Đạo luật Ủy quyền quốc phòng Hoa Kỳ (NDAA) năm 2019 là đạo luật được thông qua nhanh nhất trong lịch sử hàng chục năm qua của nước Mỹ. Với mức chi tiêu quân sự lên tới 716 tỷ USD, tăng 16 tỷ USD so với năm trước.
Ngày 13/8, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật ủy quyền quốc phòng John S. McCain (NDAA) cho năm tài khóa 2019 tại căn cứ quân sự Fort Drum, ngoại ô New York.
Một ngày sau đó, Trung Quốc lên tiếng tỏ thái độ bất mãn khi Mỹ vẫn thông qua đạo luật trên bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ trước của nước này. Một tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh cực kỳ không hài lòng với “những nội dung tiêu cực liên quan đến Trung Quốc”, đồng thời yêu cầu Mỹ từ bỏ tư duy “Chiến tranh Lạnh” và không thực hiện những điều khoản bất lợi đối với Trung Quốc để tránh làm tổn hại đến mối quan hệ hợp tác đôi bên.
Tờ Business Insider dẫn lời một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ông Greg Poling nhận định, dự luật quốc phòng đã khiến Trung Quốc phải lo lắng vì nó “soi sáng” rất nhiều hoạt động của Trung Quốc mà nước này hoàn toàn không muốn bị lôi ra khỏi bóng tối.
“NDAA đặt trọng tâm vào một cuộc đọ sức mới trong chính sách đối ngoại của chúng tôi – sự cạnh tranh giữa chúng tôi và Trung Quốc”, ông Poling giải thích, đồng thời bổ sung thêm rằng có nhiều mục trong NDAA đã “chỉ đích danh” và lên án các hành vi của Bắc Kinh.
Việc thông qua NDAA 2019 cho thấy quyết tâm của Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh chiến lược về sức mạnh quân sự và kinh tế đối với Trung Quốc, buộc nước này phải bắt tay vào nghiên cứu để tìm ra đối sách, Business Insider nhận định.
NDAA năm nay được đánh giá là phù hợp với Chiến lược Quốc phòng 2018 khi tập trung vào “cuộc cạnh tranh quyền lực lớn” và là “đòn giáng mạnh” vào đối thủ Trung Quốc vốn vẫn đang căng thẳng với Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa hai bên.
Việc NDAA trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc cũng cho thấy rằng các nhà lập pháp, lãnh đạo quân đội, và các quan chức tình báo Mỹ đang ngày càng nhận thức rõ ràng rằng Trung Quốc đại diện cho một trong những mối hiểm họa lớn nhất đến lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Thêm vào đó, NDAA cũng gọi “cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc” là một ưu tiên hàng đầu của Washington.
Củng cố sức mạnh quân sự
Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2019, bao gồm 616,9 tỷ đô la cho ngân sách cơ bản của Lầu Năm Góc, 69 tỷ đô la cho các hoạt động dự phòng ở nước ngoài và 21,9 tỷ đô la cho các chương trình vũ khí hạt nhân của Bộ Năng lượng Mỹ.
NDAA được thông qua trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường lợi thế cạnh tranh với Hải quân Hoa Kỳ trong vùng biển quốc tế. Mỹ trước đó có khoảng cách thua kém về tên lửa với cả Nga và Trung Quốc, có nghĩa là những nước này có tên lửa tầm xa với khả năng đánh chìm các thực thể khổng lồ như tàu sân bay trước khi chúng kịp tiếp cận.
Nhưng dự luật quốc phòng mới đã tập trung vào việc sản xuất càng nhiều tên lửa mới càng tốt để chống lại những mối đe dọa từ các quốc gia đó. Để lấy lại vị thế hàng đầu thế giới, không quân Mỹ đã lên kế hoạch nâng cấp và đầu tư cho các tên lửa tầm xa mới, còn hải quân dự kiến hồi sinh một dự án tên lửa bị lãng quên sau khi Liên Xô tan rã, theo nhận định của chuyên gia quân sự Alex Lockie.
Khoản đầu tư đáng chú ý nhất trong NDAA 2019 là nâng cấp tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk trên khu trục hạm và tuần dương hạm Mỹ, cho phép chúng tấn công, chọc thủng hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của đối phương.
Ngày nay, tên lửa Tomahawk có một phạm vi lớn, khoảng 1.000 dặm, nhưng có thể bắn trúng mục tiêu trên đất mà thôi. Trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Tomahawks có thể tấn công di chuyển tàu, và giờ đây Hải quân Hoa Kỳ đang tìm cách lấy lại sức mạnh đó.
Một sửa đổi trong các công trình của Raytheon sẽ cung cấp 32 phiên bản hàng hải của chiếc Tomahawks vào năm 2021, có thể sẽ vượt xa bất kỳ tên lửa nào của Nga hoặc Trung Quốc.
“Đây là tính năng có thể thay đổi cuộc chơi mà không tốn nhiều chi phí. Tên lửa hành trình diệt hạm có tầm bắn 1.600 km có thể được trang bị cho toàn bộ hạm đội tàu mặt nước và tàu ngầm của chúng tôi”, cựu Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Bob Work nhấn mạnh sau vụ thử nghiệm mẫu Tomahawk nâng cấp hồi năm 2015.
Ngoài việc tăng cường sức mạnh cho hải quân bằng tên lửa diệt hạm, Washington nhiều khả năng còn áp dụng chiến lược mới nhằm gây sức ép toàn diện với Bắc Kinh. Với nguồn ngân sách được tăng đáng kể, hải quân Mỹ sẽ được giải phóng khỏi mối lo ngại về chi phí để tăng cường hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở những vùng biển gần Trung Quốc.
Ngoài ra, lực lượng này cũng có thể đẩy mạnh huấn luyện hải quân Ấn Độ và Sri Lanka để đối phó tham vọng tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Tái thiết quân đội
Phát biểu trước binh lính hồi đầu tuần, Tổng thống Trump đã mô tả đạo luật quốc phòng mà ông sắp ký như sau:
“[NDAA] là đầu tư quan trọng nhất trong quân đội và các chiến sĩ của chúng ta trong lịch sử hiện đại, và tôi rất tự hào khi góp một phần lớn trong đó. Điều này không phải là quá khó. Tôi đã đi đến Nghị viện; Tôi nói, ‘Hãy làm đi. Chúng ta phải làm điều đó. Chúng ta sẽ củng cố quân đội của mình mạnh hơn bao giờ hết’. Và đó là những gì chúng tôi đã làm. Sau nhiều năm cắt giảm [ngân sách] nghiêm trọng, chúng ta đang xây dựng lại quân đội của mình tốt hơn bao giờ hết.”
Bên cạnh việc phê chuẩn tăng lương 2,6% cho quân đội – mức cao nhất trong gần một thập kỷ. NDAA cũng đưa ra một loạt chính sách để phát triển quy mô quân đội thêm 15,6 nghìn người, bổ sung ngân sách cho các chế độ đãi ngộ và huấn luyện binh lính.
Tổng thống Donald Trump ký thông qua đạo luật ủy quyền Quốc phòng trước sự chứng kiến của quân đội Hoa Kỳ (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times)
Tuyên bố trên website của Nhà Trắng trích dẫn lời Tổng thống Donald Trump, phản ánh suy nghĩ của ông về lực lượng quân nhân Hoa Kỳ:
“Chúng ta phải bảo vệ những người bảo vệ chúng ta. Khi các thành viên của chúng ta khoác lên mình bộ đồng phục, nghĩa vụ của chúng ta là đảm bảo rằng họ có thiết bị tốt nhất, đào tạo, đãi ngộ và tài nguyên tốt nhất— tốt hơn bất kỳ quân đội nào trên Trái đất.”
Nghị viện Mỹ đã cho phép Lầu Năm Góc cập nhật luật quản lý văn phòng để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa và mở rộng quy mô quân đội, đảm bảo phát triển và thăng tiến cho những người có tài. Trong những thay đổi quan trọng đó có việc coi trọng biểu biện của quân nhân trong công việc hơn là thâm niên tuổi tác, đồng thời đưa ra nhiều lựa chọn thăng tiến.
Thắt chặt kiểm soát đầu tư từ Trung Quốc
So với các dự thảo trước đó, phiên bản NDAA được Tổng thống Trump ký thông qua đã nới lỏng quyền kiểm soát đối với các hợp đồng chính phủ Mỹ ký với 2 công ty công nghệ lớn của Trung Quốc là Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Trung Hưng (ZTE) và Tập đoàn Công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Biểu tượng của hãng viễn thông ZTE (Trung Hưng) của Trung Quốc. (Ảnh: Fortune)
Tuy nhiên, NDAA 2019 tập trung gia tăng quyền lực của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), trong việc xét duyệt những khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất để xác định xem chúng có ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia hay không.
NDAA cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng đề cập đến các hoạt động gián điệp trong báo cáo thường niên gửi cho Nghị viện. Một động thái được cho là nhắm vào Trung Quốc, trong bối cảnh gia tăng lo ngại về gián điệp kinh tế và các hành vi ăn cắp công nghệ xuất phát từ nước này.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng rằng, Bắc Kinh đã lưu ý đến điều khoản về CFIUS trong đạo luật và sẽ “đánh giá một cách tổng thể các nội dung”, đặc biệt chú ý đến tác động của chúng lên các công ty của Trung Quốc.
Gia tăng sức ép trước hành vi bành trướng trên Biển Đông
Liên quan đến những hành vi quân sự hóa mà Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông, đạo luật tiếp tục củng cố lệnh cấm Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận đa quốc gia thường niên Rim of the Pacific (RIMPAC) trong ít nhất bốn năm. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người đã từ chối cho Trung Quốc dự cuộc tập trận RIMPAC 2018, nói rằng việc quân sự hóa và ép buộc các nước láng giềng của Bắc Kinh ở Biển Đông là “mâu thuẫn với các nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận chung RIMPAC”.
Theo đó, Trung Quốc chỉ được phép tham dự RIMPAC khi Lầu Năm Góc có thể xác nhận được với các ủy ban quốc phòng của Nghị viện rằng Bắc Kinh đã “ngừng tất cả các hoạt động cải tạo đất đai ở Biển Đông; loại bỏ tất cả vũ khí khỏi các khu vực cải tạo đất; và thiết lập một hồ sơ theo dõi nhất quán trong bốn năm về các hành động nhằm ổn định khu vực”.
NDAA cũng đòi hỏi Lầu Năm Góc gửi báo cáo lên Nghị viện và công chúng, ghi lại các động thái leo thang quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ trưởng quốc phòng có trách nhiệm thực hiện các báo cáo này “ngay lập tức” sau khi Trung Quốc có bất kỳ động thái cải tạo mới, hoặc quân sự hóa, hoặc khẳng định bất kỳ tuyên bố mới nào ở Biển Đông.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã liên tục triển khai lắp đặt công nghệ gây nhiễu, tên lửa đối không, tên lửa hành trình chống tàu, và thậm chí cả các máy bay ném bom hạng nặng vào các tiền đồn của Trung Quốc trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cáo buộc Trung Quốc “đe dọa và ép buộc” ở Biển Đông.
Rachael Burton, phó giám đốc tại Viện Dự án 2049 ở Virginia, nói với tờ Wall Street Journal rằng các quy định của NDAA tập trung vào Biển Đông là “một tín hiệu cho các đồng minh và đối tác trong khu vực – đặc biệt là Úc, Nhật Bản và Đài Loan – rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là không thể chấp nhận như bình thường.”
Dự luật cũng bao gồm các điều khoản để tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Mỹ với Ấn Độ và Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ phải thu hồi. Bất chấp những phản đối của Trung Quốc, cho rằng Mỹ đang vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc” và gây tổn hại cho sự tin cậy và hợp tác Mỹ-Trung.
Ngăn chặn ảnh hưởng tuyên truyền tư tưởng vào Hoa Kỳ
NDAA 2019 cũng đáp trả một thông điệp mạnh mẽ đối với nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng đến các diễn ngôn công khai, đặc biệt là nỗ lực tác động đến “phương tiện truyền thông, tổ chức văn hóa, kinh doanh và cộng đồng học thuật và chính sách”. Trong đó điển hình là điều khoản giới hạn tài trợ của Bộ Quốc phòng cho các chương trình ngôn ngữ Trung Quốc tại các trường đại học ở Hoa Kỳ có mở Viện Khổng Tử.
Các Viện Khổng Tử được mô tả là các chương trình trao đổi ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng như các tổ chức như Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hay Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đều nhận định rằng mục đích thực sự của các trung tâm này không lành mạnh như những gì nó thể hiện.
Trụ sở của Viện Khổng Tử ở Bắc Kinh (Ảnh: RFA)
Giáo viên tại Viện Khổng Tử được tuyển dụng bởi Trung Quốc và phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc, bao gồm cả những hạn chế chặt chẽ về phát biểu. Điều này dẫn đến một thực tế là các sinh viên Mỹ được dạy một phiên bản lịch sử tốt đẹp về Trung Quốc và hoàn toàn bỏ qua những vi phạm nhân quyền. Các chương trình cũng thuyết phục học sinh rằng Đài Loan và Tây Tạng thuộc về lãnh thổ không thể chối cãi của Trung Quốc.
CIA đã ban hành một báo cáo phân loại vào tháng Ba về các hoạt động ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Theo báo cáo thu được từ Washington Free Beacon, cơ quan này cảnh báo Trung Quốc đang sử dụng các biện pháp khuyến khích tài chính để thấm nhuần các trường đại học của Mỹ, như một cách để tuyên truyền quan điểm tích cực về Bắc Kinh và ngăn chặn các nỗ lực nghiên cứu.
“[Đảng Cộng sản Trung Quốc] đã sử dụng chiến thuật này để vinh danh các quan điểm ủng hộ Trung Quốc đồng thời ép buộc các ấn phẩm học thuật phương Tây và các hội nghị thực hiện chế độ tự kiểm duyệt”, báo cáo cho biết. “ĐCSTQ thường từ chối cấp visa cho các học giả chỉ trích chế độ, khuyến khích nhiều học giả Trung Quốc tự kiểm duyệt trước, để họ có thể duy trì quyền nhập cảnh vào đất nước mà nghiên cứu của họ phụ thuộc.”
Trước đó vào tháng Hai, Giám đốc FBI Christopher Wray tiết lộ rằng văn phòng đang điều tra Viện Khổng Tử. Ông cho biết: “Chúng tôi có chung một mối quan ngại về Viện Khổng Tử. Chúng tôi đã theo dõi sự phát triển đó một thời gian”.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray (Ảnh: Reuters)
Các viện nghiên cứu chỉ là một công cụ trong kho vũ khí của Bắc Kinh về một hoạt động gián điệp rộng lớn ở Hoa Kỳ, theo lời nhận định của giám đốc FBI.
Hôm 14/8, Trường đại học North Florida đã thông báo về quyết định chấm dứt hợp đồng với Viện Khổng Tử sau khi “xem xét cẩn thận” và xác định là Viện này không đáp ứng được sứ mệnh đã cam kết. Viện Khổng Tử mở một chi nhánh ở trường đại học North Florida vào năm 2014 để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa.
Các trường đại học Chicago và Pennsylvania trước đó cũng đã chấm dứt hợp đồng Viện Khổng Tử. Ở Canada, Đại học McMaster chia tay với Viện Khổng tử vì chế độ phân biệt đối xử vô lý trong chính sách tuyển dụng đối với Pháp Luân Công, một môn khí công truyền thống tuân theo các nguyên tắc đạo đức Chân – Thiện – Nhẫn.
Pháp Luân Công được phổ biến rộng rãi tại Trung Quốc trong những năm 1990 và trải qua một cuộc đàn áp tại Trung Quốc từ năm 1999 cho đến nay. Trái lại, cộng đồng thế giới bày tỏ nhiều yêu mến và ủng hộ đối với Pháp Luân Công nhờ vào hiệu quả giúp con người nâng cao đạo đức, cải biến sức khỏe và tinh thần.
Trang web của Hanban đưa ra yêu cầu cho các giáo viên dạy tiếng Trung là “tuổi từ 22 đến 60, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, không có hồ sơ tham gia vào Pháp Luân Công và các tổ chức bất hợp pháp khác, và không có hồ sơ tội phạm.”
Phát hiện này đã khiến cho Viện Khổng Tử bị đánh giá một trong những hình thức để lan rộng ảnh hưởng của cuộc đàn áp phi pháp ra nước ngoài.
Bà Marci Hamilton, trưởng khoa luật tại Đại học Yeshiva ở Los Angeles, gọi chính sách này là “phi đạo đức và bất hợp pháp trong thế giới tự do”. Luật sư nhân quyền Clive Ansley đã lập luận rằng chính sách tuyển dụng của Viện Khổng Tử vi phạm nhân quyền và các quy tắc chống phân biệt đối xử.
Bên cạnh những thay đổi về nội dung, một trong những khía cạnh đáng lưu tâm của NDAA năm nay là yếu tố thời gian. Kể từ khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào năm 2010, NDAA là một sự kiện chủ yếu diễn ra vào cuối năm, và Nghị viện tổ chức một cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào mùa thu. Tuy nhiên, năm nay, cả Hạ viện và Thượng viện đã phê chuẩn phiên bản cuối cùng của NDAA vào ngày 1/8, chưa đầy hai tuần sau khi vấn đề được đưa ra tại hội nghị.
Đây là lần thứ năm kể từ năm 2006 Nghị viện gửi NDAA cho Tổng thống để ký trước khi bắt đầu năm tài chính mới – và lần đầu tiên Nghị viện đã làm như vậy trước tháng 8, kể từ năm 1988. Điều này cho thấy một sự đồng thuận từ cả hai Đảng trong quyết tâm củng cố vị thế của Hoa Kỳ trên trường thế giới.
Giới quan sát nhận xét đạo luật này là một chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm kết hợp các con bài quan trọng trong cả lĩnh vực kinh tế và quốc phòng, tạo sức mạnh tổng thể nhằm làm thay đổi các quy tắc với Trung Quốc theo hướng có lợi cho nước Mỹ.