Friday, January 3, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 10/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 10/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 10/08/2018.

Quan chức Ngoại giao Trung Quốc: việc đặt ra thời hạn cho Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là không thực tế

Ngày 9/8, trang Channel News Asia đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí China Newsweek, ông Yi Xianliang, Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn sẽ tiếp tục và cho rằng sẽ là “không tưởng” nếu đặt ra một thời hạn nhất định cho COC. Ông giải thích, đó là vì “có nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm và cũng có nhiều quan điểm khác nhau” nên “nếu những vấn đề này được giải quyết và cuối cùng COC được ký kết, tất cả các bên vẫn cần tiếp tục tìm kiếm mẫu số chung lớn nhất”. Ông cho rằng “có những quan ngại từ bên ngoài đang cố gắng để thiết lập một thời hạn cho các cuộc đàm phán về COC nhưng tôi nghĩ rằng điều này là không thực tế”, “bất kỳ cuộc đàm phán đa phương nào cũng đều tốn thời gian, đặc biệt là vấn đề phức tạp như Biển Đông”, “thay vì đặt ra một thời hạn không thực tế và áp đặt, tốt hơn là nên tiến hành một cách kỹ càng”. Mặt khác, ông Yi cũng chỉ trích một số quốc gia ngoài khu vực đã kêu gọi COC phải mang tính ràng buộc về mặt pháp lý song ông cho rằng “vấn đề này khá phức tạp vì nó bao gồm các thủ tục pháp lý trong nước của các nước liên quan”.

Khung hợp tác phát triển nguồn tài nguyên ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc có thể được hoàn thiện trước chuyến thăm Manila của Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm nay

Rappler đưa tin, ngày 9/8, tại một cuộc họp báo của Phủ Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, Phát ngôn viên của Tổng thống cho hay khung hợp tác phát triển nguồn tài nguyên ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc có thể được hoàn thiện trước chuyến thăm Manila của Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm nay. Ông Roque cho biết thêm, Manila và Bắc Kinh trước đó đã tổ chức các cuộc đàm phán về một “thỏa thuận song phương cho phép thăm dò chung” ở Biển Đông. Rappler nhận định, một khuôn khổ song phương sẽ tạo cơ hội để các thực thể tư nhân của Philippines và Trung Quốc tham gia vào các hợp đồng phát triển chung tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khí đốt trên biển.

Các quan chức Trung Quốc tưởng nhớ nhà ngoại giao Li Shengjiao, chuyên gia hàng đầu về luật biển quốc tế và phân định biển

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 9/8 cho biết các quan chức Trung Quốc đã tưởng nhớ nhà ngoại giao Li Shengjiao, chuyên gia hàng đầu về luật biển quốc tế và phân định biển của Trung Quốc đồng thời là cố vấn viên cho Phái đoàn Trung Quốc tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (1973 – 1982). Theo nguồn tin, ngày nay dù đã tham gia vào các cuộc đàm phán về tất cả các văn kiện pháp lý quốc tế song vai trò của Trung Quốc không được nổi bật như thời của ông Li, nhất là khi ông đề xuất với cựu Thủ tướng Chu Ân Lai rằng Trung Quốc nên phân biệt lãnh hải 12 hải lý và một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong khuôn khổ luật của Liên Hợp Quốc. Ông cũng là người có nhiều đóng góp vào việc xác nhận các ranh giới phân giới trên bản đồ của Trung Quốc và giải quyết các tranh chấp biên giới cả trên đất liền và biển với các nước láng giềng.

Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đang có vai trò ngày càng lớn trong các hoạt của Trung Quốc tại một số khu vực tranh chấp trên trên Biển Đông

Reuters ngày 9/8 cho hay, theo một nghiên cứu mới đây của học giả Xue Gong do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Yusof Ishak, Singapore công bố, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đang có vai trò ngày càng lớn trong các hoạt động xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch cũng như khai thác dầu khí của Trung Quốc tại một số khu vực tranh chấp trên trên Biển Đông và qua đó củng cố lập trường của họ ở khu vực trong những năm tới. Tác giả nghiên cứu cho hay các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang góp phần phục vụ lợi ích quốc gia đồng thời cũng tìm kiếm những cơ hội mới cho mình. Ông cũng tiết lộ, việc xây dựng các cấu trúc ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo là một nỗ lực tốn đến hàng tỷ đô-la Mỹ của Chính phủ Trung Quốc, chỉ riêng việc xây dựng ở Đá Chữ Thập đã mất đến khoảng 11 tỷ USD. Nghiên cứu đặc biệt chú ý tới hoạt động của Tập đoàn Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) và các công ty con. CCCC đã tận dụng chính sách và chủ trương của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2012 để tăng cường năng lực hàng hải của mình trên Biển Đông, thông qua việc phát triển một số những máy nạo vét “lớn nhất thế giới”. Mới đây, CCCC đã thành lập một số chi nhánh ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để tăng cường mở rộng các hoạt động du lịch, hậu cần, đánh bắt thủy hải sản cũng như các hoạt động kinh doanh xây dựng đang triển khai hiện nay. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã đưa ra những phân tích cụ thể về cách thức Trung Quốc “kêu gọi vốn” cũng như về sự hiện diện lớn hơn của nước này ở Biển Đông. Ông Ian Storey, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại ISEAS cho rằng “Bắc Kinh đang khuyến khích các công ty trở thành những người chơi chính ở Biển Đông” và “đây là điều mà Trung Quốc có thể làm mà các bên tranh chấp khác không thể, đặc biệt là với một quy mô như thế”. Ông nhận định, “tranh chấp hoàn toàn chưa đi tới được gần hơn với giải pháp, cả giải pháp chính trị và pháp lý, vai trò gia tăng của các doanh nghiệp Trung Quốc đang phản ánh rõ điều đó”.

RELATED ARTICLES

Tin mới