Wednesday, January 8, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCuộc chiến thương mại Mỹ – Trung khiến cao su rớt giá

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung khiến cao su rớt giá

Giá cao su thế giới nói chung, giá cao su Việt Nam xuất sang Trung Quốc nói riêng, đã liên tục giảm khi giới đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang có thể làm giảm tăng trưởng tại Trung Quốc, theo đó gây áp lực xấu lên thị trường cao su.

Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 7 đến nay, giá cao su thế giới liên tục sụt giảm. Tại Sở giao dịch TOCOM ở Tokyo, Nhật Bản giá cao su ngày 30/7/2018 của hợp đồng giao tháng 10 giao dịch ở mức 165,5 Yên/kg, giảm 4,5% so với cuối tháng 6/2018.

Trong hơn một tháng qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đua nhau bán rất nhiều mặt hàng, trong đó có lốp cao su, đồng thời giảm nhập nguyên liệu mủ cao su. Tồn kho cao su tại kho ngoại quan Thanh Đảo, Trung Quốc tính đến ngày 15/7/2018 là 200 nghìn tấn, tăng 11,6 nghìn tấn so với 15 ngày trước đó.

Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm theo thị trường thế giới. Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 7/2018 ước đạt 140 nghìn tấn với trị giá 188 triệu USD, tăng 14,5% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với tháng 6/2018, nhưng giảm 7% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 705 nghìn tấn trị giá 1 tỷ USD, tăng 11,3% về lượng nhưng giảm 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cao su rớt giáGiá cao su các loại

Điều mà các chuyên gia lo ngại nhiều nhất lại không phải là giá giảm mà chính là tỷ lệ hơn 63% khối lượng cao su của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành thừa nhận rằng không thể loại bỏ thị trường Trung Quốc, nhưng để giảm những thiệt hại đáng tiếc thì phương thức bán cần phải hiện đại hơn, nghĩa là phải ký hợp đồng mua bán trước rồi mới tổ chức canh tác, giao hàng sau.

Ngoài ra, phải chuyển hướng mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường biên mậu với Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ và Đức đã tăng nhanh hơn, được giá cao hơn so với bán sang Trung Quốc. Dẫu vậy, việc xuất khẩu chính ngạch sẽ gặp khó khăn, bởi đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, uy tín nhà cung cấp… trong khi các yêu cầu này không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được.

Như vậy, “nút thắt” trong chiến lược phát triển thị trường của cao su Việt Nam nằm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để trên cơ sở đó có thể tìm kiếm đa dạng các bạn hàng. Để gỡ nút thắt này, các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc tăng sản lượng, tăng năng suất cao su thiên nhiên thì việc nâng cao chất lượng khai thác mủ cũng như đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu cần được các doanh nghiệp trong ngành hướng tới.

Đồng thời, ngành công nghiệp cao su cần được đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm sâu, như lốp ô tô, găng tay, chỉ sợi, nệm là các sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu và có sức cung cao ở thị trường thế giới. Và phải ở những sản phẩm này mới có thể “tấn công” vào thị trường Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới