Friday, January 10, 2025
Trang chủĐàm luậnTQ đã cải thiện quan hệ với Nhật Bản?

TQ đã cải thiện quan hệ với Nhật Bản?

Mong muốn thông qua Nhật Bản để cải thiện quan hệ Trung – Mỹ, Bắc Kinh đã có những nước đi chủ động cải thiện quan hệ hợp tác với Tokyo.

Ngày 16/8/2018, Thời báo Nhật Bản (The Japan Times) đưa tin, cơ quan kiểm ngư của Trung Quốc đã yêu cầu các ngư dân của nước này không được tiến hành các hoạt động đánh bắt cá gần khu vực đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. 

Đây là động thái được cho là Trung Quốc đang thúc đẩy việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Trung Quốc tuyên bố quan hệ song phương Trung-Nhật đã bình thường trở lại

Đầu tháng 5/2018, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Nhật Bản kể từ khi nhậm chức năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường đã chính thức tuyên bố quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản đã bình thường trở lại. 

Việc này cho thấy quan điểm của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại với Nhật Bản đã có thay đổi mang tính bước ngoặt.

Từ tháng 9/2012, quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản đã trở nên xấu đi khi các cuộc biểu tình chống Nhật Bản đồng loạt diễn ra ở Trung Quốc liên quan đến việc Nhật Bản tuyên bố đưa quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) là một đơn vị hành chính quốc gia thuộc tỉnh Okinawa. 

Đáng chú ý, thời điểm đó, cả Trung Quốc và Nhật Bản chuẩn bị có sự chuyển giao lãnh đạo cầm quyền. 

Ông Tập Cận Bình đã được thế giới dự đoán là ứng viên duy nhất trở thành người đứng đầu đất nước Trung Quốc sau kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 11/2012. 

Đằng sau các cuộc biểu tình chống Nhật Bản là xung đột chính trị trong nội bộ ở Trung Quốc xảy ra giữa lúc chính quyền của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chuẩn bị được chuyển giao. 

Thời điểm đó, dư luận đã cảm nhận rõ được sự nổi lên của Tập Cận Bình  như là ứng viên duy nhất trở thành người đứng đầu đất nước hơn 1 tỷ dân.

Trong khi đó, chính quyền của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lúc đó lại bị tấn công bởi những lợi ích nhóm có liên quan đến những người ủng hộ cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. 

Đồng thời, các chính trị gia có quan điểm theo chủ nghĩa dân tộc đã chỉ trích cách điều hành của những người lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Trung Quốc do có chính sách Nhật Bản không thể hiện được vai trò của một cường quốc đang nổi.

Bối cảnh quốc tế liên quan đến Trung Quốc cũng đang có những diễn biến buộc Trung Quốc phải thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ với Nhật Bản. 

Sự căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên được dự báo có thể mở đường cho những thay đổi mang tính lịch sử trên bán đảo Triều Tiên. 

Trong khi đó, ưu tiên của Trung Quốc là đảm bảo lợi ích của mình trên bán đảo Triều Tiên và khôi phục quan hệ với Hoa Kỳ nên Bắc Kinh có lý do để thực thi các chính sách cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Trong số các lãnh đạo trên thế giới, có lẽ Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe là người có thể thường xuyên kết nối với Tổng thống Donald Trump để bàn về các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Đây chính là một lợi thế của ông Shinzo Abe mà Trung Quốc có thể tính toán phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc khi duy trì liên lạc thường xuyên với ông Shinzo Abe. 

Các nỗ lực củng cố quyền lực của đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có tác động tích cực cho quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản. 

Thông qua việc phát động cuộc chiến chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình đã loại bỏ được các đối thủ chính trị của mình dưới thời của ông Hồ Cẩm Đào và ông Giang Trạch Dân. 

Hiện tại, người ta có thể nói xung đột chính trị ở Trung Quốc đã được giải quyết, đặc biệt là sau khi hiến pháp sửa đổi cho phép kéo dài thời hạn nhiệm kỳ của người đứng đầu Trung Quốc. 

Điều đó cũng có nghĩa quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản có thể sẽ trở nên ổn định hơn trước đây. 

Phản ứng của Nhật Bản

Những tính toán quốc tế có ý đồ về mối quan hệ trên bán đảo Triều Tiên, quan hệ Mỹ-Trung và Đài Loan có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới. 

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản cần phải có đánh giá chiến lược trong quan hệ của nước này với Trung Quốc.

Tháng 12/2012, chính quyền của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) được thay thế bởi chính quyền của Đảng Dân chủ tự do (LDP). 

Mặc dù vậy, thời gian đầu cầm quyền của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe của đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP) chưa đem lại thay đổi lớn nào trong quan hệ giữa hai nước.

Theo Nhật Bản, Trung Quốc đã chủ động sắp đặt việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản và bây giờ tuyên bố quan hệ song phương giữa hai nước đã quay trở lại quỹ đạo.

Lịch sử cho thấy chính sách Nhật Bản của Trung Quốc lúc nào cũng có thể trở thành một công cụ cho một cuộc đấu chính trị.

Ví dụ, năm 2008, chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản, sau rất nhiều nỗ lực đã đạt được thỏa thuận về việc khai thác chung dầu mỏ ở biển Hoa Đông. 

Tuy nhiên, chính Trung Quốc đã chủ động rút khỏi thỏa thuận nói trên với lý do mà theo Thời báo Nhật Bản (The Japan Times), Trung Quốc yêu cầu Nhật thừa nhận giữa hai bên có tồn tại tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku. 

Nhật khẳng định đó là lãnh thổ cố hữu và Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ trích đây là “sự vi phạm rõ ràng của Trung Quốc đối với thỏa thuận giữa hai bên”. [2]

Mặc dù vậy, trong giai đoạn này Nhật Bản dường như cũng cảm nhận được nhu cầu mong muốn cải thiện quan hệ hợp tác song phương của Trung Quốc bằng việc lồng ghép các ưu tiên của nước này trong thời gian tiếp đón Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 5/2018. 

Thực tế là, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng không đề cập nhiều đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông. 

Hơn nữa, Thủ tướng Lý Khắc Cường còn bày tỏ sự ủng hộ quan điểm giải quyết vấn đề con tin của Nhật Bản đối với Triều Tiên.

Đáng chú ý, lịch trình của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã được kéo dài hơn 01 ngày so với dự kiến ban đầu. 

Trong đó ngày cuối cùng, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Thủ tướng Shinzo Abe đã cùng nhau tham gia các hoạt động ở Hokkaido. Đây là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản. 

Lãnh đạo hai nước cũng đã nhất trí thiết lập “Cơ chế liên lạc trên không và hàng hải Trung Quốc-Nhật Bản” nhằm tránh các xung đột không đáng có trên không và trên biển. 

Tuy nhiên, các điều khoản quy định liên quan đến đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn chưa rõ ràng và Nhật Bản cho rằng đây có thể sẽ châm ngòi cho những căng thẳng sau này giữa hai nước.

Hiện nay, Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề chính trị trong nước. 

Đặc biệt, cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (LDP) vào tháng 9/2018 được dự báo sẽ làm cho ông “rất đau đầu”.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường vẫn mời ông sang thăm chính thức Trung Quốc. 

Đồng thời, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình khẳng định sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Nhật Bản vào tháng 6/2019 khi tham dự Hội nghị G20 tại Osaka. 

Điều đó cho thấy khả năng hai bên khôi phục hoàn toàn việc trao đổi chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt là rất cao.

Tạp chí Diễn đàn Đông Á nhận định hiện nay, việc cạnh tranh với Trung Quốc để cung cấp các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giá rẻ ở nước ngoài sẽ rất khó khăn. 

Do đó, Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế bởi lẽ đây mới chính là lĩnh vực có thể đem lại lợi ích cho Nhật Bản. 

Đồng thời, các chuyên gia cho rằng Nhật Bản cần chú trọng hợp tác doanh nghiệp mà các nước thứ ba đã chấp thuận trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. [3]

Theo nhà báo Katsuji Nakazawa của Thời báo Nihon Keizai Shimbun, sự thay đổi của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại với Nhật Bản thực sự là đáng chào đón.

Tuy nhiên, Nhật Bản cần phải đánh giá lý do tại sao có sự thay đổi tích cực này của Trung Quốc để có những bước đi phù hợp. Nếu không, quan hệ giữa hai nước vùng Đông Bắc Á có thể sẽ đi theo chiều hoàn toàn ngược lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới