Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiThừa nhận quân sự hóa ở Biển Đông: TQ đang chơi bài...

Thừa nhận quân sự hóa ở Biển Đông: TQ đang chơi bài ngửa với các nước

Những tháng gần đây, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng thấy, huy động các thiết bị điện tử chặn sóng radar và tên lửa hạm đối không (SAMs) HQ-9B và tên lửa chống hạm (ACBM) YJ-12B đến các đảo đang tranh chấp trong khu vực. Với việc làm này, Trung Quốc bất chấp sự quan ngại, phản đối của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, từng bước thực hiện âm mưu thôn tính Biển Đông.

Chiến đấu cơ JH-7A của Trung Quốc bay lượn trên đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa của VN)

Trung Quốc là nước lớn, song hành xử như “trẻ lên ba” ở Biển Đông

Trước đây, Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra các cam kết không quân sự hóa ở Biển Đông. Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (9/2015) đã công khai cam kết Trung Quốc sẽ bảo vệ an ninh hàng hải qua Biển Đông và không quân sự hoá quần đảo Trường Sa. Trước đó, nhiều quan chức của Trung Quốc cũng cho rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và Trung Quốc không có các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, hay chạy đua vũ trang trong khu vực. Gần đây nhất, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Trưởng đoàn của Trung Quốc, Trung tướng Hà Lôi, Phó Viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc khẳng định phát biểu của Mỹ về việc Trung Quốc triển khai vũ khí tới Biển Đông là “thiếu trách nhiệm, những hành động của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích phòng thủ quốc gia, tránh nguy cơ xâm lược từ các nước khác”.

Tuy nhiên, phát biểu bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (4/8) hùng hồn tuyên bố: “Một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc. Tôi e rằng đây là động lực lớn nhất cho việc Trung Quốc thúc đẩy việc quân sự hóa tại khu vực”. Không những vậy, ông Vương Nghị còn ngang nhiên cho rằng “Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm những việc đó vì Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Và bởi vì ngày càng có nhiều áp lực với Trung Quốc, việc Trung Quốc tiến hành thêm nhiều biện pháp tự vệ là điều tự nhiên”. Đồng thời, ông Vương Nghị cũng không quên cáo buộc “các nước ngoài khu vực” cố tình gây rối tại Hội nghị Ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị của ASEAN và 8 nước khác, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.

Mục đích của Trung Quốc khi ngang nhiên tuyên bố quân sự hóa ở Biển Đông: (1) Việc Trung Quốc ngang nhiên thừa nhận quân sự hóa ở Biển Đông (bất chấp cam kết trước đây của Tập Cận Bình) cho thấy Bắc Kinh sẽ không từ thủ đoạn để độc chiếm Biển Đông. (2) Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông nhằm ngăn chặn và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, biến khu vực Biển Đông thành vùng chịu ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc. (3) Từ sau Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thể hiện sự kiểm soát của mình đối với quân đội (PLA), trong đó có lời cam kết và kêu gọi PLA tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trên Biển Đông. (4) Trung Quốc đang tìm cách gây áp lực với các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông, nhằm khiến các nước này nản chí, từ bỏ hy vọng có ngày giành lại được khu vực tranh chấp. Ngoài ra, việc thừa nhận quân sự hóa ở Biển Đông cũng phục vụ mục đích “răn đe” và đe dọa của Bắc Kinh, đặc biệt là trong bối cảnh các tranh chấp về quyền đánh cá và khai thác tài nguyên có thể nóng lên trong khu vực. (5) Việc Trung Quốc viện cớ “sức ép từ bên ngoài khu vực” để quân sự hóa Biển Đông chính là sự ngụy biện. Trung Quốc đã hoàn tất việc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông và ngang nhiên đưa vũ khí, khí tài đến một số thực thể trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, vì lẽ đó họ không ngại che giấu mưu đồ nữa. (6) Trong bối cảnh Mỹ đánh thuế nặng đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất khẩu cũng như giá trị đồng tiền của nước này, từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình trong nước. Vì thế, Trung Quốc tuyên bố quân sự hóa Biển Đông là nhằm hướng sự chú ý của người dân sang một vấn đề khác.

