Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại ở cấp Thứ trưởng trong hai ngày 22 và 23/8 tại thủ đô Washington của Mỹ.
Vòng đàm phán diễn ra trong bối cảnh các biện pháp thuế quan của Mỹ nhằm vào lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD sẽ có hiệu lực vào ngày 23/8. Phía Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ sẽ áp mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có tổng trị giá tương tự. Các biện pháp trả đũa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ còn gây nên những hậu quả lớn hơn cho hai nước, cũng như tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Xung quanh chủ đề này, Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ có cuộc phỏng vấn chuyên gia Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge.
PV: Liệu hai bên có đạt được bước đột phá nào hay ít nhất đạt được 1 thỏa thuận khung nào đó trong lần đàm phán này hay không thưa ông?
Chuyên gia Anthony: Tôi cho rằng sẽ khó có đột phá đáng kể tại vòng đàm phán này. Đây là vòng đàm phán cấp thấp do đó các thành viên tham gia không có khả năng quyết định các thỏa thuận lớn cho chính phủ của mình. Ngoài ra, đoàn đàm phán của Mỹ do bộ Tài chính dẫn đầu, cơ quan thường có thiện cảm đối với Trung Quốc hơn là các bộ phận khác trong chính quyền của tổng thống Trump. Khả năng vòng đàm phán này đạt được có thể là thiết lập một số khung cho các điều khoản đàm phán mà hai bên có thể trình lên lãnh đạo ở các cấp cao hơn mà sau đó có thể được sử dụng làm nền tảng cho các cam kết và đề xuất sau này.