Friday, November 29, 2024
Trang chủĐiểm tinThương nhân bí ẩn trong đoàn tháp tùng ông Tập và tuyên...

Thương nhân bí ẩn trong đoàn tháp tùng ông Tập và tuyên bố hậu thuẫn TQ ở trời Âu của Séc

Tổng thống Zeman tuyên bố, Séc hy vọng sẽ trở thành “một tàu sân bay không thể chìm để Trung Quốc mở rộng đầu tư” ở châu Âu.

Chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tới Séc đánh dấu thời kỳ quan hệ mật thiết nhất trong lịch sử ngoại giao hai nước. Ảnh: AP

Khi ông Tập Cận Bình trở thành nguyên thủ Trung Quốc đầu tiên tới thăm Séc, đoàn tháp tùng của ông đã xuất hiện một nhân vật bí ẩn – một người có tham vọng chính trị lớn, tài chính ổn định và có quan hệ mật thiết với Tổng thống Séc.

Hai năm trước, bên cạnh các quan chức chính phủ Trung Quốc và Séc tập trung bên ngoài dinh Tổng thống Séc – lúc này ông Tập Cận Bình và người đồng cấp Milos Zeman đang tham dự nghi lễ trồng cây- Diệp Giản Minh là thương nhân duy nhất có mặt trong nhóm quan chức Trung Quốc.

Đối với Diệp Giản Minh, đây là bằng chứng cho thấy, vai trò môi giới quyền lực quan trọng của ông này ở Prague. Thương nhân Trung Quốc đã mua lại một nhà máy sản xuất bia và một đội bóng đang được yêu thích – những tài sản mang tính đặc trưng của địa phương.

Cuộc họp và sự hiện diện của Diệp Giản Minh củng cố ảnh hưởng mới về chính trị và thương mại của Trung Quốc đối với Séc trong nhiệm kỳ của Tổng thống Zeman, đánh dấu tham vọng lớn hơn của Bắc Kinh ở châu Âu.

Chỉ trong hai năm, công ty CEFC China Energy của Diệp Giản Minh đã chỉ hơn 1 tỷ USD trong các giao dịch tại Séc. Diệp còn mời được rất nhiều cựu quan chức Séc, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng cộng tác với CEFC China Energy.

Diệp thậm chí còn được coi là cố vấn kinh tế đặc biệt của Tổng thống Zeman. Đổi lại, nguyên thủ Séc đã thi hành nhiều chính sách ủng hộ Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, sự ủng hộ của Séc là một thắng lợi tuyệt đối: Trung Quốc giành được một người bạn chắc chắn ở châu Âu. Séc vốn là một đồng minh quân sự của Mỹ, một quốc gia từng được xem là một bức tường thành cho nền tự do dân chủ của một khu vực chiến lược quan trọng.

Như ông Zeman tuyên bố, Séc hy vọng sẽ trở thành “một tàu sân bay không thể chìm để Trung Quốc mở rộng đầu tư” ở châu Âu.

“Sức hấp dẫn” của Trung Quốc

Năm 1996, phát biểu trên tờ báo địa phương, ông Zeman từng phê bình những người tìm cách thiết lập quan hệ mật thiết với Trung Quốc nhưng khi ông thắng cử Tổng thống Séc vào năm 2013, thực tế ở châu Âu đang thay đổi.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã kiểm tra sự đoàn kết của châu Âu. Tây Âu dường như không còn là lựa chọn duy nhất của Cộng hòa Séc.

Vào thởi điểm đó, Bắc Kinh bắt đầu bơm tiền và tác động chính trị vào Đông Âu và Trung Âu như là một phần trong nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi Đông Âu và Trung Âu là mảnh đất màu mỡ tiềm năng.

Mặc dù, Anh, Pháp và Đức hoan nghênh đầu tư lớn của Trung Quốc nhưng các nước này vẫn giữ quan điểm phản đối Trung Quốc trước loạt vấn đề như vấn đề biển Đông trong khi Đông Âu và Trung Âu không như vậy.

Để thâm nhập vào sâu châu Âu, Trung Quốc đã khởi động sáng kiến Hợp tác 16+1, một nỗ lực​​mở rộng hợp tác với hơn một chục quốc gia Đông và Trung Âu. Sáng kiến ​​này đã trở thành một diễn đàn cho Trung Quốc thể hiện kỳ vọng đáp ứng nhu cầu của khu vực như vấn đề công nghệ cho hệ thống đường sắt cao tốc.

Sau này, ông Tập đã đưa Đông Âu và Trung Âu vào sáng kiến Vành đai và đường, một kế hoạch đầy tham vọng để phát triển quan hệ kinh tế và ngoại giao thông qua các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới.

Ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu ngày càng rõ ràng. Năm ngoái, Hy Lạp đã chặn một tuyên bố chung của Liên minh châu Âu tại Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền. Nước này và Hungary còn tiếp tục làm dịu tuyên bố chỉ trích Trung Quốc của EU về biển Đông.

Trong khi đó, Tổng thống Zeman đã đến thăm Trung Quốc vào năm 2014, đây là chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Séc đến Trung Quốc trong thâp kỷ qua.

