Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTới thăm Bắc Kinh, ông Mahathir đã ngoạn mục "định hình lại"...

Tới thăm Bắc Kinh, ông Mahathir đã ngoạn mục “định hình lại” quan hệ TQ – Malaysia

Ông Mahathir vốn không lạ lẫm gì Trung Quốc và Trung Quốc cũng rất hiểu biết ông Mahathir.

Ảnh: Reuters

Tái định hình quan hệ song phương

Với chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày vừa qua, thủ tướng Malaysia Mohamad Mahathir theo đuổi mục tiêu định hình lại mối quan hệ giữa hai nước. Ông Mahathir vốn không lạ lẫm gì Trung Quốc và Trung Quốc cũng rất hiểu biết ông Mahathir.

Chẳng gì thì trong thời cầm quyền lần trước ở Malaysia từ 1981đến 2003, ông Mahathir cũng đã từng 7 lần tới thăm Trung Quốc. Trong thời ấy và từ thời ấy cho tới khi ông Mahathir trở lại cầm quyền, mối quan hệ song phương này cũng đâu có tồi, thậm chí lại còn rất tốt nữa là đằng khác ở thời người tiền nhiệm trực tiếp của ông Mahahir là ông Najib Razak.

Nhưng ông Mahathir phải tìm cách định hình lại mối quan hệ này vì balý do.

Thứ nhất, khi tái xuất chính trường và tham gia phe đối lập tiến hành cuộc đấu tranh chính trị quyền lực ở Malaysia nhằm lật đổ ông Najib Razak, ông Mahahir đã phê phán quan điểm chính sách của ông Najib Razak đối với Trung Quốc và tỏ thái độ găng với Trung Quốc.

Ông Mahathir đã có những cam kết tranh cử khá bất lợi cho những ý đồ chiến lược của Trung Quốc ở Malaysia, trong đó đáng chú ý nhất là cam kết xem xét lại những dự án hợp tác đầu tư lớn của Trung Quốc ở Malaysia, sự tham gia của Malaysia vào kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc và quan điểm thái độ chính thức của Malaysia về những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Cho nên ông Mahathir không thể không thực hiện những cam kết này sau khi phe cánh chính trị của mình thắng cử trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi và bản thân trở lại cầm quyền.

Thứ hai, Trung Quốc đã, hiện vẫn và trong tương lai sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng đối với Malaysia trên mọi phương diện.

Ông Mahathir ý thức được rất rõ và đầy đủ điều ấy nên không thể không nỗ lực hết mức và bằng mọi giá tạo ra được sự cân bằng giữa trang trải nhu cầu đối nội và tranh thủ Trung Quốc.

Thứ ba, ở thời điểm hiện tại so với thời gian 22 năm ông Mahathir quản lý Malaysia trước kia, cả Malaysia lẫn Trung Quốc, cả khu vực Đông Á lẫn thế giới đều đã có những thay đổi rất cơ bản và sâu sắc trên mọi phương diện, tương quan thế và lực cũng như cục diện quan hệ quốc tế đã chuyển dịch rất nhiều mà không phải chỉ có lợi hoặc lợi nhiều hơn hại đối với Malaysia.

Với chuyến công du Trung Quốc này, ông Mahathir giải bài toán khó đang đặt ra là phải là cho dân ở trong nước tin rằng “tân quan, tân chính sách” trong khi phải thuyết phục Trung Quốc hiểu cho là “thời mới đòi hỏi chính sách mới ở Malaysia”.

Tức là phải định hình lại mối quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc.

Định hướng cốt lõi

Trong việc này, khác với người tiền nhiệm, ông Mahathir cho thấy đang để cho ba tiêu chí chi phối quan điểm và định hướng chính sách.

Thứ nhất là định tính va định lượng lại cái lợi thiết thực cho Malaysia từ quan hệ hợp tác với Trung Quốc.

Thứ hai là ngăn ngừa khả năng Malaysia vì hợp tácvới Trung Quốc mà trở thành “con nợ” của Trung Quốc hoặc phải vay nợ nước ngoài nhiều hơn.

Ở đây rõ ràng phảng phất nỗi lo ngại sâu xa về sa vào cái gọi là “bẫy nợ” khi tham gia kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” – một trong những chủ đề nội dung được thảo luận khá sôi động ở khu vực và trên thế giới trong thời gian gần đây.

Thứ ba, ông Mahathir sử dụng cụm từ “Hình thức mới của chủ nghĩa thực dân” trong mối liên hệ này. Ý tại ngôn ngoại theo đúng nghĩa của cụm từ.

Trung Quốc xem ra rất hiểu là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Malaysia hiện trong thời điểm và bối cảnh tình hình rất nhạy cảm và ông Mahathir có những khó xử nhất định về cả đối nội lẫn đối ngoại cũng như không giống như thời cầm quyền xưa.

Cho nên chuyến thăm Trung Quốc này của ông Mahathir khá thuận lợi.

Một bên buộc phải chấp nhận một số cái cũ để gây dựng cái mới còn một phía phải chấp nhận cái mới để duy trì được cái cũ trong cặp quan hệ song phương này.

Tới đây sẽ như thế nào là kịch bản để mở phần kết bởi ông Mahathir hiện tuổi cao và cho biết không có ý định cầm quyền trọn cả nhiệm kỳ quốc hội hiện tại. Người kế nhiệm ông Mahathir, nếu không có đột biến, là ông Anwar Ibrahim.

Ông Mahathir chủ ý xác định hành lang mới cho mối quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc trong khi Trung Quốc coi thời ông Mahathir cầm quyền ở Malaysia chỉ là một thời kỳ quá độ.

Chẳng phải có câu “Cờ bạc ăn nhau về cuối” đó sao? Trong chính trị thế giới và quan hệ giữa các quốc gia cũng đâu có khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới