Friday, January 24, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ “hợp tung liên hoành” giành lại thế công trên Biển Đông...

Mỹ “hợp tung liên hoành” giành lại thế công trên Biển Đông trước TQ

Với sự kiện các nước đồng loạt tham gia tuần tra về tự do hàng hải và những tuyên bố cứng rắn của nhiều nước với Trung Quốc, Mark J. Valencia một nhà nghiên cứu về Biển Đông cho rằng: sau những bước thoái lui, hiện tại Mỹ đang có tiến triển trong cuộc chiến ngoại giao với Trung Quốc, theo The Diplomat.

Tàu chiến của Mỹ và Pháp cùng thực hiện tuần tra FONOP.

Nhiều nhà hoạch định chính sách và giới phân tích đồng tình rằng đang dấy lên một cuộc cạnh tranh quyền lực mềm và cứng rắn giữa Trung Quốc và Mỹ về sự thống trị tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á.

Trung Quốc đã có những hành động xâm nhập đáng chú ý vào một khu vực từ lâu là sự thống trị bằng quyền lực mềm của Mỹ. Nhưng Washington đang có những bước tiến triển để lấy lại những gì đã mất.

Quyền lực mềm là khả năng sử dụng ảnh hưởng kinh tế hay văn hóa để định hình sự ưu tiên của những nước khác đối với mình. Quyền lực cứng là dùng cách tiếp cận mang tính cưỡng ép với những quan hệ quốc tế.

Tất nhiên, quyền lực cứng bao giờ cũng tạo ra nhiều vấn đề hơn ở điểm cuối nhưng hai kiểu quyền lực này chồng lấn và hợp nhất với nhau theo một kiểu cách và hiệu ứng để trở thành “thuật ngoại giao”.

Đảo ngược lại câu châm ngôn của nhà lý thuyết quân sự nổi tiếng Clausewitz, Thủ tướng đầu tiên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai từng đúc kết: “Tất cả mọi hoạt động ngoại giao là sự tiếp tục chiến tranh bằng biện pháp khác”.

Với hoàn cảnh đặc biệt tại Biển Đông và Đông Nam Á, quyền lực mềm có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh mà không cần tới biện pháp áp chế của quyền lực cứng, Mỹ rõ ràng là một siêu cường quân sự cả về mặt tổng thể và đặc biệt là tại Biển Đông, mặc dù Trung Quốc đang làm xói mòn lợi thế của Mỹ tạo đây.

Nhưng Trung Quốc có vẻ như đang chiếm được lợi thế của quyền lực mềm bởi vị trí địa lý là một phần không thể tách rời của châu Á và sự hào phóng trong lĩnh vực kinh tế.

Mỹ rất kiên định và cố gắng trong việc chứng tỏ với các đồng minh, bạn bè và những nước khác việc Trung Quốc muốn bá quyền trên Biển Đông và để làm vậy Bắc Kinh đã “quân sự hóa” những vùng chiếm đóng trái phép, áp bức những bên đòi hỏi chủ quyền, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm cũng như cố để xét lại trật tự và pháp luật quốc tế và đang gây ra bất ổn, Diplomat nêu rõ.

Trung Quốc sử dụng lý lẽ riêng của mình. Bắc Kinh phản công rằng mình chỉ thực thi quyền để bảo vệ lãnh thổ (một cách phi pháp, bất chấp dư luận quốc tế) cũng như các bên yêu sách chủ quyền đang làm.

Và Trung Quốc không đe dọa và sẽ không đe dọa tự do thương mại hàng hải, đồng thời muốn đàm phán những tranh chấp song phương như đã đồng ý với tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc năm 2002 về việc thực thi ứng xử của các bên trên Biển Đông cũng như muốn đồng ý với các điều khoản tạm thời về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trên các vùng đang tranh chấp (theo kêu gọi trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS).

Trung Quốc tuyên bố rằng chính Mỹ là kẻ ngoài cuộc và không tham gia UNCLOS, là nguyên nhân gây ra bất ổn với sự hiện diện quân sự gây hấn, thăm dò tình báo và các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải FONOP. Bắc Kinh tố cáo rằng bởi vì Washington muốn tiếp tục bá quyền của mình trong khu vực bao gồm cả Biển Đông.

Chiến dịch quyền lực mềm của Trung Quốc đã tạo nên bước tiến triển khiến một vài nước Đông Nam Á theo phe của mình.

Bắc Kinh đã có những bước xâm nhập bất ngờ với các đồng minh của Mỹ như Thái Lan và Philippines, đồng thời khiến cho các nước khác như Brunei, Malaysia và ngay cả đối tác chiến lược của Mỹ là Singapore phải thoái thác và tránh mua dây buộc mình. Một số nước khác trong ASEAN cũng có khuynh hướng theo con đường đó.

Hiện tại các nước “bên ngoài” đang bắt đầu công khai hỗ trợ Mỹ – ít nhất là trong việc thực hiện “tự do hàng hải”. Trước đây, đồng minh của Mỹ là Úc, Pháp, Nhật Bản, New Zealand và Anh quốc đều do dự ngay cả dưới áp lực đáng kể của Mỹ để tham gia tuần tra vì tự do hàng hải FONOP tại Biển Đông hay ít nhất là không muốn đảm trách thực hiện một vài cuộc tuần tra.

Nhưng tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á – hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, Pháp và Anh đã tuyên bố họ sẽ nhanh chóng tự thực hiện những cuộc tuần tra vì tự do hàng hải tại Biển Đông.

Những cuộc tuần tra đã được thực hiện nhưng hiện vẫn chưa rõ tại sao họ lại tích cực với hoạt động FONOP của Mỹ bằng cách thách thức đòi hỏi của Trung Quốc là phải xin phép nếu xâm phạm khu vực 12 hải lý ở những nơi Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Nếu xét theo yếu tố Trung Quốc lặng thinh, không phản ứng lại, có thể Anh và Pháp không cần phải làm vậy.

Chưa hết, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson nói rằng Anh quốc có ý định gửi đi “những tín hiệu mạnh mẽ” về sự quan trọng của tự do hàng hải.

Ông đã có tuyên bố này trên tàu khu trục của Anh neo tại cảng Singapore một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cáo buộc Trung Quốc “hăm dọa và áp bức” – sau đó là có thể vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc.

Úc trở nên trực tính hơn trong việc hỗ trợ vị thế của Mỹ về vấn đề tự do hàng hải. Vào tháng 4, sau khi 3 tàu chiến của Úc bị truy vấn bởi các tàu chiến Trung Quốc tại Biển Đông, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã nhấn mạnh Hải quân Úc có quyền hoạt động tại đây. Những những chi tiết về vụ việc vẫn chưa rõ ràng về cách mà tàu Úc thách thức yêu sách của Trung Quốc.

Ngay cả New Zealand, một đồng minh khác của Mỹ cũng công khai và thẳng thừng tuyên bố rằng nước này tin Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa trên Biển Đông với cộng đồng quốc tế.

Điều này rất quan trọng bởi trước đó các lãnh đạo New Zealand rất thận trọng không chỉ rõ Trung Quốc là một mối đe dọa khi đề cấp tới các tranh chấp trên Biển Đông. Có thể đoán trước Trung Quốc sẽ tỏ ra giận dữ với tuyên bố như vậy.

Viễn cảnh mà thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra về một “Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở” liên kết Nhật, Úc, Ấn Độ và Mỹ với nỗ lực để duy trì pháp luật đặc biệt là tự do hàng hải. Biến những lời nói thành hành động, Tokyo tuyên bố sẽ sớm đưa tàu sân bay trực thăng lớn tới Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Các bên tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông sẽ ứng xử thế nào?

Malaysia dưới thời cựu thủ tướng Najib Razak đã tương đối im lặng về vấn đề Biển Đông và thậm chí chịu đựng những hành vi của Trung Quốc tại đây. Nhưng người kế nhiệm ông, Mahathir Mohamad ít có khuynh hướng ngả theo Trung Quốc mà sẽ mở cửa với Mỹ.

Tại Philippines, Trung Quốc có vẻ thắng lớn khi chính phủ của ông Duterte quyết định đặt sang một bên phán quyết chống lại Trung Quốc của Tòa trọng tài quốc tế The Hague để thay đổi chính sách ngoại giao của đất nước thành một vị trí trung lập hơn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Nhưng chính phủ Philippines đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội của người dân trong nước chống lại các chính sách “mềm yếu” với Trung Quốc và đặc biệt là sự quay lưng với Mỹ.

Một quan chức quân sự cấp cao giấu tên của Philippines nói về cuộc tập trận hải quân đầu tiên giữa Trung Quốc và ASEAN sắp diễn ra trên Biển Đông năm nay: “Những cuộc tập trận là một phần của những quan hệ tin cậy được xây dựng.

Nhưng với tông giọng của các nước đang nói hiện nay, tôi nghĩ không phải là một ý tưởng tốt [để thực hiện cuộc tập trận]”. Điều này có thể giúp ích cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trên Biển Đông.

Khía cạnh chính trị của cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC do Mỹ tổ chức cũng thúc đẩy vị thế của Mỹ. Với việc công khai loại Trung Quốc khỏi RIMPAC và sự tiếp tục tham gia của 6 nước ASEAN trong cuộc tập trận hải quân đa phương lớn nhất thế giới, Mỹ có thể tuyên bố sự góp mặt của 6 nước là “sự ủng hộ không trực tiếp” với vị thế của Mỹ.

Mặc dù, Trung Quốc vẫn đang là bên có nhiều lợi thế trên Biển Đông, Mỹ đang tạo nên những bước tiến triển để xây dựng lại quyền lực mềm của họ, Diplomat kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới