Friday, December 20, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đang sử dụng loại hình “du lịch yêu nước” để khẳng...

TQ đang sử dụng loại hình “du lịch yêu nước” để khẳng định chủ quyền phi pháp ở Biển Đông

Những năm gần đây, cùng với việc bồi đắp, mở rộng đảo nhân tạo và quân sự hóa ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện dân sự thông qua loại hình “du lịch yêu nước” nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông.

Trung Quốc sớm có ý đồ sử dụng “du lịch yêu nước” để phục vụ các “yêu sách chủ quyền” ở Biển Đông

Từ tháng 4/2013, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc đã công bố Chương trình phát triển hàng hải quốc gia theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, trong đó đề cập đến việc phát triển du lịch ở Biển Đông. Đây là văn bản chính thức đầu tiên của Trung Quốc thể hiện chủ trương phát triển “du lịch yêu nước” ở Biển Đông của chính phủ Trung Quốc. Đến tháng 12/2016, Trung Quốc tiếp tục cho công bố “Chương trình phát triển du lịch” theo “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, nhằm định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc là muốn phát triển du lịch tại Tam Sa, từng bước thúc đẩy mô hình du lịch biển hướng ra Biển Đông.

Trên cơ sở đó, đến năm 2016, chính quyền tỉnh Hải Nam đã công bố “Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể nhằm kết nối Hải Nam với Hoàng Sa. Với ngân sách từ tỉnh Hải Nam, chính quyền của “thành phố Tam Sa” đã xây dựng “Kế hoạch hành động thúc đẩy du lịch Tam Sa”, trong đó đề xuất mở cửa sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm cho các chuyến bay dân sự, phục vụ du lịch biển. Tháng 3/2017, chính quyền tỉnh Hải Nam tiếp tục công bố “Kế hoạch phát triển du lịch toàn vùng của tỉnh Hải Nam giai đoạn 2016 – 2020”, với ý đồ phát triển du lịch tàu thuyền để khai thác du lịch tại Tam Sa, qua đó thúc đẩy mô hình du lịch biển mới, ưu tiên các tour ra Hoàng Sa và hướng tới Trường Sa đến năm 2020.

Thực hiện chủ trương của chính quyền Trung Quốc, vào tháng 4/2013, Công ty Vận tải eo biển Nam Hải đã tổ chức chuyến du lịch đầu tiên đưa du khách từ đảo Hải Nam đến một số địa điểm ở Hoàng Sa. Theo thống kê của phía Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa khoảng 24.000 du khách đến Hoàng Sa. Số lượng khách “du lịch yêu nước” tăng nhanh cùng với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa, nhất là sau khi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ra phán quyết về vụ kiện của Philippines (7/2016). Năm 2016, số khách Trung Quốc du lịch đến Hoàng Sa tăng gần 50%. Giới chức “thành phố Tam Sa” cho biết kể từ đầu năm 2017 đến nay đã có 59 đoàn du khách Trung Quốc ra tham quan quần đảo Hoàng Sa, tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016. Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng hơn 39.000 người. Tháng 3/2017, tàu “công chúa Lạc Hồng” của Trung Quốc đã ngang ngược tiến hành chuyến đi đầu tiên tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Hãng Tân hoa xã của Trung Quốc dẫn lời một quan chức thuộc Công ty TNHH vận tải biển Eo biển Hải Nam cho biết, tàu “công chúa Lạc Hồng” thuộc quyền sở hữu của công ty này. Chiều 2/3, chiếc du thuyền đã khởi hành từ thành phố Tam Á với 308 du khách. Cũng theo quan chức trên, tàu “công chúa Lạc Hồng” được thiết kế với 82 buồng khách, có thể chở 499 người , tầm hoạt động lên đến 3.000 hải lý. Tàu này có thể cung cấp một số dịch vụ như ăn tối, giải trí, mua sắm, điều trị y tế và bưu chính trên tàu.

Cách Trung Quốc triển khai “du lịch yêu nước” để phục vụ các “yêu sách chủ quyền” phi pháp ở Biển Đông

Để khích lệ tinh thần “yêu nước” và hạn chế các vấn đề phức tạp, các doanh nghiệp tổ chức tour du lịch Trung Quốc đã tính toán và từng bước triển khai một cách tinh vi. Thứ nhất, khách du lịch phải đáp ứng hàng loạt điều kiện khắt khe, như phải là công dân Trung Quốc, chưa từng có tiền án tham gia các hoạt động chống phá chính quyền, có quá trình lao động, học tập, phấn đấu tốt… Người nước ngoài, công dân Trung Quốc ở nước ngoài, công dân Đài Loan, Ma Cao, Hồng Công không được tham gia các tour du lịch này. Thứ hai, những người đăng ký “du lịch yêu nước” phải nộp hồ sơ vào hệ thống đăng có kết nối với hệ thống quản lý của Bộ công an Trung Quốc và trải qua quá trình xác minh nhất định. Thứ ba, du khách được đến thăm nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa, trong đó có 03 đảo nhỏ không có quân đội Trung Quốc đồn chú, gồm đảo Ba Ba, đảo Ốc Hoa và bãi Xà Cừ. Hiện nay, Trung Quốc đang mở rộng ra các địa điểm khác, trong hành trình thích hợp. Thứ tư, các tour thường kéo dài 4-5 ngày, có giá từ 800 đến 2.000 USD, ngoài các hoạt động giải trí như câu cá, thả diều, ngắm cảnh, lặn ngắm san hô… du khách còn được tham gia các hoạt động thể hiện lòng yêu nước như lễ thượng cờ, hát quốc ca, xem phim tài liệu, chụp ảnh với cờ Trung Quốc trên tàu… Trên các trang mạng xã hội và truyền thông Trung Quốc, du khách Trung Quốc đã đăng nhiều hình ảnh chụp trong các tour du lịch ở Hoàng Sa.

Để tạo điều kiện phát triển hoạt động “du lịch yêu nước”, chính quyền Trung Quốc và tỉnh Hải Nam đã thực hiện một số biện pháp như nâng cấp các công trình hạ tầng phục vụ giao thông, dân sinh, cầu cảng, dịch vụ ngân hàng, y tế, hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp thực hiện các tour “du lịch yêu nước” cả về tài chính, cơ chế, quảng bá trên truyền thông của Trung Quốc. Ngày 06/2/2017, Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đã khai trương trái phép chi nhánh tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, thực chất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho người dân thanh toán và sử dụng dịch vụ tại đây.

Ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc trong hoạt động “du lịch yêu nước”

Theo các chuyên gia quốc tế, việc tổ chức hoạt động “du lịch yêu nước” nằm trong chính sách tổng thể của Trung Quốc nhằm thực thi “chủ quyền” ở Biển Đông. Một là, Trung Quốc muốn tăng cường khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông, không chỉ bao gồm phương diện hạ tầng, quân sự mà còn trên lĩnh vực dân sự và sự hiện diện của người dân. Hai là, phản bác các chỉ trích của các nước bên ngoài và cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay và hậu thuẫn cho các tuyên bố tuyên truyền của Trung Quốc rằng tình hình Biển Đông đang phát triển hòa bình, hợp tác. Ba là, về lâu dài, nếu các chủ thể quốc tế sử dụng các kết cấu hạ tầng dân sự và dịch vụ của Trung Quốc ở Biển Đông thì Trung Quốc có thể coi đó là cơ sở để khẳng định sự hiện diện hợp pháp, cũng như chủ quyền của họ tại khu vực này. Bốn là, Trung Quốc muốn tăng cường sự ủng hộ của người dân và tích cực tuyên truyền về chính sách của Nhà nước trong vấn đề biển đảo.

Hiện nay, một số doanh nghiệp của Trung Quốc rất quan tâm tới hoạt động “du lịch yêu nước” ở Biển Đông, muốn mở rộng các tuyến du lịch tới Hoàng Sa và từ Hoàng Sa đến các nước láng giềng theo hành trình “con đường tơ lụa trên biển” hiện đang được chính quyền Trung Quốc khuyến khích. Đài quốc tế TQ (3/7/2018) đưa tin đại diện của nhiều công ty tàu du lịch nổi tiếng và công ty cho thuê tàu biển của Trung Quốc đã đến Manila, Subic và Palawan của Philippines để tiến hành khảo sát về hợp tác du lịch, nhằm tận dụng các cảng biển, điều kiện thiên nhiên của Philippines để phát triển du lịch tàu biển. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đang hối thúc chính quyền Philippines áp dụng chính sách thị thực tiện lợi hơn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành của Trung Quốc đầu tư, phát triển.

Ngày 19/4/2018, tỉnh Hải Nam thông báo miễn thị thực cho công dân của 59 quốc gia bắt đầu từ ngày 01/5/2018. Quy định mới cho phép du khách được miễn thị thực có thể đi riêng lẻ và ở lại Hải Nam trong thời gian lên tới 30 ngày, thay vì phải đi theo nhóm và không được ở quá 21 ngày như trước. Các nước được bổ sung vào danh sách miễn thị thực nhập cảnh vào Hải Nam mới là Bỉ, Brazil, Hy Lạp, Ba Lan và Qatar. Theo Tân hoa xã, quy định mới sẽ “mở rộng cửa hơn nữa ngành du lịch và thu hút thêm nhiều du khách quốc tế tới Hải Nam, đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển ngành hàng không và phát triển kinh tế trên hòn đảo du lịch nổi tiếng”. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc miễn visa cho khách du lịch tới Hải Nam có thể lót đường cho một số du khách có tính hiếu kỳ tham quan các thực thể trong vùng biển đang tranh chấp với các nước khác.

Vừa qua, chính quyền tỉnh Hải Nam cũng kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tăng cường số lượng tàu thuyền, thậm chí tính toán mở các chuyến bay dân sự đến Hoàng Sa phục vụ mục đích du lịch. Năm 2016, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm máy bay chở khách hạ cánh tại các sân bay mới xây dựng ở Trường Sa, dự kiến sẽ mở tour du lịch đầu tiên tới các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa trước năm 2020.

Hoạt động “du lịch yêu nước” ở Biển Đông của Trung Quốc khiến tình hình tranh chấp Biển Đông phức tạp hơn

Việt Nam và dư luận quốc tế đã nhiều lần phản đối các hoạt động du lịch trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước các hoạt động du lịch trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi, tại khu vực quần đảo Trường Sa hoặc tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này”. Cùng với các tuyên bố đó, Bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các các hoạt động sai trái và không để tái diễn các hành động tương tự, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới