Mặc dù đã đẩy mạnh xuất khẩu nhưng những nỗ lực len lỏi vào các thị trường lớn của Bắc Kinh vẫn chưa thành công.
Mô hình vũ khí Trung Quốc tại một triển lãm quốc phòng.
Phần lớn chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn của Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua đã được đáp ứng nhờ sự phát triển song song của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Và xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục, bởi Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng lực lượng để tạo thách thức cho ưu thế quân sự của Mỹ ở tây Thái Bình Dương.
Mặc dù có nhiều cáo buộc cho rằng Trung Quốc có được công nghệ thông qua các hoạt động gián điệp hoặc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ nhưng có một điều không thể phủ nhận là sức mạnh quân sự Trung Quốc đã có bước nhảy vọt kể từ đầu thế kỷ này, khi Bắc Kinh bắt đầu chuyển mình thành một cường quốc kinh tế.
Hải quân
Bằng chứng rõ ràng nhất là những gì diễn ra trên biển, ngày càng nhiều tàu của Hải quân Trung Quốc (PLAN) chạm trán với hải quân các nước láng giềng, ở một mức độ thường xuyên hơn, cũng như ở khoảng cách ngày càng xa bờ biển Trung Quốc.
Chúng cũng thường xuyên xuất hiện tại/gần những đảo, đá mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và xây dựng các tiền đồn quân sự, thách thức các tàu hải quân Mỹ trong khu vực.
Phần lớn tàu chiến của PLAN do 2 “ông lớn” trong ngành đóng tàu của Trung Quốc chế tạo – gồm Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc (CSSC) và Tổng Công ty Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC).
Cả 2 đơn vị này chịu trách nhiệm cho chương trình xây dựng lực lượng hải quân của Trung Quốc.
Hồi đầu năm nay, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết, “số lượng tàu ngầm, tàu mặt nước, tàu đổ bộ và hậu cần mà Trung Quốc hạ thủy đã lớn hơn tổng số tàu đang phục vụ lực lượng hải quân các nước Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Mỹ, cũng như vùng lãnh đổ Đài Loan” kể từ năm 2014.
Viện này còn lưu ý rằng, sau giai đoạn thử nghiệm một số lớp tàu chiến nhỏ với thiết kế cải tiến trong những năm 1990 – đầu những năm 2000, vài năm gần đây, Trung Quốc đã ổn định các thiết kế tàu và đang chuyển ưu tiên theo hướng tăng tốc độ triển khai.
Kết quả mà nước này thu được khá ấn tượng, với gần 50 tàu hộ tống Type 056 và hơn 20 khinh hạm Type 054 được đưa vào biên chế trong thập kỷ trước.
Chương trình đóng tàu của Trung Quốc càng đáng chú ý hơn khi các tàu có kích cỡ lớn hơn được đưa vào chế tạo. Hiện Bắc Kinh đã biên chế 8 tàu khu trục Type 052D và 11 tàu khác đang trong các giai đoạn hoàn thiện hoặc thử nghiệm khác nhau. Ngoài ra còn có 6 tàu tuần dương Type 055 đang chuẩn bị hoặc đã được khởi đóng.
Đây đều là các lớp tàu chiến hiện đại được trang bị radar mảng pha tiên tiến và hệ thống phóng thẳng đứng có khả năng triển khai nhiều loại tên lửa chống tàu, phòng không và tấn công mặt đất.
Trung Quốc cũng đang xúc tiến chương trình tàu sân bay. Chiếc tàu dựa trên thiết kế của lớp Admiral Kuznetsov thời Liên Xô đã được hạ thủy vào tháng 4 năm ngoái. Trong khi đó, một lớp tàu mới với nhiều khả năng hơn đang trong quá trình chế tạo tại Thượng Hải.
Không quân
Ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc cũng đang có những bước tiến dài, chuyển mình từ điểm khởi đầu là sản xuất theo/không theo giấy phép bản sao các mẫu máy bay của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Xương sống của Không quân Trung Quốc (PLAAF) là tiêm kích Thành Đô J-10 và Thẩm Dương J-11/15/16 – sao chép từ các mẫu máy bay Sukhoi Flanker của Nga, mặc dù các phiên bản của Trung Quốc đã được lắp ráp động cơ, hệ thống vũ khí và hệ thống điện tử hàng không nội địa.
Ngành công nghiệp Trung Quốc còn tích cực sản xuất các mẫu máy bay hỗ trợ – máy bay vận tải Y-9 và Y-20 đều đã được đưa vào sản xuất loạt. Trong đó mẫu Y-9 được chế tạo dành cho các nhiệm vụ đặc biệt, như cảnh báo sớm đường không, chống ngầm, thu thập thông tin tình báo.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp Trung Quốc vẫn còn gặp khó khăn với các công nghệ quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo động cơ máy bay.
Bắc Kinh vẫn chưa đủ khả năng chế tạo động cơ máy bay đạt tới tiêu chuẩn khiến họ hài lòng. Vì vậy, nước này vẫn phải nhập khẩu động cơ từ Nga.
Ví dụ điển hình là các mẫu tiêm kích đánh chặn một động cơ J-10, tiêm kích hạm J-15 và máy bay vận tải Y-20 vẫn đang sử dụng động cơ nhập khẩu, mặc dù Trung Quốc đã phát triển hoặc đưa vào sử dụng các mẫu động cơ tương tự.
Trong những năm gần đây, các công ty quốc phòng Trung Quốc cũng thúc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, với thị phần trên thị trường toàn cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chủ yếu của vũ khí Trung Quốc vẫn là các quốc gia đang phát triển.
Những nỗ lực len lỏi vào các thị trường lớn của Bắc Kinh vẫn chưa thành công, ngoại trừ các trường hợp mà bên mua không thể tiếp cận được với các hệ thống của phương Tây, như Saudi Arabia chuyển sang mua máy bay không người lái Trung Quốc do các hạn chế của Mỹ trong việc xuất khẩu hệ thống vũ khí này.
Một trong những trở ngại chính là những cảm nhận tiêu cực về chất lượng vũ khí do Trung Quốc sản xuất. “Tiếng xấu” này một phần được nhen nhóm bởi việc Bắc Kinh từ chối xuất khẩu các hệ thống hàng đầu, trong khi đó những hệ thống mà nước này quảng bá rộng rãi ra thị trường, như J-31, lại không được quân đội Trung Quốc mảy may ngó ngàng tới.