Trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa các bên trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Trung Quốc đã điều máy bay không người lái tàng hình (UAV) tới khu vực này để tập trận, theo dõi, giám sát diễn biến tình hình ở Biển Đông.
Trung Quốc phát triển mạnh mẽ máy bay không người lái trên mọi lĩnh vực, nhưng tập trung sâu vào ứng dụng quân sự.
Về loại hình UAV Trung Quốc triển khai ở Biển Đông
Tính đến thời điểm hiện tại, quân đội Trung Quốc đã có hàng trăm UAV thuộc các chủng loại khác nhau, như ASN-229A, WJ-600, S-100, ASN-209, BZK-005, GJ-1, CH-3, WZ-5, Dufeng II, AT-200, U-650, ZC-5B, ZC-10… trong đó có nhiều loại UAV có phạm vi hoạt động rộng, có khả năng vận hành liên tục trọng một thời gian dài và được trang bị hệ thống dẫn đường Beidou. UAV của Trung Quốc đưa phân loại theo mục đích sử dụng. Loại hình UAV phục vụ vẽ bản đồ (ZC-5B, ZC-10) có thể hoạt động ở tầm xa tới 1.500 hải lý và có thể hoạt động liên tục trong 30 giờ đồng hồ; chúng được trang bị hệ thống camera định vị tiên tiến nhất của Trung Quốc. Loại hình UAV tuần tra, giám sát, trấn áp tội phạm (BZK-005, GJ-1) được trang bị các loại vũ khí để phục vụ cho mục đích tấn công như ên lửa, súng laze, bom thông minh. Loại hình UAV vận tải (AT-200) có kích thước lớn, khả năng mang nặng và tầm hoạt động xa lên đến 2.000 km có thể đáp xuống các bãi cỏ và bãi đất trống tại các căn cứ quân sự không có đường băng. UAV này có thể bay từ đảo Hải Nam đến các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa trong 1 giờ, đến bãi cạn Scarborough (Philippines) khoảng 3 giờ và các địa điểm Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong 4 giờ. Dự kiến, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ sở hữu khoảng 10.000 UAV để biên chế cho quân đội, nhất là lực lượng hải quân và không quân. Hiện quân đội Trung Quốc đã triển khai ở Biển Đông 04 loại UAV gồm BZK-005 (thước dài 9,14 m, rộng 16,76 m, tầm bay xa 2.400 km, cất cánh bằng bệ phóng), S-100 (dài 3,11 m, cao 1,11 m, rộng 4,06 m, có tầm bay xa 100-200 km và có thể cát cánh từ các tàu hộ vệ tên lửa lớp 054/054A), ASN-209 (dài 4,3 m, rộng 5 m và cáo 2,6 m, có tầm bay xa 200 km, cất cánh nhờ bệ phóng phản lực lắp rời và hạ cánh bằng dù) và GJ-1 (dài 9 m, rộng 14 m, cao 2,8 m, có tầm bay xa tối đa 4.000 km).
Dư luận liên quan:
Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định việc triển khai UAV tuần tra, vẽ bản đồ ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ “chủ quyền” của Trung Quốc. Tổng giám đốc Công ty Công nghệ TopRS Li Yingcheng nhận định, việc các UAV thu thập thông tin chính xác về địa lý tại các bãi đá và đảo là bằng chứng quan trọng để phân định lãnh hải và bảo vệ lợi ích hàng hải cũng như an ninh quốc gia Trung Quốc; tuy nhiên nhiều đảo và bãi đá ở Biển Đông có phần chìm dưới nước rộng lớn hơn những gì quan sát được từ trên không.
Trong khi đó, giới chuyên gia học giả quốc tế cho rằng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường UAV và việc triển khai UAV ở Biển Đông khiến tình hình trở nên căng thẳng, dễ xảy ra xung đột. Ông Michael Boyle, một chuyên gia về UAV và học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Mỹ cho rằng UAV có thể xác định các thay đổi trên bề mặt các đảo và cung cấp các bằng chứng hình ảnh về sự củng cố quân sự và UAV sẽ ảnh hưởng đến sự giằng co chính trị và giữa các nước ở Biển Đông. Việc Trung Quốc chế tạo và đưa vào sử dụng các loại hinh UAV có tầm bay xa và hoạt động liên tục trong nhiều giờ sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các căn cứ quân sự của Philippines, Mỹ, cũng như các nước khác ở Biển Đông, Hoa Đông. Thời gian tới, khu vực này sẽ trở thành một trong những nơi cạnh tranh về UAV. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang thực thi những chương trình phát triển các UAV lớn và toàn diện nhất trên thế giới, thực tế đã và đang đe dọa sức mạnh quân sự, vị thế chính trị nước Mỹ. Các viện và các cơ sở nghiên cứu, các tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc hoàn toàn có thể tạo ra một bước đại nhảy vọt trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản xuất và khai thác sử dụng UAV trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là quân sự. Các UAV Trung Quốc trong tương lai có thể tiếp dầu trên không, tự cất hạ cánh trên các căn cứ và tàu sân bay, tác chiến điện tử, trang bị tên lửa hành trình có khả năng chủ động tấn công bằng bom, tên lửa. Ông Michael Boyle cho rằng, để ngăn chặn UAV của Trung Quốc, các nước cần tăng cường hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa, tăng cường năng lực tác chiến, hiện đại hóa các đơn vị tác chiến điện tử và chiến tranh mạng. Cùng ý kiến trên, chuyên gia Elsa B.Kania, thành viên Nhóm Nghiên cứu chiến lược dài hạn của Mỹ cho biết các loại UAV của Trung Quốc có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông và Biển Hoa Đông. Riêng loại BZK-005 và GJ-1 có thể được trang bị vũ khí nên có khả năng tấn công bất ngờ vào căn cứ quân sự các nước, kể cả căn cứ của Mỹ tại Philippines, Okinawa, thậm chí là tại đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng với chi phí chế tạo UAV thấp, dễ hoạt động, khó bị phát hiện và có tầm bay xa, hoạt động liên tục trong nhiều giờ, được trang bị đầy đủ các loại hình vũ khí tấn công và có khả năng được tiếp nhiên liệu từ trên không khiến UAV trở thành một trong những công cụ mang tính răn đe hiệu quả trong gian đoạn hiện nay. Ngoài ra, UAV cũng còn một số lợi thế khác như UAV có độ chính xác rất cao, song sức công phá của các loại vũ khí găn trên UAV sẽ nhỏ hơn nhiều so với các loại vũ khí gắn trên máy bay chiến đấu. Chính vì vậy, UAV có thể tiến hành tấn công trực tiếp vào các lực lượng tham gia chiếm đảo, hạn chế tối đa rủi ro các đối tượng khác bị liên luỵ, gây leo thang xung đột.
Nhìn chung, UAV sẽ trở thành công cụ đặc biệt hữu hiệu để Trung Quốc triển khai âm mưu “độc chiếm” Biển Đông và gia tăng khả năng kiểm soát, răn đe trong khu vực. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ thúc đẩy chế tạo, nghiên cứu và đưa vào sử dụng các loại hình UAV phù hợp hơn với điều kiện thời tiết, môi trường ở Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc sẽ khiến tình hình an ninh, chính trị ở khu vực trở nên căng thẳng, dễ xảy ra xung đột quân sự.