Một năm sau, ông là nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu duy nhất tham gia cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc chiến tranh thế giới thứ II ở Bắc Kinh. Sự kiện này được cho là đòn bẩy cho chuyến công du Séc của ông Tập vào năm 2016.

“Đây là một điểm khởi đầu mới”, Tổng thống Zeman nói với giới truyền thông Trung Quốc trước chuyến công du của ông Tập.

Chính sách “thân Trung” của Tổng thống Zeman đã nhận được sự tán dương rộng rãi từ các tổ chức chính trị Séc.

Bà Katerina Konecna, Phó chủ tịch đảng Cộng sản Cộng hòa Séc nói: “Nếu ai đó nghĩ rằng trong hoàn cảnh hiện tại, có thể xây dựng thế giới an toàn và thịnh vượng mà không cần hợp tác với Trung Quốc, người đó đã sớm để lỡ chuyến tàu”.

Tuy nhiên, văn phòng Tổng thống Zeman cho rằng, Séc công bằng trong các nỗ lực hợp tác quốc tế, không riêng với Trung Quốc.

Cam kết lỡ dở

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Zeman vào năm 2014 được đánh giá có ảnh hưởng lớn đến tương lai của Cộng hòa Séc. Một trong những thỏa thuận thương mại đã đạt được trong chuyến thăm là dự án hợp tác giữa một công ty tài chính Séc và một công ty năng lượng mới nổi có tên CEFC China Energy.

Nó được dẫn dắt bởi Diệp Giản Minh, xuất thân từ một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Phúc Kiến phía nam Trung Quốc. Diệp có một đế chế kinh doanh khổng lồ với 30.000 nhân viên, đã đi khắp thế giới trên chiếc máy bay riêng hai động cơ Airbus 319, gặp gỡ những nhân vật quyền lực trong giới chính trị của Nga và Thái tử của Abu Dhabi.

CEFC mô phỏng tầm nhìn của nhà lãnh đạo Trung Quốc về một Trung Quốc lớn mạnh hơn. CEFC đã ký thỏa thuận tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Kazakhstan, cũng như giành sự ủng hộ của giới lãnh đạo cấp cao ở các nước như Albania, Slovakia, Bulgaria, Sudan và Uganda.

Năm ngoái, công ty này đã đồng ý mua lại 9 tỷ USD cổ phần của Rosneft, tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga.

Tương tự, Cộng hòa Séc đã trở thành một mục tiêu hấp dẫn của CEFC.

CEFC đã mua lại bộ phận cổ phần tại Florentinum, một trong những khu văn phòng lớn nhất của Prague, đầu tư vào hãng hàng không quốc gia Séc, hai khách sạn và hai tòa nhà thời Phục hưng, một nhà máy bia có lịch sử hơn 700 năm.

Giới chức Séc rất tán dương các giao dịch này và coi đây là bằng chứng cho thấy mối quan hệ về mặt kinh tế với Trung Quốc.

Olga Lomova, học giả thuộc Đại học Charles, Prague, cho biết: “Người Séc tin vào câu nói: Có sự giúp đỡ của người Trung Quốc, chúng ta sẽ lại hạnh phúc”. ”

Đặc biệt, CEFC còn mời các quan chức cấp cao của Séc hợp tác. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Tvrdik đồng thời phụ trách vị trí cố vấn các vấn đề Trung Quốc trong chính phủ Tổng thống Zeman, vừa được thuê để điều hành CEFC tại Séc.

Vụ trưởng Vụ lễ tân Miroslav Sklenar từng từ chức vào năm 2015 để gia nhập CEFC nhưng lại quay lại chính phủ vào năm 2016.

Ban đầu, CEFC lo ngại rằng người dân Séc sẽ bất mãn trước sức mở rộng của nó nên đã mua lại một đội bóng đá địa phương có tên Slavia Prague.

Năm ngoái, đội bóng này đã giành chức vô địch lần đầu tiên kể từ năm 2009. Đồng phục của Slavia Prague nổi bật với dòng chữ “CEFC China” bằng chữ Latin và ký tự Trung Quốc.

Đối với các nhà quan sát, giao dịch của CEFC hầu như không có ý nghĩa thương mại. “Nhiều thương vụ được tiến hành vội vàng và ồn ào”, bà Lomova thuộc Đại học Charles cho biết. “Đó đều không phải là những khoản đầu đáng giá.”

Và CEFC thừa nhận rằng động cơ của nó đã vượt ra ngoài phạm trù kinh doanh. “Công ty chúng tôi quan tâm đến việc xây dựng một cầu nối giữa các nền văn hóa”, giám đốc điều hành CEFC Tưởng Xuân Dư nói tại một diễn đàn ở Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, CEFC hiện đang gặp một số vấn đề dẫn tới sự lỡ dở trong các cam kết trước đó.

Việc mua lại cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Rosneft thất bại. Công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Trung Quốc cảnh báo, CEFC đang gánh những khoản nợ khổng lồ.

Vào tháng Tư năm nay, Tổng thống Zeman đã gặp gỡ với các thành viên của CITIC Group, một doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc. Tập đoàn này đã đồng ý mua lại gần một nửa số cổ phiếu của CEFC tại châu Âu.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu bất an trước vai trò của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Séc, Tổng thống Zeman có lẽ sẽ lại sang thăm Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới