Mặc dù Bắc Kinh phủ nhận việc sẽ đưa quân trực tiếp sang tham chiến ở Syria nhưng thực tế đã có những động thái cho thấy khả năng này vẫn có thể xảy ra.
Bởi lẽ, xét về nhiều mặt, tham gia vào cuộc chiến ở Syria sẽ mang lại nhiều lợi ích về quân sự, kinh tế đối với Trung Quốc. Vì thế, nếu tham chiến chính thức Quân đội Trung Quốc có thể triển khai những lực lượng nào tới Syria?
Liệu cuộc chiến Syria là hoạt động quân sự dài hạn hay chỉ là động thái quân sự chớp nhoáng đối với Bắc Kinh?
Các đơn vị chiến lược sẽ được ưu tiên tham chiến
Đối với bất kỳ quốc gia nào, cả với Trung Quốc, các đơn vị cấp chiến lược luôn là lực lượng ưu tiên về trang bị, hoạt động và cũng kinh nghiệm tác chiến. Điều này có thể giải thích đơn giản vì lực lượng này là nền tảng bảo đảm an ninh quốc gia, nên chúng phải đủ tin cậy và hiệu quả.
Với nhiều đặc điểm về trang bị quân sự giống với Quân đội Nga, dù khác cách thức chỉ huy, nhưng những tiền lệ về hoạt động quân sự Nga thực hiện tại Syria có thể là bài học để giới chức quân sự Trung Quốc áp dụng.
Theo hướng này, nếu tham chiến ở Syria, các đợt tấn công đầu tiên của Quân đội Trung Quốc nhằm vào lực lượng khủng bố tại Syria sẽ có sự tham gia của các máy bay ném bom H-6K mang tên lửa hành trình chiến lược hoặc các đơn vị tên lửa đạn đạo tầm trung, xa phóng từ lãnh thổ Trung Quốc.
Điều này rõ ràng là có cơ sở khi máy bay ném bom H-6K hiện là một thành phần trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Trung Quốc và nó cần được thử thách thực chiến. Chiến trường Syria chính là địa điểm hoàn toàn hợp lý.
Một lực lượng khác chắc chắn sẽ tham chiến là nhóm tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc. Với tham vọng vươn ra các đại dương, Trung Quốc đang rất tích cực đóng mới và hoàn thiện các nhóm tàu sân bay.
Tuy nhiên, đóng mới tàu sân bay là một chuyện, để nhóm tàu sân bay có thể hoạt động trơn tru và nhuần nhuyễn cần có các hoạt động thực chiến và các chuyến hải trình dài ngày.
Điều này có thể thấy rõ ràng qua hoạt động của Hải quân Mỹ. Tại sao Mỹ lại có các hạm đội tàu sân bay quy mô, tác chiến hiệu quả, ít tổn thất?
Tại vì nước Mỹ giàu mạnh chỉ là một lý do, một lý do khác nữa là các hạm đội tàu sân bay Mỹ liên tục luân chuyển tới các điểm nóng trên thế giới. Kinh nghiệm của thủy thủ đoàn là điều không bao giờ có đủ nếu chỉ có thao trường, huấn luyện.
Hải trình dài tới tận bờ Đông Địa Trung Hải và các hoạt động thực chiến tại Syria sẽ là “các bài học vàng” về cách thức tổ chức, hoạt động của nhóm tàu sân bay đối với Hải quân Trung Quốc.
Xét về mức độ chuẩn bị hiện tại, khả năng Trung Quốc cử lực lượng trên bộ, tác chiến cấp chiến thuật quy mô tới Syria tham chiến là rất thấp. Điều này có thể thấy đơn giản là nếu hoạt động này diễn ra, công tác hậu cần, chuẩn bị đã phải diễn ra trước đó ít nhất vài tháng, thậm chí cả năm.
Chính vì thế, các lực lượng tham chiến trên bộ nếu có sẽ là các đơn vị công binh làm công tác rà phá bom, mìn… hoặc các đơn vị đặc nhiệm, quy mô nhỏ hoặc sự xuất hiện chớp nhoáng của các khí tài quân sự ưu tiên để thực nghiệm trong điều kiện thực chiến hoặc quảng bá hình ảnh.
Sẽ chỉ là hoạt động quân sự chớp nhoáng?
Trung Quốc sẽ chỉ tham chiến hạn chế tại Syria vì thiếu tiền hay nguồn lực? Điều này rõ ràng không phải, mà chính những yếu tố ràng buộc về công tác chuẩn bị, hậu cần và cả các yếu tố chính trị.
Liệu Syria và Nga có mong muốn xuất hiện thêm một lực lượng nước ngoài nữa, khi cuộc nội chiến đã gần kết thúc? Trong những giai đoạn nóng bỏng của cuộc chiến, Trung Quốc đã ở đâu? Rõ ràng cả Damascus và Moscow đều hiểu dã tâm của Bắc Kinh nếu tham chiến ở Syria.
Và chắc chắn cả hai không hề muốn điều này xảy ra, trừ trường hợp bất khả kháng. Sự xuất hiện của lực lượng quân sự Trung Quốc với vai trò hỗ trợ Quân đội chính phủ Syria ở thời điểm hiện tại có vẻ như sẽ thừa thãi.
Sự hiện diện quân sự của Nga dù đã đổ rất nhiều tài lực, xương máu vào cuộc chiến tại Syria còn gây cái nhìn thiếu thiện cảm từ nhiều phe phái ở quốc gia Cận Đông này.
Vì đơn giản Nga là lực lượng quân sự nước ngoài và Moscow đang phải từng bước rút bớt lực lượng quân sự tham chiến. Nếu có thêm sự hiện diện của lực lượng quân sự Trung Quốc, có thể hiệu quả tác chiến chưa biết tới đâu, nhưng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng giải quyết cuộc nội chiến và hậu chiến.
Một yếu tố nữa cần tính tới là nếu tham chiến, Trung Quốc sẽ đóng căn cứ ở đâu và phối hợp với ai? Đó là vấn đề khó!
Nga khó lòng có thể cho Trung Quốc sử dụng chung căn cứ Hmeymin và Tartus, khi cách bố trí lực lượng và khí tài sử dụng tại đây đều là hàng nội địa của Nga. Moscow chắc chắn không muốn lực lượng quân sự Trung Quốc được tiếp cận hoặc sử dụng chung những loại khí tài hiện đại bậc nhất, lại là hàng nội địa của mình.
Trung Quốc có thể từ triển khai căn cứ trên lãnh thổ Syria, nhưng một vấn đề đặt ra là công tác phối hợp tác chiến giữa các bên, phân vùng tác chiến sẽ rất khó lòng tổ chức trong một sớm, một chiều.
Điều này chưa kể tới việc, sau nhiều thập kỷ không tham chiến ở nước ngoài, việc triển khai lực lượng quân sự lớn tới vùng nội chiến nhiều phe phái có thể ẩn chứa nhiều mối rủi ro về nhân mạng đối với lực lượng quân sự Trung Quốc ở Syria.
Đó mới chỉ là bức tranh bề nổi về những vấn đề đặt ra nếu Trung Quốc cử lực lượng tham chiến ở Syria…
Syria rõ ràng là một miếng “đùi gà” rất ngon, nhưng nếu ăn liệu có hóc xương? Cân nhắc thiệt hơn vẫn đang thuộc về giới chức Bắc Kinh và việc Trung Quốc có tham chiến ở Syria hay không hiện vẫn là dấu hỏi lớn…