Ở thời điểm Trung Quốc rơi vào đối đầu kinh tế với Mỹ thì Bộ Thương mại quốc gia này phải “đau đầu” vì thực trạng nhiều nhân sự có kinh nghiệm về đàm phán và quản lý kinh tế vĩ mô lại đồng loạt ra đi.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Bộ Thương mại Trung Quốc vốn đảm nhận nhiệm vụ cố vấn chính sách và đưa ra đề xuất giá trị và chính xác cho chính phủ nước này. Tuy nhiên, bộ này lại đang thiếu nhiều chuyên gia có kinh nghiệm.
Tạp chí China Economic Weekly (Trung Quốc) đưa tin trong khoảng thời gian từ năm 2008-2017, có 152 nhân sự xin thôi việc khỏi Bộ Thương mại Trung Quốc.
“Cao điểm” của tình trạng này là trong giai đoạn 2014-2016 với 80 nhân viên của Bộ Thương mại Trung Quốc thôi việc, 40% trong số họ giữ chức vụ quản lý. Giai đoạn cao điểm này trùng với khoảng thời gian Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh xử lý vấn nạn tham nhũng.
Nhiều nhân sự của Bộ Thương mại Trung Quốc sau khi rời khỏi cơ quan này đã đến nhận vị trí cấp cao tại các công ty công nghệ như Alibaba.
Sau 3 tháng thanh tra tại Bộ Thương mại, đến cuối tháng 7, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã yêu cầu bộ này tạo lập nhóm cán bộ chuyên nghiệp và tài năng, quản lý những nhân sự được cử ra nước ngoài và xử lý vấn đề “chảy máu chất xám” đang tồn tại.
Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin vào cuối tháng 8, một đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc sẽ đến Washington dự đối thoại thương mại với các đồng cấp Mỹ. Đoàn đại biểu Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn dẫn đầu trong khi phía Mỹ là Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế David Malpass.
Từ đầu năm 2018, cả Trung Quốc và Mỹ đã áp dụng các mức thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu của nhau qua những vòng trả đũa thương mại. Bắc Kinh và Washington còn cảnh cáo lẫn nhau sẽ tiếp tục tăng thuế với số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD.