Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 23/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 23/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 23/08/2018.

Lo ngại về hoạt động bành trướng trên biển của Trung Quốc, Mỹ đang nỗ lực cải thiện tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Ngày 23/8, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng bài viết “Lo ngại về hoạt động bành trướng trên biển của Trung Quốc, Mỹ đang cải thiện tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của chuyên gia phân tích độc lập Emanuele Scimia. Ông Scimia cho hay, lo ngại của Mỹ đã được thể hiện rõ trong báo cáo thường niên mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về hoạt động quân sự của Trung Quốc, trong đó có lo ngại rằng các máy bay ném bom của Trung Quốc có thể sẽ tấn công Mỹ và các căn cứ đồng minh tại khu vực Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lưu ý rằng dù sự hiện diện quân sự cũng như mạng lưới các đối tác và đồng miinh của nước này ở vành đai phía Tây Thái Bình Dương rất vững chắc song tại những khu vực như Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương lại có những yếu điểm mà Trung Quốc có thể khai thác được. Lầu Năm góc cũng lưu ý tới việc triển khai các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc ở các vùng biển Nam Á cũng như hoạt động theo dõi của Trung Quốc tại vùng biển Coral Sea trong cuộc diễn tập hàng hải chung giữa Mỹ và Úc hồi năm 2017. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp của Mỹ cũng nhận thấy liên kết giữa các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cùng với các mục tiêu chiến lược và quốc phòng của nước này. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã xây dựng một Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á với nội dung “tái xây dựng, mở rộng và kéo dài” nhằm vào các khoản đầu tư và hỗ trợ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dành cho một số nước Đông Nam Á. Tác giả bài viết nhận định, Washington rõ ràng đang nỗ lực làm suy yếu thế kìm kẹp chiến lược của Bắc Kinh ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. Theo đó, các nước Nam Á như Sri Lanka, bị xem là nạn nhân của ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc, và Bangladesh, một nước có quan hệ khá gần gũi với Trung Quốc, sẽ được hỗ trợ và huấn luyện quân sự theo kế hoạch.

Duterte cảnh báo “sẽ có rắc rối” nếu Trung Quốc độc quyền hoạt động thăm dò dầu khí và Uranium ở Biển Đông

GMA News đưa tin, ngày 22/8, phát biểu tại Thành phố Cebu, Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra cảnh báo rằng “sẽ có rắc rối xảy ra nếu Trung Quốc độc quyền việc thăm dò dầu khí và Uranium ở Biển Đông”, đồng thời cho hay ông sẽ chỉ đạo ông Eduardo Año, người phụ trách Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương Philippines tới khu vực để “tấn công” phía Trung Quốc nếu nước này đơn phương tiến hành hoạt động thăm dò.

GMA News cho biết, hiện hai nước đang đàm phán về hoạt động thăm dò tài nguyên chung ở Biển Đông, và Phủ Tổng thống Philippines đang kỳ vọng sẽ đạt được thoả thuận trong năm nay.

Đòn tấn công quyến rũ của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 23/8, The Strategist đăng bài viết “Đòn tấn công quyến rũ của Trung Quốc ở Biển Đông” của Lee YingHui, nghiên cứu viên cao cấp tại Chương trình An ninh biển, Trường Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Tác giả cho biết, sau nhiều năm đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Trung Quốc và ASEAN đã đạt được một số thành quả nhất định nhưng “ấn tượng về hoà bình được hình thành trong tình hình gần đây” lại cho thấy rõ về chiến lược Biển Đông đang thay đổi của Trung Quốc. Kể từ khi Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 được đưa ra, Trung Quốc luôn tích vực với chiến dịch khôi phục hình ảnh của mình trong mắt các quốc gia ASEAN thông qua việc đưa ra một lập trường “thể hiện tính hợp tác hơn” về vấn đề này, chẳng hạn như cho phép ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough trở lại; thúc đẩy các sáng kiến kinh tế cho các nước Đông Nam Á qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán đối với COC… Đáng chú ý, mặc dù Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục triển khai thêm các vũ khí hạng nặng tới các đảo nhân tạo ở Biển Đông, nước này bắt đầu áp dụng cách tiếp cận mềm dẻo và khôn khéo hơn nhằm củng cố yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc tranh chấp ở khu vực, trong đó có việc công bố kế hoạch phát triển các đảo không có người ở trên Biển Đông nhằm “bình thường hoá quyền tài phán của nước này đối với các cấu trúc này”. Trung Quốc cũng tận dụng việc các bên tranh chấp trong ASEAN không đưa ra phản đối công khai để đẩy mạnh các yêu sách của mình ở khu vực. Ông YingHui nhận định, các biện pháp phi quân sự đang dần trở thành chiến lược cốt lõi của Trung Quốc nhằm làm biến đổi nguyên trạng ở Biển Đông, chuyển từ cách tiếp cận quân sự đơn thuần sang cách tiếp cận nước đôi, bắt đầu từ khi Trung Quốc thành lập nên cái gọi là “Thành phố Tam Sa” nằm trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cách tiếp cận này không gây chú ý dư luận, do đó cho phép Trung Quốc đạt được mục tiêu mà không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nước này. Việc tập trung vào các hoạt động dân sự cũng giúp nước này có cơ sở để chỉ trích các hoạt động hàng hải của Mỹ ở khu vực là “quân sự hoá”. Ông cảnh báo, trong bối cảnh Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành thêm nhiều hoạt động gây hấn “mềm mỏng” ở Biển Đông trong thời gian tới, các quốc gia ASEAN cần lưu ý tới khả năng này trong bối cảnh các bên đang tiếp tục triển khai các cuộc đàm phán về COC.

Philippines bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân của Trung Quốc trên Biển Đông

CNN Philippines đưa tin, tại một cuộc họp báo ngày 23/8, ông Harry Roque, Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines đã bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân của Trung Quốc ở Biển Đông được đề cập trong báo cáo của Lầu Năm Góc. Ông cho biết: “Philippines lo ngại về việc đưa bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào vào lãnh thổ của Philippines vì ​​Hiến pháp Philippines đã quy định rõ rằng Philippines là một khu vực phi hạt nhân”. Trước đó, ngày 18/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ báo cáo này của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng Washington đang đưa ra những lời bình luận vô trách nhiệm về sự phát triển quốc phòng của Bắc Kinh, khẳng định Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi con đường phát triển hòa bình và chính sách quốc phòng mang bản chất phòng vệ.

RELATED ARTICLES

Tin mới