Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiViệt Nam sở hữu một trọng địa trong chiến lược Ấn Độ...

Việt Nam sở hữu một trọng địa trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ

Đường nối các trọng điểm từ eo biển Bering đến Indonesia đi qua đúng Đà Nẵng, nói cách khác, Đà Nẵng là tâm điểm của trục này.

Ảnh minh họa: Wilson Center

Con đường nào cũng qua Đông Nam Á

Theo TS Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao, trong năm 2017, Mỹ đã đưa ra khái niệm mới: Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trước đây, Mỹ tập trung chủ yếu vào khu vực bờ Tây và bờ Đông Thái Bình Dương. Bây giờ họ mở rộng ra cả Ấn Độ Dương.

Bản chất của khái niệm này là duy trì trật tự khu vực có lợi cho Mỹ đã tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Thứ hai là, ngăn chặn các đối thủ không để ai vươn lên chiếm lấy vị trí số 1 của Mỹ.

Ông Trần Việt Thái cho hay, nếu nối từ eo biển Bering, cho đến Cape Town của Nam Phi, hầu hết các vấn đề đều nằm xoay quanh trục này. Trên trục này có 5 trọng điểm:

Thứ nhất là, eo biển Bering: Ai kiểm soát được eo biển Bering, trong tương lai sẽ kiểm soát được các tuyến hàng hải đi từ Tây Thái Bình Dương, vòng qua Bắc Cực sang châu Âu. Hiện nay các tuyến hải trình đều phải đi qua eo biển Malacca. Gần đây Mỹ Nhật tăng cường tuần tra không muốn Nga độc quyền ở eo biển Bering

Trọng điểm thứ hai là bán đảo Triều Tiên.

Trọng điểm thứ ba là Đài Loan, đây dự báo sẽ trở thành một điểm cạnh tranh mạnh trong tương lai.

Thứ tư là eo biển Mallacca, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương. Ai kiểm soát được eo biển này là cửa ngõ ra vào Ấn Độ Dương.

Thứ năm, ai kiểm soát được Indonesia thì kiểm soát được nốt 2 eo biển còn lại là Sunda và Lombok.

Như vậy, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đưa các nước Đông Nam Á hải đảo vào vị trí cực kỳ quan trọng.

Theo chuyên gia Kavi Chongkittavorn, Trung tâm nghiên cứu East-West tại Hawaii, Mỹ, trong những tháng qua, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ – các đồng minh của Mỹ cũng đưa ra tầm nhìn về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhấn mạnh trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, sự minh bạch, an ninh hàng hải và cơ sơ hạ tầng.

Các nước này cũng chỉ ra, vai trò trung tâm của ASEAN chính là lực đẩy tăng cường hợp tác trong khu vực.

Mặc dù Tổng thống Trump đã hủy bỏ một số cam kết quốc tế và khung hợp tác của người tiền nhiệm Barack Obama, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng ông vẫn duy trì hầu hết chương trình và hoạt động đã có liên quan đến hợp tác song phương giữa Mỹ và ASEAN.

Với sự hỗ trợ lưỡng cực mạnh mẽ tiếp theo, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của ông Trump sẽ là giá trị gia tăng để tăng cường hơn nữa khả năng tương tác giữa Mỹ và mạng lưới các đối tác an ninh trong khu vực. Tựu chung lại, chiến lược này vẫn sẽ đặt ASEAN ở trung tâm, ông Kavi Chongkittavorn nói.

Việt Nam ở đâu trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương?

Theo ông Trần Việt Thái, khi vẽ một đường thẳng nối các trọng điểm trên, đường thẳng này đi qua đúng Đà Nẵng. Đà Nẵng là tâm điểm của trục này. Đà Nẵng, Cam Ranh đặc biệt quan trọng. Hiện nay các lực lượng của Mỹ, Nhật tác chiến đến khu vực này đều có nhu cầu tiếp nhiên liệu.

Trong khi đó, GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, Việt Nam rất quan trọng đối với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người đứng đầu chính phủ đầu tiên của các nước Đông Nam Á được Tổng thống Donald Trump tiếp đón tại Nhà Trắng. Năm 2017, Tổng thống Trump không chỉ tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng mà còn có chuyến thăm chính thức tới Hà Nội ngay sau đó.

Việt Nam cũng được nêu ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ công bố hồi tháng 12/2017 như là một đối tác kinh tế và an ninh ngày càng tăng của Washington cùng với Indonesia, Malaysia và Singapore.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã thăm Hà Nội và mô tả Việt Nam là một “đối tác có cùng chí hướng”. Vào tháng 3, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson lần đầu tiên đến Việt Nam kể từ sau khi chấm dứt chiến tranh.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng có chuyến thăm đầu tiên tới Hà Nội vào tháng 7 sau chuyến đi quan trọng tới Bình Nhưỡng. Một loạt các chuyến thăm cấp cao này cho thấy tầm quan trọng mà Washington nhìn thấy ở Việt Nam.

Cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Biển Đông là then chốt nhất

Nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á, TS Trần Việt Thái nhấn mạnh, chiến lược này lấy Đông Nam Á và Biển Đông làm trọng tâm. Biển Đông là điểm kết nối từ phía nam eo biển Đài Loan dến Luzon của Philippines, đây là cửa ngõ ra vào Tây Thái Bình Dương. Cuộc đấu ở Biển Đông, cạnh tranh giữa các nước lớn là then chốt nhất, ông Trần Việt Thái nói.

GS Carl Thayer dẫn chứng, chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ (NSS) nêu bật tầm quan trọng của một “Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do” nói chung và Biển Đông nói riêng.

Trong khi đó, hoạt động xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông của Trung Quốc gây nguy hiểm cho dòng chảy tự do thương mại, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác, và làm suy yếu sự ổn định của khu vực.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông Pompeo khẳng định, “Ấn Độ-Thái Bình Dương, trải dài từ bờ biển phía tây nước Mỹ đến bờ biển phía tây của Ấn Độ, là một khu vực quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới