Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế và các cam kết do chính Bắc Kinh đưa ra liên quan vấn đề Biển Đông, khiến tình hình khu vực ngày càng trở nên căng thẳng. Giới chuyên gia, học giả quốc tế kêu gọi Mỹ có những hành động thiết thực để ngăn chặn âm mưu, hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa phi pháp ở đá Vành Khăn
Trung Quốc lại có hành vi thách thức Mỹ trên Biển Đông
Ngày 10/8, hải quân Mỹ cử máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon bay trên Đá Xubi, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc ngang ngược chiếm và xây cơ sở quân sự. Ngay lập tức, quân đội Trung Quốc phát 6 lời cảnh báo “Rời khỏi đây lập tức, và phải tránh bất kỳ sự hiểu lầm nào”. Đáp trả những lời cảnh báo hiếu chiến, ngang ngược của Trung Quốc, phi công chiếc P-8A đã phản ứng lại sau từng câu tuyên bố của Trung Quốc: “Đây là máy bay hải quân Mỹ hoạt động quân sự hợp pháp ở không phận quốc tế, không đi vào không phận của bất kỳ quốc gia ven biển nào”, đồng thời khẳng định máy bay Mỹ thực hiện các quyền mà tuân thủ luật pháp quốc tế cho phép.
Theo CNN, trên độ cao khoảng 5.000 m, nhóm phóng viên đi trên máy may P-8A quan sát thấy Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp các đảo đá, xây nhà cao tầng, triển khai hệ thống radar, lưới điện và đường băng đủ lớn để cho máy bay quân sự có thể cất cánh và hạ cánh. Mỗi lần máy bay Trung Quốc cảnh báo, phi hành đoàn trên máy bay Mỹ lại đáp lại với cùng một thông điệp rằng, hải quân Mỹ đang thực hiện các hoạt động quân sự theo đúng luật pháp tại không phận của vùng biển quốc tế vì quyền và nghĩa vụ của tất cả các nước.
Hải quân Mỹ (13/8) cũng đưa ra tuyên bố chính thức liên quan vụ việc, cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục di chuyển trên biển, trên không và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép. Trong một động thái tương tự, Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng nhấn mạnh “Mỹ sẽ không bị xua đuổi khỏi các chiến dịch hợp pháp tại các vùng biển và không phận quốc tế”. Trong khi đó, quân đội Mỹ tại Nhật Bản cũng đăng thông báo của Hải quân Mỹ và viết kèm thông điệp thể hiện sự đoàn kết. “Các máy bay P-8A của Hải quân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản sẽ đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực mỗi ngày bằng cách bay qua bất kể nơi nào luật quốc tế cho phép”.
Giới chuyên gia, học giả kêu gọi Mỹ phải kiềm chế các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông
Ông Patrick M. Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương, Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nhận định, cách tiếp cận hiện nay của Mỹ nhằm kiềm chế những hành động hiếu chiến leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông chưa đạt được hiệu quả. Các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) của Hải quân Mỹ vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, đó là ngăn chặn những hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và buộc nước này phải có thái độ duy trì thượng tôn pháp luật quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn ngang nhiên mở rộng và phát triển các khu vực tiền đồn quân sự trên Biển Đông, đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát phi pháp trong khu vực và gia tăng các hoạt động khiêu khích, ngăn cản tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Chính vì vậy, Mỹ cần tính toán và triển khai một cuộc “phản nổi loạn” ở Biển Đông nhằm thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua việc bảo vệ các tàu dân sự địa phương khỏi sự đe doạ và tấn công của Trung Quốc trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, buộc Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự do hàng hải và tác động trực tiếp đến những tuyên bố chủ quyền phi lý của họ áp đặt trên Biển Đông.
Bà Lynn Kuok, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Viện Brookings (Mỹ), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng Mỹ cần có sự điều chỉnh chiến lược để ngăn chặn những hành vi phi pháp của Trung Quốc. Theo đó, Mỹ nên gia nhập Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để tăng thêm uy tín khi kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ UNCLOS cũng như các quyết định của Toà án và Toà Trọng tài; cần có những hành động thực tế thách thức các tuyên bố của Bắc Kinh khi cho rằng họ có quyền làm những gì họ muốn trên lãnh thổ “của họ”, nhắc nhở rằng Trung Quốc cần kiềm chế những động thái của họ trên các cấu trúc tranh chấp. Ngoài ra, Mỹ cũng cần tiếp tục khẳng định cam kết rõ ràng đối với các nước đồng minh, cũng như những nước nhỏ ở ven Biển Đông trong việc ngăn chặn các hoạt động bá quyền của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Michael Mazza, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện American Enterprise Institute (AEI) của Mỹ nhận định để răn đe hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ nên áp đặt chế tài đối với các công ty Trung Quốc tham gia bồi đắp đảo và triển khai các máy bay tác chiến điện tử luân phiên đến Philippines để phá sóng lực lượng của Trung Quốc. Trường hợp Trung Quốc triển khai lực lượng ra Đá Vành Khăn thì Mỹ cần đáp trả bằng việc triển khai quân ra các thực thể mà Philippines hiện đang kiểm soát. Ngoài ra, ông Mezza còn đề xuất Mỹ nên tạm dừng cấp thị thực du học cho con em các quan chức và các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc, treo lại chương trình thị thực đầu tư EB-5 cho các công dân Trung Quốc và cho phép các quan chức chạy trốn chiến dịch truy quét tham nhũng mang tên ‘Săn cáo’ của Chính phủ Trung Quốc được trú ẩn ở Mỹ. Đối với các hoạt động trên Biển Đông, ông Mezza đề xuất Chính quyền của Tổng thống Donald Trump nên tăng cường các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) và cần thực hiện liên tục quyền tự do hàng hải của tàu bè đi lại trên Biển Đông; Mỹ cũng cần tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự, nếu cần có thể thiết lập thêm căn cứ thường trực, trên Biển Đông để gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng việc họ đang tìm cách kiểm soát vùng biển và vùng trời Biển Đông “là vô ích”. Đối với các hoạt động ngoại giao, Mỹ nên tích cực tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp với các bên thay vì giữ lập trường trung lập như lâu nay. Trước mắt, một trong những hành động ngoại giao mà Mỹ có thể làm là hối thúc các bên nhanh chóng hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Nhìn chung, trước những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông khiến không chỉ những nước liên quan trực tiếp tranh chấp chủ quyền trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế đều thể hiện sự quan ngại và phản đối. Việc ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi Mỹ gia tăng các hoạt động thực tiễn để kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động phi pháp, hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy tầm quan trọng và ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực đang ngày càng được củng cố.