm đặc nhiệm Pegase do Không quân Pháp phụ trách tới Indonesia, Malaysia và Ấn Độ nhằm “làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước đối tác chính của Pháp”, “duy trì hoạt động để đảm bảo lực lượng không quân có thể được triển khai ở bất cứ khu vực nào trên thế giới và thể hiện năng lực triển khai quân sự và ngành công nghiệp hàng không của Pháp”. Đội tàu này sẽ di chuyển qua vùng phía Nam Biển Đông, góp phần tạo nên cơ hội mới để Pháp khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không của mình theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Tác giả bài viết cho rằng quyết định của Pháp về việc thường xuyên triển khai quân sự ở Biển Đông sẽ phải được thực hiện theo đúng nhiệm vụ của nó, tức là triển khai các cuộc diễn tập nhằm “phát đi thông điệp”, đảm bảo thông điệp phải được người nhận hiểu chính xác và tác động đến hành vi của họ. Về điều này, ông cho hay có 4 thông điệp được đưa ra: (i) Hướng vào Trung Quốc: Pháp cần cho nước này thấy rằng quân đội Pháp sẽ hoạt động trong phạm vi được luật pháp quốc tế cho phép mà Trung Quốc sẽ không được phép can thiệp; (ii) Hướng vào cộng đồng quốc tế và những lo ngại của Pháp về một trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn còn mập mờ về những yêu sách của mình đối với các vùng biển ở Biển Đông, nhất là quần đảo Trường Sa; (iii) Hướng vào các nước đối tác lớn của Pháp ở Châu Âu, đặc biệt là Anh và EU nhằm thúc đẩy quan hệ với các nước này, qua đó hỗ trợ cho một chính sách đối ngoại và an ninh chung với EU nhằm nghiêm túc nhìn nhận vấn đề sức mạnh quân sự và thúc đẩy hoạt động trên phạm vi toàn cầu, thay vì chỉ gói gọn trong phạm vi Châu Âu và (iv) trở thành một minh chứng dễ thấy cho thuật ngữ ” khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, một thuật ngữ góp phần thúc đẩy tính hợp pháp trong việc tăng cường ảnh hưởng về an ninh trên toàn cầu của Pháp và nhấn mạnh trật tự dựa trên luật lệ và các tiêu chuẩn quốc tế. Ông Duchâtel cũng lưu ý rằng Pháp cũng sẽ phải có những tính toán quan trọng, xét tới mối quan hệ song phương với Trung Quốc song ông cho rằng động thái của Pháp chỉ có ảnh hưởng không đáng kể tới quan hệ giữa hai nước. Hai bên cũng đã xử lý vấn đề một cách thận trọng nhằm tránh việc để xảy ra những bất đồng lớn về vấn đề Biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương.

Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cần phải được ngăn chặn

Ngày 6/8, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cần phải được ngăn chặn” của GS. Shigeki Sakamoto, Đại học Doshisha, Nhật Bản. Ông Sakamoto cho rằng 2 năm sau Phán quyết vụ kiện Trọng tài Biển Đông bác bỏ yêu sách phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở khu vực, nước này đã có nhiều nỗ lực về chính trị, quân sự và pháp lý để giảm thiểu những tác động của Phán quyết tới mình, đặc biệt là tăng cường củng cố sự hiện diện quân sự của mình tại Biển Đông, đều đặn triển khai các hệ thống quân sự trên các tiền đồn trong khi vẫn tuyên bố rằng việc xây dựng đảo nhân tạo của họ là “vì mục đích hoà bình”. Nhằm bác bỏ Phán quyết, Trung Quốc cũng đã tích cực gây chia rẽ ASEAN, thuyết phục một số nước không ủng hộ Phán quyết trên các diễn đàn đa phương. Thậm chí, chính Tổng thống Philippines trong một bài phát biểu về chính sách quốc gia ngày 25/7/2016 cũng đã nói rằng “Philippines khẳng định và tuân thủ Phán quyết của Toà Trọng tài một cách mẽ” song cũng phải thừa nhận rằng tình hình đang đi theo chiều hướng tiêu cực. Mặc dù vậy, tác giả cho rằng, Philippines, nguyên đơn trong vụ kiện cùng với bị đơn Trung Quốc đều phải có nghĩa vụ thực hiện Phán quyết với tư cách là đương sự. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi Trung Quốc, một thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 cần công nhận giá trị ràng buộc của Phán quyết theo điều 296 của Công ước này. Đồng thời, cộng đồng quốc tế cũng không nên ngồi yên trước việc Trung Quốc cứ tiếp tục bất tuân Phán quyết, thay vào đó cần tiếp tục nỗ lực duy trì Biển Đông là một vùng biển hoà bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới