Mặc dù sở hữu số lượng máy bay chiến đấu lớn thứ ba thế giới nhưng Không quân Trung Quốc thực sự chưa thể cùng đẳng cấp với Không quân Mỹ hay Nhật Bản. Vậy đâu là nguyên nhân?
Quy trình đào tạo lạc hậu
Với những chiến thuật không chiến lạc hậu cùng giáo trình đào tạo phi công không khuyến khích sự sáng tạo của cá nhân và ít được tập luyện cùng với những phi công đẳng cấp của các quốc gia khác, phi công quân sự của Trung Quốc thiếu kỹ năng không chiến đỉnh cao.
Các phi công quân sự Trung Quốc thường kém về tư duy chiến thuật, khả năng xử lý độc lập cũng như tính quyết đoán do họ quá phụ thuộc vào chỉ huy dưới mặt đất, nhất là tình huống không chiến với đối phương.
Trên đây là đánh giá của Kongjun Bao – tờ báo nội san của Không quân Trung Quốc.
Trung Quốc hiện có lực lượng không quân lớn thứ 3 trên thế giới và có thể vượt qua Mỹ trong vòng 15 năm tới nhưng trong một cuộc chiến trên không với Không quân Mỹ, Bắc Kinh sẽ phải cần nhiều máy bay hơn.
Lý do là vì chất lượng máy bay chiến đấu, cũng như trình độ phi công của Mỹ hơn hẳn Trung Quốc. Để có thể giành chiến thắng, Trung Quốc phải dùng số đông.
Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) từ lâu cũng nhận thức được điều này. Theo một báo cáo gần đây của RAND Corporation, một quỹ nghiên cứu có quan hệ chặt chẽ với Không quân Mỹ cho biết:
Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm, phát triển các chiến thuật không chiến hiện đại, thay đổi giáo trình và phương pháp huấn luyện phi công, tăng giờ bay thực tế cho phi công và rèn luyện phi công trẻ bay trong những điều kiện khí tượng phức tạp. Những thay đổi trên, theo thời gian, có thể giảm khoảng cách về trình độ giữa không quân Trung Quốc và Mỹ.
Chiến lược quân sự chậm thay đổi
Về sâu xa, lý do không quân Trung Quốc vẫn chỉ quanh quẩn ở trình độ “vùng trũng” là do các thế hệ lãnh đạo quân đội Trung Quốc đều trưởng thành từ Quân chủng Lục quân, chiến thuật dựa vào phòng ngự là chính, lấy phương châm chiếm thành, giữ đất là quan trọng. Do vậy, trong tư tưởng quân sự, họ không coi trọng phát triển lực lượng không quân như Mỹ hay Nga.
Điều này cũng do lịch sử đau thương từ Thế chiến II, khi 14 triệu người Trung Quốc mất mạng trong cuộc xâm lược và chiếm đóng của quân đội đế quốc Nhật Bản. Từ đó, Trung Quốc đã định hình chiến lược ủng hộ tập trung đầu tư xây dựng các lực lượng Lục quân, coi nhẹ không quân và hải quân.
Trong phần lớn thời gian Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã xem xét nguy cơ xâm lược khác, đặc biệt từ Liên Xô, là mối đe dọa quân sự số 1 của họ. Do vậy, Trung Quốc đã xây dựng lực lượng Lục quân lớn nhất thế giới.
Trong công cuộc cải cách mở cửa vào thập niên 1980, Trung Quốc đã tiến hành thực hiện các cải cách quân sự lớn, chú trọng phát triển lực lượng không quân và hải quân.
Trải qua nhiều lần cải cách quân đội (lần gần nhất là năm 2016), mặc dù lực lượng Lục quân giảm mạnh nhưng không quân và hải quân lại tăng mạnh cả về trang bị và quân số, đồng thời chiến lược quốc phòng của họ cũng thay đổi nhằm hiện thực học thuyết “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Song cấu trúc từ trên xuống của PLA ít thay đổi, vẫn mang tính tập trung cao độ. Điều này ngăn cản việc phát huy tối đa năng lực của các đơn vị không quân.
Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, hình thức cũng như giáo trình huấn luyện lạc hậu, các kế hoạch chiến đấu xa rời thực tế, được soạn thảo và lấy cảm hứng từ những “công chức quân sự” chuyên ngồi trong “phòng lạnh”, mà ít khi có ý kiến đóng góp hay phản biện của chính phi công… Điều này có thể dẫn đến thất bại khi có những cuộc đụng độ quân sự thật.
Những thách thức đối với không quân Trung Quốc
Đào tạo phi công để thích nghi với điều kiện không chiến luôn thay đổi nhanh chóng và có thể đưa ra quyết định ngay tại chỗ là vấn đề các nhà lãnh đạo không quân Trung Quốc đang hướng tới. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng khi các thế hệ phi công quân sự của Trung Quốc đã quen với việc được dẫn bay và chỉ huy từ dưới mặt đất.
Một máy bay chiến đấu chỉ phát huy được tính năng kỹ chiến thuật khi nó được điều khiển bởi những phi công quả cảm, giàu kinh nghiệm chiến đấu và có những kỹ năng bay siêu việt.
Không quân Trung Quốc hiện được trang bị nhiều máy bay tốt nhưng những phi công đẳng cấp họ rất hiếm – Sergey Bogdan phi công thử nghiệm số 1 của Nga đã nhận xét về phi công Trung Quốc như vậy.
“Như vậy, có rất nhiều yếu tố bất lợi xảy ra trong không chiến. Ví dụ, mệnh lệnh từ mặt đất thường không thể theo kịp tình huống không chiến phức tạp và có thể thay đổi nhanh chóng.
Các phi công của chúng ta (Trung Quốc) dựa quá nhiều vào các mệnh lệnh và hướng dẫn từ mặt đất, đây là điều không thuận lợi để tăng cường sự quyết đoán và sáng tạo của các phi công” – tờ Kongjun Bao nói thêm.
Các vấn đề tương tự cũng sẽ xảy ra trong các cuộc tấn công giả định các mục tiêu trên mặt đất. Trong một bài tập, chỉ huy đã thử nghiệm trình độ phi công bằng cách thay đổi mục tiêu của họ trên cơ sở không thông báo trước nhưng phi công do căng thẳng vì bay quá thấp, đã bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt mục tiêu.
Mặc dù các thông tin về lực lượng không quân Trung Quốc là rất ít ỏi nhưng RAND lưu ý rằng, không quân Trung Quốc đang thử nghiệm chiến đấu độc lập thông quan việc xây dựng kế hoạch bay, thay đổi đường bay cũng như chiến thuật…nhằm nâng cao khả năng xử lý độc lập của phi công, nhất là trong những trận chiến cách xa căn cứ, khi máy bay phải tiếp dầu trên không.
Bắc Kinh thậm chí còn xáo trộn phi công giữa các căn cứ không quân khác nhau để phi công đa dạng địa hình.
Trong các cuộc diễn tập đối kháng, các chỉ huy đã hạn chế số lượng thông tin được chia sẻ giữa các phi đội trước khi họ tiến hành không chiến giả định, đồng thời tăng cường huấn luyện phi công ở những địa hình mới, lạ, để phi công tăng kỹ năng xử lý đảm bảo sát “điều kiện chiến đấu thực tế”.
PLAAF thậm chí sẽ “thường xuyên loại bỏ các hạn chế an toàn” để nâng cao khả năng sáng tạo và kỹ năng bay của phi công.
Bắc Kinh dự đoán một cuộc xung đột tiềm năng với Mỹ sẽ diễn ra ở Tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc có lợi thế về số lượng.
Theo một nghiên cứu riêng biệt được RAND công bố, nếu cuộc chiến xảy ra trên eo biển và vùng lãnh thổ Đài Loan, ưu thế về lực lượng giữa không quân Trung Quốc và Mỹ là 3/1.
Tỷ lệ càng tăng hơn nếu Trung Quốc có thể khống chế thành công căn cứ không quân gần nhất mà Mỹ có thể chi viện cho Đài Loan, như căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản, bằng cuộc tấn công của tên lửa đạn đạo.
Không quân Trung Quốc có thể giành thế áp đảo về số lượng máy bay, nhưng với trình độ phi công quân sự như hiện nay, theo RAND, chưa chắc họ (Trung Quốc) có thể giành chiến thắng áp đảo, hoặc nếu giành chiến thắng, PLAAF sẽ trả cái giá rất đắt về phi công và máy bay.