Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngQuan điểm Mahathir về căng thẳng Mỹ - Trung trên Biển Đông

Quan điểm Mahathir về căng thẳng Mỹ – Trung trên Biển Đông

Tân Thủ tướng Malaysia cho thấy cái nhìn của một nước yếu hơn về sự thay đổi trật tự châu Á do đối đầu Mỹ – Trung và 1 lập trường kiên định về Biển Đông.

Kể từ khi trở lại nắm quyền nhờ chiến thắng vang dội sau cuộc bầu cử hồi tháng 5, Thủ tướng 93 tuổi của Malaysia Mohamad Mahathir đã đưa ra hàng loạt bình luận phản ánh quan điểm của những nước bị cho là yếu thế hơn về sự vận động của trật tự châu Á trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung. Điều đó bao gồm một lập trường kiên cường hơn về những tranh chấp ở Biển Đông, quan hệ của Malaysia với các cường quốc châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như tương lai của các thỏa thuận thương mại đa phương.

Ở Biển Đông, “tàu chiến chỉ kéo thêm tàu chiến”

Bình luận của ông Mahathir rằng “các tàu chiến chỉ thu hút thêm các tàu chiến”, cùng với đề xuất hòa bình của ông cho thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để tuần tra khu vực tranh chấp ở Biển Đông bằng những tàu nhỏ “nhằm đối phó với cướp biển chứ không phải gây ra một cuộc chiến nữa” dường như đã khái quát hóa được chính sách đối ngoại của cái gọi là “Quan điểm Mahathir” đang dần hé lộ.

Nó cho thấy quan điểm của một trong số những chính khách cao tuổi nhất thế giới được phản ánh ra sao trong tầm nhìn khu vực giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc leo thang đối đầu thương mại, cạnh tranh tầm ảnh hưởng và những bất ổn toàn cầu khác.

Nhận định từ những bình luận mới đây của ông Mahathir cũng như chính sách của ông trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên từ năm 1981 – 2003 (gọi là Mahathir phiên bản 1.0), có thể xác định 3 yếu tố cốt lõi hình thành và phát triển “Quan điểm Mahathir”. Đó là:

1.     Biển Đông nên là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột;

2.     Không phải đe dọa quân sự mà tham vấn ngoại giao mới là chìa khóa để xử lý và giải quyết bất cứ tranh chấp liên quốc gia nào ở Đông Á cũng như những nơi khác.

3.     Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều được hoan nghênh đóng vai trò xây dựng trong một cộng đồng Đông Á rộng mở thông qua sự hội nhập và tạo thành thị trường lớn hơn, nhưng lợi ích của các nước yếu hơn phải được tôn trọng, bảo vệ và hoàn thiện.

Mỗi yếu tố đều đòi hỏi sự nhạy bén của các nước nhỏ trước nguy cơ phụ thuộc vào những cường quốc đối đầu nhau. Mỗi yếu tố thể hiện phương pháp tiếp cận khác nhau của Mahathir với những vấn đề quốc tế. Và mỗi yếu tố lại nhằm xây dựng các di sản lâu dài cho nhiệm kỳ đầu tiên của ông Mahathir, khi Malaysia đóng vai trò là “nhà hoạt động tích cực” ở Đông Á thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Mahathir xưa…

Trong thời kỳ Mahathir 1.0, Malaysia đã cho thấy tầm ảnh hưởng của mình bằng cách đề xuất các sáng kiến khu vực như ý tưởng Nhóm Kinh tế Đông Á (EAEG) vào năm 1989. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Malaysia đã thúc đẩy những chuyển biến, lôi kéo và kết nối với những đối thủ cũ, như Trung Quốc, vào các cuộc đối thoại có nền tảng là ASEAN, đồng thời thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 giữa lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Malaysia cũng đã khởi xướng và tổ chức một nhóm làm việc đặc biệt cho ý tưởng liên kết đường sắt Singapore đến Côn Minh (Trung Quốc) nhằm củng cố, điều phối việc xây dựng các liên kết cho mạng lưới đường sắt nối 7 nước ASEAN với miền Nam Trung Quốc cùng nhiều đề xuất khác.

Không phải tất cả các sáng kiến Mahathir 1.0 đều thành công. Sáng kiến EAEG lụi dần dù sau đó nó được “tưới tắm” để hồi sinh dưới dạng Nhóm kinh tế Đông Á (EAEC) vào năm 1993.

Ông Mahathir đã bị chỉ trích vì nhiều phát ngôn chống phương Tây và bài Do Thái. Một số dự án của ông cũng thất bại khi không mang lại kết quả tương xứng với nguồn lực đã bỏ ra (ví dụ như Đối thoại quốc tế Langkawi), số khác đơn giản là bị “bốc hơi” sau khi ông rời chính trường (như sáng kiến kết nối với châu Phi).

Thế nhưng những thiếu sót và yếu điểm này cũng không ngăn cản nhiều người Hồi giáo và những nước phát triển coi ông Mahathir là một trong những nhà lãnh đạo táo bạo nhất của thế giới thứ ba.

… Mahathir nay…

Mahathir phiên bản 2.0 đối mặt với bối cảnh trong và ngoài nước hoàn toàn khác.

Nếu nhìn vào bên ngoài, Mỹ vẫn là cường quốc mạnh nhất thế giới. Nhưng với những cam kết ngày càng bất định và sự xói mòn lòng tin dưới thời Tổng thống khó đoán Donald Trump, Trung Quốc trở nên ngày càng mạnh mẽ và quyết đoán hơn với chiến lược kinh tế “Vành đai và Con đường”, đồng thời tạo dựng hiện trạng mới trên Biển Đông dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sự bất ổn ngày càng lớn xung quanh quan hệ Mỹ – Trung đang thúc đẩy các nước trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tăng cường hoạt động của họ dưới chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương”, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho những nước yếu hơn như Malaysia.

Ở trong nước, sự thay đổi chưa từng có của chính phủ sau cuộc bầu cử tháng 5/2018 đã mang lại nguồn năng lượng tươi mới và hy vọng cho Malaysia, đồng thời đặt ra những thách thức mới và cũ lẫn lộn với quốc gia Đông Nam Á này. Những thách thức đó bao gồm từ nợ chính phủ, thâm hụt thương mại cho đến đàm phán liên minh cầm quyền, từ giữa các đảng phái đến các nhóm lợi ích chính trị khác nhau.

… và “Quan điểm Mahathir” cho tương lai

Được điều hướng và kiểm soát bởi những điều kiện đó, “Quan điểm Mahathir” được cho là thể hiện sâu sắc nhất trên 3 lĩnh vực chính sách.

Trước hết, đó là việc bảo vệ lợi ích của các nước nhỏ ở Biển Đông. Nhắc lại lập trường của ông Mahathir, Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu đã nhấn mạnh rằng tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ không nên “lượn lờ” trong vùng biển của Malaysia. Trong khi đó, Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah kêu gọi ASEAN đóng vai trò dẫn dắt và chủ động trong việc xử lý mọi tình huống trên Biển Đông.

Thứ hai, Malaysia sẽ tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong cả lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Điều này được thể hiện bằng việc Malaysia cam kết duy trì sự trung lập và kêu gọi sự tham gia của tất cả các tác nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tham vấn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mở rộng chủ nghĩa đa phương của tổ chức khu vực này trên nhiều tầng nấc. Các dự án do nước ngoài tài trợ cũng được Malaysia hoan nghênh chỉ khi chúng công bằng, bền vững và thực sự vì lợi ích chung của 2 bên.

Thứ ba, học thuyết Mahathir nhấn mạnh vào việc tìm kiếm những thỏa thuận nhiều lợi ích hơn mà ở đó, những nước nhỏ và đang phát triển có thể cạnh tranh với những nước đã phát triển trong một hệ thống quốc tế vốn không công bằng.

Bất kể “Quan điểm Mahathir” được biểu hiện như thế nào, chính sách đối ngoại của Malaysia dưới thời Mahathir 2.0 cũng là nhằm đảm bảo môi trường ổn định, hòa bình và có lợi cho phát triển đất nước cũng như sự phục hồi của khu vực.

Để theo đuổi những mục tiêu đó, chính phủ Malaysia đang xây dựng thế mạnh thương lượng bằng cách thúc đẩy liên minh đa tầng lớp trên nhiều lĩnh vực và áp dụng cách tiếp cận liên kết các vấn đề, đồng thời đề cao những di sản của thời đại Mahathir 1.0.

Trong thời đại của những xây dựng kết nối hiện nay, Malaysia được hưởng một số lợi thế thương lượng nhờ vị trí địa lý khi là quốc gia nằm ở cực Nam của lục địa Á – Âu, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, một vị trí vô cùng đắc địa nếu nhìn theo tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Có thể nói, về bản chất, “Quan điểm Mahathir”, là sự cân bằng được điều chỉnh theo bối cảnh mà ở đó, Malaysia nhất quyết không đứng về phía bất cứ cường quốc nào. Học thuyết ấy xác định rằng, các nước nhỏ ở Đông Nam Á ngày càng quyết tâm tìm kiếm sự cân bằng hơn bằng cách tạo đòn bẩy về thương mại và kết nối với Đông Á, mà hơn hết là để giải quyết những nhu cầu trong nước và phòng ngừa bất trắc từ bên ngoài.

RELATED ARTICLES

Tin mới