Friday, January 24, 2025
Trang chủĐiểm tinSố phận những con nợ còi cọc của TQ: Càng giãy càng...

Số phận những con nợ còi cọc của TQ: Càng giãy càng lún sâu vào bẫy

Nhiều quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương đang phải đối mặt với áp lực tài chính rất lớn từ phía Trung Quốc khi kì hạn trả vốn gốc đang cận kề.

Ảnh: CNN.

Mạng lưới “con nợ” của Trung Quốc tại Thái Bình Dương

Hơn một thập kỷ trước, các cuộc biểu tình tại thủ đô Nuku’alofa của Tonga đã phá hủy hầu hết nền kinh tế trung ương và cơ quan đầu não của quốc gia nhỏ bé tại Thái Bình Dương này.

Giữa đống đổ nát và tàn dư của các phong trào biểu tình, chính quyền Tonga đã đề ra một kế hoạch tái xây dựng thành phố, bao gồm xây dựng một bến tàu mới và khôi phục lại cung điện hoàng gia – tất cả các dự án này đều sử dụng nguồn ‘tài trợ’ của người chủ nợ mới – Trung Quốc.

Khoản nợ 65 triệu USD ban đầu giờ đây đã tăng lên gần gấp đôi vì lãi suất và vì chính phủ Tonga quyết định vay mượn một khoản lớn nữa để xây dựng hệ thống đường xá. Hiện nay Tonga đang nợ Trung Quốc tổng cộng 115 triệu USD – tương đương với gần 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này.

Lộ trình chi trả tiền lãi theo kì hạn sắp bắt đầu vào tháng 9 tới đang khiến các quan chức Tonga hết sức lo ngại, bởi khoản nợ đang đối mặt với nguy cơ tăng lên gấp đôi.

Tình trạng bấp bênh hiện nay của Tonga là một ví dụ điển hình cho việc các nền kinh tế trong khu vực Thái Bình Dương đang phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp đến từ các khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc.

Những khoản nợ này có thể khiến khu vực rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính trầm trọng, đồng thời cũng sẽ giúp Trung Quốc dễ bề gây áp lực ngoại giao hơn với các ‘con nợ’ của mình.

Một minh chứng rất cụ thể là Bắc Kinh đã có được đòn bẩy mạnh mẽ để tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi, và lôi kéo những đồng minh cũ của Đài Loan về phe mình.

Trước đây Đài Loan từng thiết lập mối quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia trong khu vực, tuy nhiên cho đến nay, hầu hết các đồng minh châu Phi đều đã dứt tình với đảo này vì những lợi ích kinh tế trước mắt mà Trung Quốc mang lại.

Theo Reuters, các dữ liệu phân tích sổ sách tài chính của 11 quốc đảo tại khu vực Nam Thái Bình Dương cho thấy các khoản vay từ Trung Quốc đã tăng vọt từ mức gần 0 lên đến hơn 1,3 tỉ USD trong 1 thập kỷ qua.

Các dữ liệu này cũng cho thấy hiện nay Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất trong khu vực, mặc dù nếu xét về quy mô các chương trình hỗ trợ thì Australia mới là nhà hỗ trợ tài chính lớn nhất tại Nam Thái Bình Dương.

Các khoản vay từ Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng số dư nợ nước ngoài của Tonga, gần 50% dư nợ của Vanuatu. Nếu quy các khoản nợ này ra đơn vị USD, thì Papua New Guinea hiện là con nợ lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực, với số dư nợ gần 590 triệu USD, tương đương khoảng 25% tổng số dư nợ nước ngoài của nước này.

Ông Michel Kerf, Giám đốc phụ trách khu vực Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), trả lời phóng viên Reuters: “Xét đến những nhược điểm như việc có rất ít nguồn thu từ bên ngoài của các nền kinh tế này, có thể thấy họ đang đối mặt với nguy cơ rất cao bị lâm vào khủng hoảng nợ”.

“Khoản nợ của họ sắp vượt quá cái được cho là giới hạn vay bền vững”, ông Kerf nhận định.

Kết cục định sẵn của ván bài chính trị

Trung Quốc đã bắt đầu cho các quốc gia tại Thái Bình Dương vay nợ kể từ năm 2006, khi nền kinh tế của nước này bắt đầu khởi sắc. Việc cho vay không chỉ giúp Bắc Kinh tăng cường các mối quan hệ với nước ngoài, mà còn đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia xây dựng nhiều dự án hạ tầng khắp Thái Bình Dương, như bến tàu tại thành phố Luganville của Vanuatu do Shanghai Construction Group thực hiện, hay mạng lưới cấp nước tại Quần đảo Cook của Rarotonga do công ty xây dựng nhà nước Civil Engineering Construction Co. thực hiện.

Tuy nhiên, trái với những nhận định của giới chuyên gia, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định không có bất kì chứng cứ nào cho thấy Trung Quốc là nguyên nhân gây ra các khoản nợ không bền vững trong khu vực Thái Bình Dương.

“Thể theo nguyện vọng của các quốc gia [hiện đang vay nợ Trung Quốc], chúng tôi đã hết sức hỗ trợ về mặt tài chính cho họ. Các quốc gia [Thái Bình Dương] đều hoan nghênh [sự giúp đỡ của Trung Quốc], bởi họ đã nhận được giúp đỡ khi cần thiết để phát triển xã hội và kinh tế”, bà Hoa Xuân Oánh trả lời phóng viên Reuters.

Bà này cũng cho biết mối quan hệ của Trung Quốc và Tonga “rất tốt”.

Các chuyên gia nhận định việc Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota vì khoản nợ quá lớn, và Colombo gần đây cũng đang phải chật vật xoay xở với khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng cho thấy ‘ông lớn’ của châu Á hoàn toàn nhận thức được quyền lực và giá trị chiến lược của các khoản vay khổng lồ của mình tại Thái Bình Dương.

Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Sri Lanka đã dấy lên nhiều lo ngại từ phía Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản rằng Bắc Kinh có thể sẽ biến cảng này thành một căn cứ quân sự tại Ấn Độ Dương. Chính phủ Sri Lanka và Đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo đều đã bác bỏ những lo ngại này.

Ông Sam Parker, một nhà nghiên cứu về chính sách ngoại giao và tài chính của Trung Quốc tại nước ngoài cho biết cảng Hambantota là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các quốc gia khác tại Thái Bình Dương.

“Có thể ban đầu Trung Quốc không hề cố tình lùa các quốc gia này vào bẫy nợ”, ông Parker nói. “Nhưng với những gì Bắc Kinh đã đạt được như hiện nay, chúng tôi cho rằng họ sẵn sàng tiếp tục triển khai kịch bản này. Họ đã bắt đầu trở nên hung hăng hơn rất nhiều trong vấn đề địa kinh tế”.

Quả thực, Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc đang dùng phương pháp kinh tế kiểu “săn mồi” nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược và lập lại trật tự mới tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để phục vụ lợi ích riêng.

Ngoài ra, chiến lược quốc phòng của New Zealand vừa được công bố tháng trước cũng đặc biệt nhấn mạnh tình trạng chia rẽ ngày càng gia tăng tại khu vực Thái Bình Dương sau khi Trung Quốc xuất hiện.

New Zealand cũng cáo buộc Trung Quốc đang muốn xây dựng một căn cứ quân sự tại Vanuatu sau khi cho nước này vay vốn xây dựng một bến tàu đủ lớn cho các tàu chiến cập cảng. Cả Trung Quốc và Vanuatu đều bác bỏ các cáo buộc trên.

Tuy vậy, đứng trước một Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn cho rằng các quốc gia Nam Thái Bình Dương sẽ chọn Mỹ làm đồng minh thay vì Trung Quốc.

“Tôi tin rằng các quốc gia Nam Thái Bình Dương, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đều hiểu tầm quan trọng của việc trở thành đồng minh với Mỹ – quốc gia luôn ủng hộ các giá trị dân chủ trong vòng nhiều thập kỷ qua”, ông Pompeo phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop.

Vấn đề Đài Loan

Nếu xét về quy mô toàn cầu, thì các khoản nợ tại khu vực này khá nhỏ, hơn nữa các quốc đảo Thái Bình Dương cũng không hẳn có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược. Tuy nhiên khu vực này vẫn thu hút sự quan tâm của Trung Quốc.

Washington và các đồng minh luôn nỗ lực răn đe và ngăn chặn Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự tại khu vực từng có ý nghĩa then chốt trong các trận chiến Thái Bình Dương trong Thế chiến II.

Mỗi quốc gia Thái Bình Dương đại diện cho một phiếu bầu trong các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, và các quốc gia này cũng kiểm soát một vùng biển giàu tài nguyên lớn trên thế giới.

Hơn nữa, 1/3 các quốc gia trên thế giới có mối quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nằm trong khu vực Nam Thái Bình Dương. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Đài Bắc và Đại Lục đang có nhiều xung đột căng thẳng như hiện nay, thì ảnh hưởng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương là một lợi thế.

Cả Đài Loan và Trung Quốc đều dùng những “món quà” như các gói hỗ trợ và các khoản vay để “giữ chân” những đồng minh của mình.

Tuy vậy, vào tháng 2 vừa qua, Văn phòng Ngoại giao Đài Loan cho biết Trung Quốc đã ép Papua New Guinea đổi tên văn phòng đại diện của Đài Bắc tại nước này và bỏ các biển số xe ngoại giao khỏi các phương tiện của các quan chức đại diện của Đài Loan.

“Những động thái gần đây cho thấy Trung Quốc và Đài Loan lại tiếp tục cạnh tranh căng thẳng tại các quốc đảo Thái Bình Dương”, một báo cáo hồi tháng 6 vừa qua của Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung cho biết.

Các điều kiện và điều khoản

Những ý kiến chỉ trích xung quanh các khoản vay của Trung Quốc tại Thái Bình Dương hầu hết đều tập trung vào các dự án và các điều khoản kèm theo khoản vay.

Quần đảo Cook đã vay vốn của Trung Quốc để xây dựng một số công trình công cộng như tòa án, sở cảnh sát, và sân vận động. Thế nhưng theo ông Mark Short, cựu Bộ trưởng Tư pháp của Quần đảo Cook, các cơ sở này đều không đạt chuẩn chất lượng, và đã bắt đầu xuống cấp.

Ông Short cho biết sân vận động do các nhân công nước ngoài xây dựng đã bị rỉ sét và xuống cấp nghiêm trọng sau khi được đưa vào sử dụng chưa đến 10 năm. Đối với tòa án, giới chức địa phương đã phải chỉ đạo dựng một buồng giam tạm thời ở bên ngoài bởi các buồng giam phía dưới mặt đất quá ngột ngạt và chỉ đủ dưỡng khí cho khoảng 2 giờ.

Phó Thủ tướng Mark Brown của Quần đảo Cook thừa nhận đã có một số vấn đề trong việc lựa chọn các nguyên vật liệu và tay nghề của công nhân trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng này.

“Phía Trung Quốc đã nhận trách nhiệm về những thiếu sót và đề nghị sẽ tiến hành tu sửa lại cả 3 công trình. Họ đã đề nghị trợ giúp vào đúng thời điểm chúng tôi cần xây dựng các công trình hạ tầng, và chúng tôi đã nắm lấy cơ hội đó”.

Hầu hết sự hỗ trợ về tài chính của Trung Quốc đều theo hình thức “cho vay ưu đãi”, trong khi các quốc gia khác như Australia, New Zealand hay Mỹ lại hỗ trợ theo hình thức “trao quà”, và việc vay vốn thường do các tổ chức đa phương như WB hay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đảm nhiệm.

Gần đây, Australia và New Zealand đều tăng cường rót vốn đầu tư vào khu vực này. Tuy nhiên, theo ông William Longwah, cựu đặc sứ tại Sydney của Vanuatu, việc giao dịch với Trung Quốc có vẻ dễ dàng nhiều hơn so với Australia.

“Australia thường mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục hành chính và chuyển giao các khoản hỗ trợ tài chính”, ông Longwah nói.

Hiện nay chính phủ các quốc đảo Thái Bình Dương đang đối mặt với áp lực nợ chất chồng.

Trong khi đó, không hề có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ xóa nợ cho các nước này. Năm 2013, Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu này của Tonga và chỉ cho phép hoãn việc trả vốn gốc trong vòng 5 năm.

Theo kế hoạch, Tonga sẽ phải trả lại 5,7 triệu USD vốn gốc cho Trung Quốc trong năm 2018-2019, gần gấp đôi khoản tiền nước này phải trả nợ hàng năm, và chiếm khoảng 4% tổng ngân sách 135 triệu USD của Tonga.

Những khó khăn về tài chính đã khiến chính phủ Tonga phải xin rút khỏi vai trò nước chủ nhà tổ chức Thế vận hội Thái Bình Dương 2019. Tất nhiên Tonga đã phải chịu trách nhiệm pháp lý và hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ ban tổ chức sự kiện thể thao này.

Ông Lopeti Senituli, cố vấn chính trị và truyền thông của Thủ Tướng Tonga ‘Akilisi Pōhiva cho biết nước này vẫn đang tiến hành đàm phán với Bắc Kinh về vấn đề xóa nợ, nhưng đồng thời vẫn chuẩn bị tinh thần trả nợ: “Tất nhiên [các khoản nợ này] sẽ khiến nước nào cũng phải đối mặt với khủng hoảng tài chính lớn. Chúng tôi chỉ có thể nỗ lực hết sức mà thôi”.

Ông Senituli cũng thừa nhận nhiều quốc đảo Thái Bình Dương đang phải đối mặt với áp lực tài chính rất lớn từ phía Bắc Kinh, nhưng đây không chỉ là vấn đề riêng của khu vực này, mà là vấn đề chung của bất cứ nước nào có mối quan hệ về kinh tế với Bắc Kinh.

Trung Quốc đang gây áp lực “rất lớn” trên toàn cầu, bất kể đó là nền kinh tế lớn hay nhỏ, bất kể thể chế chính trị đó có vị thế ra sao trên thế giới, ông Senituli kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới