Friday, November 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiDư luận quốc tế về chính sách quốc phòng và biển đảo...

Dư luận quốc tế về chính sách quốc phòng và biển đảo của Việt Nam

Trong những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, đặc biệt là chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Chính vì vậy, để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam đã có những bước điều chỉnh chiến lược liên quan chính sách quốc phòng và biển đảo. Giới chuyên gia, học giả quốc tế đã có nhiều nhìn nhận, đánh giá khách quan về vấn đề này, cho rằng hành động của Việt Nam là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Các chiến sỹ Hải quân đang canh gác đảo Trường Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc

Giới chuyên gia, học giả phương Tây cho rằng Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng và dần hình thành chiến lược chống tiếp cận trên biển nhằm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông; cho rằng chính sách này phù hợp với nguyên tắc không liên minh và phòng thủ tự vệ của Việt Nam: (1) Việt Nam đang điều chỉnh chiến lược chống tiếp cận trên biển theo kiểu truyền thống, tập trung vào việc đầu tư vào các hệ thống tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển, các hệ thống phòng không tích hợp, tàu ngầm, máy bay tuần tra để vảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền và đề phòng, ngăn chặn khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm Biển Đông. Về cơ bản, chiến lược chống tiếp cận trên biển của Việt Nam bao gồm việc ngăn chặn, không cho phép hải quân nước khác sử dụng vũ lực đi vào các khu vực hàng hải thuộc lợi ích quốc gia của Việt Nam. (2) Việc Việt Nam đầu tư, mua 6 tàu ngầm kilo 636 của Nga hoàn toàn phù hợp với chiến lược phòng thủ của Hà Nội. Nó vừa giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ và tuần tra trên biển, vừa có khả năng đáp trả các cuộc tấn công xâm lược trên biển. Tuy nhiên, với tiềm lực quân sự như hiện nay, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và ít có khả năng giành chiến thắng trước “đối thủ mạnh hơn gấp nhiều lần” nếu đối đầu trực diện. (3) Ngoài việc đầu tư, mua sắm và trang bị các loại hình vũ khí mang tính phòng thủ, Việt Nam cũng tích cực hợp tác, giao lưu hải quân với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Pháp, Ấn Độ… nhằm gia tăng lòng tin chính trị, minh bạch quân sự và phối hợp tác chiến khi bị khiêu khích, tấn công.

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng trong số những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam là “đối thủ đáng ngại” nhất của Trung Quốc và Hà Nội là nước sẵn sàng sử dụng tổng hợp các biện pháp để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có các hành động quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông, Việt Nam sẽ phải chọn lựa 3 chiến lược sau: (1) Tiếp tục thực hiện “chiến lược đi dây” hiện nay với Mỹ, Nga và Trung Quốc. Việc thực hiện chiến lược này sẽ giúp Việt Nam tránh được tối đa các xung đột về ngoại giao, kinh tế và quân sự, song lại dễ bị “tổn thất” do các hoạt động phi pháp và việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng gây ra. Ngoài ra, Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng cũng khiến Hà Nội rơi vào thế yếu về chính trị, kinh tế và ngoại giao, điều này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc gây sức ép, đòi hỏi, ép buộc Việt Nam cùng hợp tác khai thác trên Biển Đông. (2) Việt Nam thay đổi chính sách, trở thành đồng minh của Mỹ. Nếu lựa chọn theo cách này, Việt Nam sẽ loại bỏ được phần lớn ảnh hưởng của Trung Quốc và trở thành một đồng minh thân thiết của Mỹ, như Nhật Bản, Australia… Việc hợp tác, kết đồng minh với Mỹ sẽ giúp Việt Nam duy trì độc lập và chủ quyền trên biển, song đổi lại Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh tích cực trong vấn đề dân chủ, nhân quyền. (3) Việt Nam cần phát triển sức mạnh quân sự đến mức Trung Quốc không thể tấn công. Chiến lược này có thể bao gồm việc mua hoặc phát triển đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa trên các tàu ngầm kilo 636.

Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc có cái nhìn phiến diện hơn khi nhìn nhận về chính sách của Việt Nam trên Biển Đông. Theo họ, chính sách của Việt Nam có một số điểm chính sau: (1) Việt Nam thúc đẩy việc xây dựng đảo, đá; cho rằng Việt Nam đã “tăng cường xây dựng được khá nhiều công trình trên Đá Tây” thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính và kỹ thuật nên hầu hết các công trình xây dựng Việt Nam tiến hành trên các đảo, bãi đá đều dùng sức người khuân vác. Ngoài ra, Việt Nam cũng áp dụng chiến lược củng cố “nhân lực” tại các đảo đá. Trên 29 điểm đảo, đá ở Trường Sa, Việt Nam có 2 đội quân. Một đội quân chính quy, phân bố từ vài chục người đến cả trăm người trên các đảo, đá tùy quy mô lớn nhỏ của các cấu trúc địa lý. Đội quân thứ hai là những ngư dân, hộ gia đình đến từ đất liền. Đây là chiến thuật quân dân liền kề, quân đội mình ở đâu thì có người dân sinh sống ở đó và ngược lại. Nhiều tỉnh thành của Việt Nam đều “kết nghĩa” với 1 hoặc một vài đảo, đá để cung cấp trợ giúp cho quân dân trên đảo, từ chi phí sinh hoạt, điện thoại cho đến thăm hỏi…để duy trì tính ổn định của dân số trên đảo. (2) Việt Nam tăng cường bảo vệ các vùng biển tranh chấp: Những năm gần đây, Việt Nam căn cứ vào quyền quản lý hoặc khai thác vùng đặc quyền kinh tế và ngư trường truyền thống để đưa các tàu cá, tàu khảo sát, tàu du lịch và thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên ra phía trước, với các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư hộ tống phía sau, tiến ra khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. (3) Việt Nam tăng cường ý thức chủ quyền quốc gia cho người dân: Việt Nam thông qua hàng loạt động thái từ lập pháp đến thực thi chủ quyền nhằm tăng cường chủ quyền của họ với các đảo đá thuộc chủ quyền của họ. Những việc này được Việt Nam triển khai một cách vững chắc từng bước, kiên trì lâu dài. Đồng thời Việt Nam còn thông qua giáo dục, triển lãm, tuyên truyền…để tăng cường ý thức chủ quyền cho người dân. Thông qua hoạt động du lịch, quyên tặng, tổ chức đoàn thăm hỏi, phỏng vấn nghiên cứu ra các đảo, Việt Nam đã nâng cao sự tham dự của các giới trong xã hội vào vấn đề Biển Đông, duy trì mức độ quan tâm của dân chúng đến Biển Đông. (4) Việt Nam tạo dựng uy tín quốc tế: Các nhà lãnh đạo Việt Nam tận dụng mọi cơ hội và địa điểm thích hợp để kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải. Trên lĩnh vực khai thác dầu khí, Việt Nam đã đặc biệt mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài vào cùng khai thác. (5) Việt Nam biết vận dụng tối đa các cơ chế quốc tế: Quốc tế hóa là một chiến lược quan trọng của Việt Nam trong chiến lược Biển Đông. Việt Nam khéo léo đưa vấn đề Biển Đông ra trường quốc tế và dùng dư luận quốc tế để kiềm chế Trung Quốc. (6) Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa lực lượng bảo vệ Biển Đông. Những năm qua, ngân sách quốc phòng của Việt Nam tăng mạnh, từ 1,3 tỉ USD năm 2006 tăng lên 4,6 tỉ USD năm 2015, tăng trưởng 258%. Trong các quân binh chủng, Hải quân Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất. Từ 2011 đến 2015, tàu chiến nhập khẩu của hải quân Việt Nam chiếm 44% giá trị nhập khẩu quốc phòng của Việt Nam. Ước tính trong vài năm tới Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì quỹ đạo tăng trưởng này.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất hoà bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hoà bình. Việt Nam chủ trương từng bước hiện đại hoá quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế theo phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn mở rộng quan hệ quốc phòng song phương với tất cả các quốc gia

Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Việt Nam kiên quyết lên án và chống lại hành động khủng bố dưới mọi hình thức.

RELATED ARTICLES

Tin mới