Những ngày vừa qua đã xuất hiện một số thông tin trên báo chí quốc tế cho biết, Trung Quốc có thể sẽ cử một lực lượng tới hỗ trợ Quân đội Syria trong chiến dịch Idlib.
Truyền thông Syria hôm 1/8 cho biết, Đại sứ Trung Quốc tại nước này, ông Qi Qianjin phát biểu rằng Quân đội Trung Quốc sẵn sàng tham gia hoạt động quân sự của Quân đội chính phủ Syria (SAA) nhằm chống lại các nhóm ly khai tại địa bàn tỉnh Idlib.
Sự kiện trên ngay lập tức thu hút quan tâm sâu sắc của báo chí thế giới vì chiến trường Syria đang là nơi hội tụ của các cường quốc quân sự hàng đầu hiện nay, nếu xuất hiện thêm yếu tố Trung Quốc thì sẽ chẳng khác gì một thế chiến thu nhỏ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng như nhiều nhà phân tích còn bình luận về mục đích thực sự của Trung Quốc đằng sau hoạt động trên.
Đó liệu có phải là cách mà Bắc Kinh dùng để khẳng định vị thế đang lên của một cường quốc kinh tế lẫn quân sự, hay họ mong muốn ngăn chặn làn sóng ly khai khi các tay súng người Uygur có nguồn gốc từ cao nguyên Tân Cương sau khi chiến đấu tại Syria sẽ về nước và gây bất ổn, hay Trung Quốc muốn thông qua đó để tìm kiếm các hợp đồng tái thiết béo bở sau này…?
Tuy nhiên, trước làn sóng trên, Cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đây đã phát đi tuyên bố chính thức, trong đó phủ nhận việc Đại sứ quán nước này tại Syria thông báo rằng Quân đội Trung Quốc sẽ sát cánh cùng Quân đội chính phủ Syria trong chiến dịch Idlib.
“Trung Quốc chưa bao giờ gửi lực lượng quân sự cũng như tham gia bất cứ chiến dịch nào do Quân đội Syria lãnh đạo” và Bắc Kinh hỗ trợ vững chắc cho tiến trình dàn xếp chính trị một cách hòa bình đối với cuộc khủng hoảng Syria. Nhưng Trung Quốc ủng hộ Syria trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, thông cáo nêu rõ.
Liên quan tới thông tin được tờ Al-Watan của Syria đăng tải trước đó vào hôm 1/8, phía Trung Quốc nói rõ rằng truyền thông sở tại đã “hiểu sai” trích dẫn của Đại sứ Qi Qianjin dẫn tới sự kiện ồn ào trong những ngày qua.
Như vậy có thể thấy rằng Trung Quốc tuyên bố họ sẽ không gửi trực tiếp lực lượng tác chiến tới Syria để chiến đấu dưới sự lãnh đạo của quân đội nước sở tại nhưng lại để ngỏ việc hỗ trợ cho cuộc chiến chống khủng bố mà chính quyền Damascus tiến hành.
Vậy phải chăng Trung Quốc không tham chiến trực tiếp nhưng sẽ cung cấp cho SAA vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự để chống lại các nhóm phiến quân được họ hoặc cộng đồng quốc tế liệt vào danh sách “tổ chức khủng bố”?
Đây là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra, nhất là khi Bắc Kinh vẫn luôn dành sự đề phòng cao tới các chiến binh người Uygur gốc Tân Cương đang hiện diện với số lượng rất đông tại tỉnh Idlib.