Ông Joko Widodo có thể gặp khó khăn trong cuộc bầu cử Tổng thống năm tới vì dấu hiệu dựa dẫm vào sự ủng hộ của Trung Quốc.
Trung Quốc gia tăng liên tục vốn đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Indonesia, vượt qua Nhật Bản thành nhà đầu tư lớn thứ 2 vào đất nước vạn đảo.
Tổng thống đương nhiệm của Indonesia, Joko Widodo có thể sẽ phải hứng chịu làn sóng chỉ trích vì xu hướng này.
Bởi lẽ, đã có biểu hiện ông tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc và các công ty giàu có của nước này nhằm chạy đà cho chiến dịch bầu cử Tổng thống vào năm 2019 tới đây.
Làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Indonesia
Theo Bloomberg, hiện nay Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai vào Indonesia, chỉ sau Singapore.
Sau khi Tổng thống Widodo lên nắm quyền, hàng năm số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia đều tăng khoảng 92%.
Mặc dù vậy, các số liệu của Ủy ban Điều phối đầu tư và Ngân hàng Indonesia cho thấy không có sự nhất quán trong việc thống kê vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Indonesia.
Trong khi Ủy ban Điều phối đầu tư ghi nhận con số 3.4 tỷ USD, nhưng nếu tính cả Hồng Kông, thì con số sẽ là 5.5 tỷ USD vốn FDI của Trung Quốc vào Indonesia trong năm 2017.
Trong khi đó, báo cáo của Ngân hàng Indonesia cho biết số vốn FDI của Trung Quốc vào Indonesia chỉ có 2.8 tỷ USD, trong đó phần lớn vốn là từ Hồng Kông.
Viết trên Diễn đàn Đông Á, Phó Giáo sư Pierre Van Der Eng (Đại học quốc gia Australia) và Giáo sư Tao Keng (Đại học Bắc Kinh) nhấn mạnh:
Singapore chiếm một nửa trong tổng số 62.8 tỷ USD vốn FDI của Trung Quốc vào các nước thành viên của ASEAN, phần lớn số vốn này tiếp tục được đầu tư từ Singapore sang Indonesia.
Bởi vì Indonesia là quốc gia nhận được 51% vốn FDI của Singapore trong năm 2017.
Điều đáng nói là, hầu hết các ngân hàng lớn thuộc sở hữu Nhà nước của Trung Quốc đều có đại diện ở Singapore và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các tập đoàn kinh tế lớn của nước này.
Lý do được cho là hệ thống pháp lý và hệ thống tài chính của quốc đảo này đem lại sự an toàn cho các công ty Trung Quốc.
Ngày càng có nhiều các công ty của Trung Quốc tham gia vào xây dựng và quản lý các dự án tại Indonesia, trong đó có 49 công ty xây dựng Trung Quốc thiết lập công ty con để chi trả chi phí cho nhân công và các nhà thầu phụ.
Mức giá chào thầu cạnh tranh, nhận được vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp và hoàn trả vốn vay trong thời gian dài được cho là những lợi thế lớn giúp các công ty Trung Quốc trúng thầu các dự án tại Indonesia.
Tổng thống Indonesia, Widodo và Tổng Giám đốc Công ty đường sắt Trung Quốc, Sheng Guangzu dự Lễ khởi công tuyến tàu cao tốc Jakarta-Bandung tại tỉnh Tây Java, Indonesia (Nguồn: reuters.com) |
Phó Giáo sư Pierre Van Der Eng đã chỉ ra sự khác biệt giữa các khoản đầu tư của Trung Quốc với các đối tác truyền thống của Indonesia là Hoa Kỳ, Australia và Nhật Bản.
Cụ thể là, trong khi nguồn vốn đầu tư của các đối tác truyền thống Indonesia chỉ tập trung vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao năng lực cho công chức thì các khoản đầu tư của Trung Quốc lại tập trung vào xây dựng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Đây cũng chính là ưu tiên trong chính sách phát triển đô thị của Tổng thống Widodo.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một số hậu quả của vấn đề này.
Thứ nhất, trong giai đoạn 2010-2017, nợ nước ngoài của Indonesia đối với Trung Quốc đã tăng lên 06 lần trong khi đối với các nước khác chỉ tăng khoảng 1.3 lần.
Thứ hai, các nhà thầu chính cũng như nhà thầu phụ của Trung Quốc thường mua vật tư và trang thiết bị của các nhà cung cấp Trung Quốc hơn là của Indonesia.
Thứ ba, hầu hết các nhân công được thuê làm việc tại các dự án này đều là người Trung Quốc.
Theo số liệu của Cơ quan Xuất nhập cảnh Indonesia, tính đến năm 2017 có khoảng 31,000 lao động Trung Quốc được đăng ký giấy phép lao động tại Indonesia.
Mặc dù vậy, con số thực tế chắc chắn nhiều hơn.
Vì các nhà thầu phụ của Trung Quốc được cho là thuê rất nhiều lao động Trung Quốc chưa được cơ quan quản lý Indonesia cấp giấy phép.
Ngoài ra, các đối thủ của Tổng thống Widodo cũng đã chỉ trích mạnh mẽ việc thông qua sắc lệnh Tổng thống số 20/2018 về lao động nước ngoài.
Theo đó, sắc lệnh này được cho sẽ kích thích làn sóng lao động nước ngoài vào Indonesia.
Dường như Trung Quốc đã nhận thức được vấn đề này.
Nhân chuyến thăm chính thức Indonesia từ ngày 07-09/5/2018, để xua tan sự hoài nghi, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường đã phát đi thông điệp:
“Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các nhà đầu tư và các công ty Trung Quốc tuyển dụng nhân công Indonesia để làm việc và kinh doanh tại Indonesia”.
Một số quan chức chính phủ Indonesia đã lên tiếng quan ngại trước xu hướng gia tăng khó kiểm soát của các nhà đầu tư Trung Quốc và để trấn an dư luận.
Họ muốn chuyển hướng sang các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm tìm kiếm sự cân bằng, mặc dù mối trường kinh doanh và đầu tư ở Indonesia chưa thực sự có tính chất “chào đón”.
Ví dụ, các công ty của Nhật Bản được khuyến khích đầu tư khai thác 10 lô khí đốt ngoài khơi của Indonesia, nhưng chính sách thuế mới của Indonesia lại chưa được thông qua.
Điều đó khiến cho các công ty này chưa thể triển khai công việc của họ.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Pertamina thuộc sở hữu của chính phủ Indonesia vẫn tiếp tục được trao quyền ở tất cả các lĩnh vực sản xuất năng lượng tại Indonesia.
Yếu tố Trung Quốc trong bầu cử Indonesia
Vấn đề Trung Quốc được các đảng phái đối lập ở đất nước vạn đảo này lợi dụng triệt để trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống năm 2019 tới đây.
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Tổng thống Joko Widodo là Prabowo Subianto, trước công luận hay với tư cách cá nhân đều lên tiếng chỉ trích ông Joko Widodo.
Thời báo châu Á (Asia Times) cho biết theo một nguồn tin thân cận, vị tướng nghỉ hưu Prabowo Subianto đã bày tỏ “lo sợ Indonesia sẽ bị sập bẫy của Trung Quốc” và chỉ trích gay gắt Tổng thống Widodo “đang bán số phận của Indonesia cho Trung Quốc”.
Ngày 02/12/2017 đã có một cuộc diễu hành kỷ niệm việc lật đổ Thống đốc Jakarta gốc Hoa đầu tiên, Basuki Purnama hay còn được gọi là Ahok, do có những lời lẽ xúc phạm người Hồi giáo;
Công chúng Indonesia cũng đã lên tiếng lo lắng về mối đe dọa thống trị kinh tế của Trung Quốc tại đất nước vạn đảo này.
Đáng chú ý, ông Ahok được cho là một trong những chính trị gia có quan hệ thân thiết với Tổng thống Widodo.
Trước khi được bầu làm Tổng thống năm 2014, ông Joko Widodo từng giữ chức Thống đốc Jakarta và ông Ahok giữ chức Phó Thống đốc Jakarta.
Ông Purnama, hay còn gọi là Ahok, là người Indonesia gốc Hoa đầu tiên giữ chức Thống đốc Jakarta (Nguồn: Reuters) |
Điều đó cũng cho thấy các đối thủ của Tổng thống Joko Widodo đang chuẩn bị kế hoạch cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2019 tới đây.
Không những thế, thông qua việc lợi dụng sự phẫn uất của cộng đồng người Hồi giáo Indonesia đối với yếu tố Trung Quốc trong chính trường nước này, có thể các cuộc bầu cử cấp vùng cũng sẽ được bao trùm bởi một chương trình nghị sự mang đậm dấu ấn Hồi giáo.
Theo một thăm dò mới đây của Viện Khảo sát Indonesia, yếu tố tôn giáo đang ngăn cản những người không theo đạo Hồi giữ chức vụ cao hơn trong chính quyền Indonesia.
Rõ ràng, chiến lược dùng vốn FDI đầu tư vào Indonesia của Trung Quốc đang phát huy tác dụng về mặt ngoại giao của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là trong giải quyết vấn đề liên quan đến tranh chấp do Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông.
Không chỉ các đối thủ chính trị mà ngay cả các thành viên trong nội các chính phủ của Tổng thống Joko Widodo cũng yêu cầu ông cần phải có hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Nhưng ông Joko Widodo chỉ miễn cưỡng lên án Trung Quốc với ngôn ngữ có tính chất “hòa giải”.
Tháng 3/2016, sau vụ việc đánh bắt cá trái phép gần đảo Natuna thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Indonesia, Bộ trưởng Nghề cá và hàng hải nước này, Susi Pudjiastuti đã triệu Đại sứ Trung Quốc lên để phản đối.
Tháng 7/2017, Indonesia tuyên bố đổi tên vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natuna ở phía Nam Biển Đông, thành Biển Bắc Natuna.
Theo lập luận của Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải của Indonesia, Luhut Panjaitan thì đây là vấn đề nội bộ của Indonesia.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết nước này mong muốn giữ vai trò trung gian trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc thông qua đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cựu Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa cũng đã từng khẳng định Indonesia không có tranh chấp nào với Trung Quốc trên Biển Đông.
Sau chuyến thăm Indonesia của Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, ngày 09/5/2018, báo Bưu điện Jakarta (Jakarta Post) có bài viết của học giả Kornelius Purba nêu quan điểm:
Hiện nay, Indonesia cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Indonesia;
Lập luận của Kornelius Purba là, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vươn lên vị trí số 01 toàn cầu trong vòng chưa đầy 02 thập kỷ nữa, đồng thời sẽ sớm trở thành nước cung cấp ODA lớn nhất thế giới.
Bởi lẽ, cách điều hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dần phá vỡ vai trò dẫn dắt của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Vì vậy, Kornelius Purba cho rằng Indonesia cần chấp nhận thực tế mối quan hệ với Trung Quốc là dựa trên sự công bằng và có lợi cho cả hai nước.