Tác động, ảnh hưởng:

Việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông không chỉ đi ngược lại cam kết của ông Tập Cận Bình mà còn vi phạm hiến chương Liên Hợp quốc; vi phạm Công ước luật biển; vi phạm tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký ASEAN (2002) ở PhnomPenh Campuchia. Về mặt đối ngoại họ đã đi ngược lại điều cam kết với các nước ASEAN là giữ nguyên hiện trạng trong quan hệ Việt Nam và thống nhất 6 nguyên tắc ứng xử giải quyết tranh chấp biển Đông. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng ký tuyên bố chung Việt – Trung, trong đó khẳng định lại hai bên cam kết đảm bảo hòa bình ổn định khu vực. Đặc biệt, trong cuộc họp báo quốc tế ở nhà trắng, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc không quân sự hóa biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã đi ngược lại với điều cam kết, ngược lại với quốc tế

Việc quân sự hóa cao độ của Trung Quốc tại các đảo được xây dựng trái phép trên Biển Đông đã làm dấy lên phản ứng mạnh trên toàn khu vực và xa hơn thế, đồng thời đặt ra nguy cơ xảy ra xung đột dữ dội, đặt toàn bộ các nước có tranh chấp khác trong đường ngắm của Trung Quốc. Quá trình quân sự hóa tăng cường tại các tiền đồn tôn tạo trái phép” của Trung Quốc sẽ “chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây ra sự mất lòng tin giữa các nước có tranh chấp”.

Không những vậy, việc Trung Quốc thừa nhận quân sự hóa Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất và bộ mặt thật của Trung Quốc. Điều này không chỉ khiế Trung Quốc đã tự cô lập họ trong khu vực, đặc biệt trong mối quan hệ với các nước ASEAN mà còn khiến uy tín, danh dự quốc gia của Trung Quốc bị tụt giảm nghiêm trọng.

Phản ứng và biện pháp đối phó của các nước:

Lầu Năm Góc cũng đã lên tiếng chỉ trích “hoạt động quân sự hóa liên tiếp của Trung Quốc tại các thực thể đang tranh chấp” ở Biển Đông. Đáng chú ý, phát biểu tại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết: “Chúng tôi đã cảnh báo Bắc Kinh là sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức và cơ hội trong những năm sắp tới. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ, nếu Trung Quốc chọn lựa hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các nước, trong khu vực năng động này. Nhưng chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông lại hoàn toàn tương phản với sự cởi mở của chiến lược mà Mỹ muốn phát huy, đặt ra các câu hỏi về những mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc. Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, kể cả triển khai các tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, thiết bị điện tử gây nhiễu, và mới đây nhất là việc cho máy bay ném bom hạ cánh xuống đảo Phú Lâm. Mặc dù Bắc Kinh chối cãi, sự bố trí các hệ thống vũ khí này trực tiếp gắn với việc sử dụng trên phương diện quân sự, mà mục đích là hù dọa và bức hiếp. Việc quân sự hóa Biển Đông cũng trái ngược hẳn với những cam kết công khai của chủ tịch Tập Cận Bình, ngay tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào năm 2015. Vì những lý do đó, Mỹ đã rút lại lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018. Đó là câu trả lời bước đầu của chúng tôi trước tình trạng Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông”. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim lớn tiếng bày tỏ lo ngại về “mọi hành động xác quyết nào hướng tới quân sự hóa”, đồng thời nhận định rằng Trung Quốc “đang hướng tới quân sự hóa các tranh chấp”. Mỹ cũng đã gia tăng áp lực lên Bắc Kinh trong lĩnh vực quân sự khi liệt nước này vào danh sách những đối thủ của Mỹ trong chiến lược an ninh quốc gia công bố hồi năm 2017. Mới đây, Thượng viện Mỹ (1/8) thông qua dự luật quốc phòng trị giá 716 tỷ USD với những điều khoản được cho là cứng rắn nhất với Trung Quốc từ trước đến nay, đặc biệt nhằm vào hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng bày tỏ lo ngại Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng xây dựng ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện đúng phát ngôn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Trung (9/2017), rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop (5/2018) thể hiện quan ngại đối với việc những hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc rõ ràng có trách nhiệm với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tức phải bảo đảm hòa bình và an ninh trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông đều đi ngược lại trách nhiệm đó.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (13/8) tuyên bố, Trung Quốc cần tôn trọng quyền tự do đi lại trên Biển Đông của tàu bè tất cả các nước và Trung Quốc chớ nên gây căng thẳng không cần thiết ở vùng biển này.

Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Hoàng Vĩnh Hoành (Ng Eng Hen) cho rằng việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông là mối quan ngại hàng đầu ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới