Một luật sư Kenya lo lắng, kết quả dự án thuộc sáng kiến Vành đai và con đường sẽ tạo ra một châu Phi tham nhũng và một Trung Quốc phồn vinh.
Tuyến đường sắt do Trung Quốc đầu tư thông xe ở Kenya. Ảnh: Reuters
Một trong những kiến trúc mang tính tiêu biểu nhất của sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc ở châu Phi chính là tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi kéo dài từ cảng biển phía Đông Mombasa tới thủ đô Nairobi, Kenya. Tuyến đường này đã chính thức được thông xe từ tháng 5 năm ngoái.
Tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi là công trình công cộng lớn nhất trong lịch sử của Kenya, cũng là dự án đầu tư trọng điểm nhằm đem lại sự phát triển kinh tế cho nước Đông Phi này với số vốn lên tới 3,8 tỷ USD và dài 472km, được xây dựng bởi nhà thầu Trung Quốc.
Từ cuối tháng 5/2017 đến nay, nó đã mang đến sự hiện đại hóa cho người dân Kenya. Nếu trước đây, người dân nước nước này phải mất 10 giờ đồng hồ để đi từ ga đầu Mombasa tới ga cuối – thủ đô Nairobi thì hiện nay, với tuyến đường sắt cao tốc, họ chỉ mất 5 giờ đồng hồ.
“Miếng bánh ngon” cho châu Phi
Frederick, một hành khách cho biết: “Hệ thống vận tải đường sắt cũ của chúng tôi [Kenya] thực sự không thể so sánh được”.
Tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi thuộc giai đoạn đầu tiên theo chương trình “Đường sắt tiêu chuẩn” do trung Quốc triển khai ở Kenya. Tuyến đường sắt kéo dài của Mombasa-Nairobi hiện đang được thi công.
Được biết, ngoài vận tải hành khách, cước phí chở hàng hóa của Mombasa-Nairobi cũng rẻ hơn một nửa so với các loại hình giao thông khác, mục đích được cho là để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trong khu vực và tạo ra cơ hội việc làm.
Trong kế hoạch của Vành đai và con đường, dự án “Đường sắt tiêu chuẩn” đóng một một vai trò quan trọng trong việc kết nối lục địa châu Phi. Vành đai và con đường cung cấp các khoản vay cho gần 70 quốc gia để xây dựng đường sắt, cảng, đường quốc lộ và các cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng khác.
Theo giới quan sát, Trung Quốc sử dụng Vành đai và con đường để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các nền kinh tế mới nổi như Kenya nhưng đồng thời, nước này cũng giành được lợi ích lớn từ các khoản đầu tư ở châu Phi.
Bởi vốn xây dựng được cung cấp bởi các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, sau đó các công ty Trung Quốc sẽ trở thành các nhà thầu xây dựng của các dự án tại châu Phi.
Ông Trần Vận Nam, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Viện Nghiên cứu Trung-Phi, thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ nhận định: “Các công ty Trung Quốc ký được các hợp đồng lớn này thường là một nhóm các công ty cùng tham gia”.
Học giả Trung Quốc nhấn mạnh: “Chỉ có thể nói rằng, Vành đai và con đường đã đẩy nhanh xu hướng tồn tại trong 10 năm qua: Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác hợp tác kinh tế quan trọng của các quốc gia châu Phí hoặc lục địa châu Phi. Châu Phi sẽ không đặt chính sách ngoại giao đối với Mỹ lên vị trí hàng đầu nữa…”.
Dự án Vành đai và Con đường đã củng cố vị thế của Trung Quốc, đưa nước này trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia châu Phi, Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA nhận định.
Theo một cuộc khảo sát của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey vào năm 2017, có hàng chục ngàn công ty lớn và nhỏ của Trung Quốc ở châu Phi đã tuyển dụng, đào tạo và sử dụng hàng chục ngàn người bản địa.
Jacqueline Keim Boyd – tiếp viên tàu Mombasa-Nairobi cho biết: “Đối với tôi, đây là một dự án cả hai cùng có lợi, nếu không có đường sắt theo tiêu chuẩn, nền kinh tế của chúng tôi sẽ không thể phát triển, chúng tôi sẽ tiếp tục dừng lại ở những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế sẽ trì trệ. “
Keim Boyd trở thành tiếp viên tàu là ví dụ điển hình cho chính sách tạo cơ hội việc làm cho người dân của chính phủ Kenya.
Hiệu trưởng Học viện đào tạo đường sắt Kenya cho hay: “Học viện của chúng tôi đã đào tạo gần 1000 sinh viên cho tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi. Một số là nhân viên phục vụ trên tàu, một số là nhân viên sửa chữa bảo trì, một số lại chịu trách nhiệm điều phối hành khách”.
Ông Vu Quý Bình, lái tàu người Trung Quốc tiết lộ: “Nếu ở Trung Quốc, các bạn cần đào tạo 3 năm để trở thành lái phụ và 5 năm để trở thành lái chính nhưng [ở Kenya] chỉ học chưa đến 1 năm đã trở thành lái phụ”.
Bẫy nợ ngoại giao
Dự án “Đường sắt tiêu chuẩn” cũng vấp phải nhiều tranh cãi tại Kenya. Một nhóm quan chức, trong đó có Tổng giám đốc Công ty đường sắt Kenya và Chủ tịch Ủy ban đất đai quốc gia đã bị bắt hồi tháng 8 năm ngoái với cáo buộc tham nhũng bằng việc trưng thu đường sắt, đất đai. Tuy nhiên, các bên liên quan đã phủ nhận tội danh này.
Truyền thông địa phương cũng tiết lộ, người Trung Quốc chiếm tất cả các công việc được trả lương cao của tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi, trong khi đó người Kenya chỉ được nhận vào các vị trí cấp thấp và không yêu cầu tay nghề kỹ thuật cao, thậm chí nhà ăn nhân viên còn phân biệt hai khu dành cho nhân viên Trung Quốc và nhân viên Kenya.
Công ty đường sắt Kenya đang phối hợp với các luật sư để điều tra cáo buộc này.
Một nhân viên đường sắt người Kenya cho biết, thường xảy ra xung đột văn hóa giữa nhân viên hai nước, đặc biệt có nhiều cáo buộc đối với phía Trung Quốc như: trả lương người bản địa thấp, thời gian làm việc dài v.v…
Đặc biêt, sự phát triển của tuyến đường sắt cao tốc đã gây ảnh hưởng rất lớn tới thu nhập của các tài xế xe tải đường dài tại Kenya.
Mahfud – tài xế xe tải địa phương chia sẻ: “Trước đây, công việc kinh doanh của chúng tôi rất thuận lợi, chúng tôi thường chở hàng hóa từ Mombasa tới Kampala. Tuy nhiên, sau khi tuyến đường sắt cao tốc mới được thông xe, công việc của chúng tôi đã bị ảnh hưởng, tương lai không hề lạc quan”.
Catherine – quan chức Cục cầu cảng Kenya cho biết: “Vận chuyển đường sắt chỉ chiếm 40% tổng lượng vận chuyển quốc gia. Đường sắt chỉ có thể vận chuyển hàng hóa đến ga trung chuyển, sau đó, vẫn phải cần xe tải chuyển lượng hàng tới các điểm đích”.
Hiện nay, nếu chỉ dựa vào các khoản thu từ vận chuyển hàng hóa và hành khách sẽ không đủ trả cho khoản vay trước đó của dự án Đường sắt tiêu chuẩn. Tuyến đường sắt từ Mombasa tới Nairobi, Kenya đã vay Trung Quốc 3,8 tỷ USD. Tuyến đường sắt thứ hai kéo dài từ Nairobi lại tiếp tục vay thêm 1,5 tỷ USD.
Khoản vay khổng lồ đã khiến Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Kenya, với thời hạn trả nợ là 5 năm và sau năm 2019, số tiền hoàn trả sẽ tăng lên 5 lần.
Nhiều người Kenya lo lắng, nợ cao sẽ trở thành một gánh nặng trong tương lai của Kenya và Kenya sẽ trở thành một nạn nhân của “cái bẫy nợ” trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Giá vé xe ở Kenya sau khi tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi thông xe sau 1 năm đã tăng 70% so với thời điểm mới thông xe. Một luật sư Kenya cho rằng, nước này sẽ chỉ làm lợi cho Trung Quốc nếu tiếp tục xây dựng đường sắt trong điều kiện chưa tìm hiểu rõ tác động của dự án tới kinh tế và môi trường.
Ông này chia sẻ: “Trong giao dịch với người Trung Quốc, tất cả các thỏa thuận đều được tiến hành ở Trung Quốc, dự án Đường sắt tiêu chuẩn cũng do Trung Quốc bỏ vốn, điều này chỉ làm tăng nợ của Kenya”.
Luật sư Kenya nhấn mạnh: “Trung Quốc nên cố gắng giảm bớt sự tham gia của các quốc gia Kết quả của Vành đai và con đường vốn phục vụ cho sự phát triển của cả Trung Quốc và châu Phi nhưng hiện nay kết quả chúng tôi nhìn thấy sẽ là một châu Phi tham nhũng và một Trung Quốc phồn vinh. Đây thực sự là mối nguy rất lớn”.