Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ phản đối sự hiếu chiến của TQ ở Biển Đông, sẵn...

Mỹ phản đối sự hiếu chiến của TQ ở Biển Đông, sẵn sàng bênh vực nước nhỏ

Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận để Trung Quốc biến Biển Đông thành ao tù của họ.

VOA ngày 6/8 đưa tin, trả lời phỏng vấn độc quyền đài này, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc John Richardson cho biết, phản ứng của Mỹ với các hành động gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán phản đối.

Trong 70 năm qua, Mỹ duy trì sự hiện diện đều đặn ở Biển Đông, không tăng giảm quá nhiều.

Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông, cũng như việc Bắc Kinh bồi lấp hàng trăm héc ta đảo nhân tạo để củng cố yêu sách phi lý, phi pháp ấy.

Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức các tuyên bố của Trung Quốc, thúc đẩy tự do hàng hải qua vùng biển quốc tế nơi một nửa số lượng tàu thuyền quốc tế chạy qua, chuyên chở hàng ngàn tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

Hải quân Mỹ ủng hộ các quy tắc, chuẩn mực đã góp phần thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của các nền kinh tế châu Á. Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ khẳng định:

“Chúng tôi sẽ luôn ở đó. Và chúng tôi sẽ sẵn sàng bênh vực những nước nào bị hành lên hành xuống trong đấu tranh, khi cần.”

Trong một động thái khác có liên quan, South China Morning Post ngày 7/8 đưa tin, Trung Quốc và ASEAN vừa đạt được tiến bộ mới trong tiến trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Tuy nhiên, để đi đến bộ quy tắc cuối cùng còn một chặng đường dài. South China Morning Post dẫn lời Emanuele Scimia – một nhà báo độc lập và chuyên gia phân tích đối ngoại, cho rằng:

“Bước đột phá” này có thể là kết quả giao thoa giữa ngoại giao và kinh tế.

Bắc Kinh đang phải chống lại cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và tìm cách hấp thụ cú sốc xung đột với Washington;

Do đó giảm căng thẳng trên Biển Đông với các nước láng giềng có thể đẩy nhanh việc ký kết hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, giảm bớt nguy cơ bị Hoa Kỳ cô lập.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề xuất tiến hành tuần tra chung, tập trận chung và thăm dò khai thác chung trên Biển Đông với các nước ASEAN.

Việt Nam là nước duy nhất phản đối việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp, trên các cấu trúc địa lý trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và quân sự hóa chúng.

2 nước có thể mâu thuẫn về COC, bởi Việt Nam yêu cầu bộ quy tắc ứng xử này phải có tính ràng buộc về pháp lý theo luật pháp quốc tế, trong khi Trung Quốc luôn phản đối.

Tháng trước Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam cần chung tay duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông.

Cục diện địa chính trị ở Biển Đông hiện nay khá mong manh, bất chấp việc Trung Quốc đã thành công trong việc đe dọa các nước nhỏ, ví dụ như Philippines, nước thắng cuộc trong Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016.

Vừa qua, Philippines đã tổ chức tập trận chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc cũng yêu sách, với sự hiện diện của 1 tàu sân bay Mỹ.

Hải quân Philippines cũng tham gia cuộc tập trận đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương 2018 cho đến thứ Năm tuần trước, cùng với Indonesia, Malaysia và Singapore.

Các nước ASEAN đang phải tìm kiếm các biện pháp chống lại hành vi hung hăng, bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông bằng cách tập trung phát triển sức mạnh phòng thủ ven biển.

Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia đều đã mở rộng khả năng bảo vệ bờ biển cũng như các hoạt động nhằm đối phó với sự leo thang quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, có thể sớm có COC nếu các cuộc đàm phán trong tương lai không bị cản trở bởi “sự can thiệp từ bên ngoài”, nhưng kỳ vọng của ông ta sẽ không được đáp ứng.

Điểm mấu chốt là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận hiện trạng Trung Quốc duy trì các tiền đồn quân sự trên quần đảo (Bắc Kinh nảy vào) tranh chấp và biến Biển Đông thành cái ao tù của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới