Những tin tức xấu đến với Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình từ bỏ chính sách giấu mình chờ thời và mở cửa cải cách, đặc biệt là bành trướng trên Biển Đông.
Giáo sư Min Xinpei (Bùi Mẫn Hân) từ trường Claremont McKenna College ở Claremont, California, Hoa Kỳ ngày 19/8 có bài phân tích đáng chú ý đăng trên tờ The Korea Herald, Hàn Quốc: “Mùa hè bất mãn ở Trung Quốc”.
Cách đây 5 tháng, Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp, bãi bỏ giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ với chức danh Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước, báo hiệu ông Tập Cận Bình sẽ tại vị suốt đời.
Điều này không khiến Giáo sư Min Xinpei ngạc nhiên, mà điều khiến ông thực sự ngạc nhiên đến sau đó. Nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa này cho rằng:
“Tập Cận Bình đang phải đối mặt với một mùa hè tồi tệ nhất kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 11/2012, đặc trưng bởi một loạt tin xấu đã khiến nhiều người Trung Quốc cảm thấy thất vọng, lo lắng, tức giận, không hài lòng với nhà lãnh đạo ngày càng mạnh mẽ của mình.
Tin xấu mới nhất đến vào cuối tháng trước, khi các nhà điều tra của chính phủ phát hiện ra một công ty dược phẩm đã sản xuất vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà không đủ tiêu chuẩn.
Hàng trăm ngàn trẻ em Trung Quốc đã sử dụng các loại vắc xin này.
Tất nhiên, Trung Quốc đã từng trải qua các vụ bê bối tương tự trước đây, từ sữa nhiễm hóa chất melanin (2008), thuốc chống đông máu Heparin nhiễm độc (2008), các doanh nhân tham lam và các quan chức tham nhũng đã bị bắt.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã đặt cược vốn liếng chính trị của mình vào chiến dịch chống tham nhũng và tăng cường kiểm soát nội bộ.
Cho nên, thực tế việc một doanh nghiệp tư nhân có liên hệ sâu sắc với chính giới lại là tâm điểm của vụ bê bối vắc xin, là bằng chứng cho thấy chiến dịch chống tham nhũng không hiệu quả như tuyên truyền.
Một hậu quả ngoài ý muốn của việc ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực, là ông chịu trách nhiệm về vụ bê bối, ít nhất là trong mắt công chúng Trung Quốc.
Nhưng phản ứng mạnh mẽ chống lại ông Tập Cận Bình bắt đầu từ trước cả vụ bê bối vắc xin. Mối quan tâm đã tăng lên qua việc tạo ra một nền văn hóa sùng bái cá nhân.
Những tháng gần đây, một ngôi làng hoang vắng nơi ông Tập Cận Bình đã có 7 năm sinh sống làm việc cùng nông dân trong Cách mạng Văn hóa đã trở thành một điểm du lịch nổi bật, do những người trung thành với ông thúc đẩy.
Đối với một số người, điều này gợi nhớ đến chủ nghĩa sùng bái cá nhân mà Mao Trạch Đông đã tạo ra trong Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa làm kinh tế Trung Quốc kiệt quệ.
Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến mức sụt giảm 14% giá trị thị trường cổ phiếu trong năm nay.
3 mùa hè trước, khi đối mặt với tình trạng giá cổ phiếu giảm mạnh, ông Tập Cận Bình đã ra lệnh cho các công ty nhà nước bỏ tiền ra mua cổ phiếu để chống đỡ cho thị trường.
Nhưng ngay sau khi việc mua bán cưỡng chế này dừng lại, một cơn sụt giảm tiếp theo lại xảy ra.
Lần này, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang cạn dần, ông Tập Cận Bình đã không lặp lại giải pháp trước đây, nhưng những gì đang chờ đón thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn còn là câu hỏi đang bỏ ngỏ.
Ngoài ra còn có những tin tức kinh tế xấu hơn.
Đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 tháng qua, trong khi tăng trưởng GDP có vẻ như vẫn đáp ứng được mục tiêu 6,5% trong năm 2018 thì nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu.
Thông tin tồi tệ nhất là cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.
Mặc dù tác động kinh tế của nó vẫn chưa được cảm nhận, cuộc xung đột thương mại Tổng thống Donald Trump khởi xướng có thể sẽ là thách thức khó khăn nhất mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt từ trước đến nay, vì tác động của nó vượt xa vấn đề kinh tế.
Giai đoạn đầu, ông Tập Cận Bình quảng bá về giấc mộng Trung Hoa hay sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc.
Nhưng khi cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ trở nên rõ ràng hơn, đã làm bộc lộ một thực tế là Trung Quốc vẫn phụ thuộc sâu vào thị trường và công nghệ của Mỹ.
Từ một (hình ảnh) siêu cường mới nổi sẵn sàng định hình lại nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã bị phơi bày giống như một gã khổng lồ với đôi chân đất sét.
Trong 40 năm qua kể từ khi Đặng Tiểu Bình lãnh đạo Trung Quốc cải cách mở cửa, đất nước này đã đạt được mức tăng trưởng và phát triển kinh tế chưa từng có.
Nhưng tiến trình đó sẽ không thể, hoặc ít nhất là chậm hơn nhiều nếu như thiếu sự hợp tác với Mỹ.
Ông Tập Cận Bình đã kết thúc chính sách này khi lên nắm quyền, ít nhất là với các hành động ngày càng hung hăng ở Biển Đông. Những diễn biến này chỉ đến một kết luận đơn giản: Trung Quốc đang đi sai hướng.
Tuy nhiên, bất chấp những tin đồn về phản kháng, chống lại quyền lực của ông từ các nhà lãnh đạo cao cấp đã nghỉ hưu, dường như Tập Cận Bình vẫn vững như bàn thạch.
Ông vẫn kiểm soát bộ máy an ninh và quân đội.
Hơn nữa, ông không có đối thủ nào đủ can đảm và ảnh hưởng thực sự để thách thức quyền lực của mình, giống như Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo kỳ cựu khác năm 1978 thay thế Hoa Quốc Phong, người được Mao Trạch Đông chỉ định.
Có điều, con đường phía trước vẫn nguy hiểm với ông Tập Cận Bình.
Nếu tiếp tục chính sách hiện nay thì Trung Quốc sau mỗi cú vấp ngã sẽ củng cố thêm những nhận thức tiêu cực về vai trò lãnh đạo của ông.
Nhưng một sự thay đổi cũng có thể làm tổn hại danh tiếng của Tập Cận Bình vì nó dẫn đến sự thừa nhận sai lầm, một vấn đề khó vượt qua với bất kỳ nhà lãnh đạo nào, và càng khó với những người quyền lực như ông Tập Cận Bình.
Một số chính sách mới sẽ buộc ông Tập Cận Bình phải chấp nhận sự xung đột với cá tính và giá trị quan của mình. Rủi ro là có thật. Nhưng Tập Cận Bình có lẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải đối mặt với chúng.
“Mùa hè bất mãn” ở Trung Quốc năm nay rõ ràng cho thấy, Tập Cận Bình cần một kế hoạch mới.”