Thời điểm để ngăn chặn Trung Quốc giành quyền kiểm soát biển Đông đã qua. Điều gì sẽ xảy đến tiếp theo?
Từng có một thời, khi Tổng thống Barack Obama vẫn tại vị ở Nhà Trắng, khi Liên minh Châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu vẫn có thể phản ứng, thậm chí can thiệp vào sự chiếm đóng và quân sự hóa dần dần tại vùng biển Nam Trung Hoa. Theo nhiều chuyên gia an ninh, cánh cửa cho những hành động như vậy nay đã đóng lại, và Bắc Kinh đã thành công trong việc gây dựng nên những tiền đề không thể đảo ngược. Nếu đó là sự thật, thì các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải (FONOPS) và các biện pháp khác đều là không đủ và quá muộn. Trung Quốc đã sắp đặt nên một nguyên trạng mới (status quo) ở Biển Đông, và do đó những nỗ lực để chống lại tham vọng lớn hơn nữa của nước này nên bắt đầu tập trung vào những nơi khác.
Có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất trong những sự việc xảy ra tại Biển Đông trong thập niên vừa qua không phải là việc Trung Quốc đã xây dựng thành công hàng loạt những hòn đảo nhân tạo và quân sự hóa vùng biển mà họ coi như “ao nhà”, mà là việc cộng đồng quốc tế đã hoàn toàn không nắm được tình hình. Ngay từ đầu, Bắc Kinh đã công khai ý đồ của họ tại biển Đông, và nếu khu vực này trở thành vùng biển cấm đối với các nước khác trong khu vực, và với cả Hoa Kỳ, thì lỗi nằm phần lớn ở sự lơ là và sự thất bại trong việc dự đoán tính hình của chúng ta.
Các chính quyền dân chủ trong khu vực, cùng với nhà bảo trợ an ninh lâu năm của họ ở Washington, hiện đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Và lần này tất cả đều nên hiểu rõ rằng việc án binh bất động hoặc không để tâm đến sự việc sẽ chỉ mang đến nhiều rắc rối hơn nữa trong tương lai. Họ phải nhận thức được rằng những hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông liên quan trực tiếp đến những tham vọng lớn hơn của nước này đối với khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ-Thái Bình Dương (trong đó có mục tiêu hất cẳng Hoa Kỳ ra khỏi khu vực). Giờ đây trách nhiệm của các nước liên minh trong khu vực là đánh giá nghiêm túc xem liệu họ có thể chấp nhận được một sự bành trướng lớn hơn nữa của Trung Quốc.
Khu vực đầu tiên cần phải cân nhắc vấn đề này chính là biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự và dân quân hàng hải – chủ yếu gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Sensaku, được cả ba chính quyền Bắc Kinh, Tokyo, và Đài Bắc tuyên bố thuộc về họ. Tại vùng biển này, cũng giống như tại biển Đông, chiến lược của Bắc Kinh là “thái xúc xích” – bắt đầu bằng việc giành được những lợi thế nhỏ, dần dần tích tụ lại cho tới khi thay đổi cơ bản cục diện về hướng có lợi cho Bắc Kinh. Như tôi đã trình bày trong một bài báo trước đây cho tờ National Interest, Bắc Kinh đã tạo nên một môi trường “xung đột thường trực” tại biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó đó họ luân phiên gây căng thẳng giữa hai khu vực, khi hành động của họ tại vùng biển này thu hút quá nhiều sự chú ý họ sẽ chuyển sang vùng biển kia, để rồi sẽ quay trở lại vài tháng sau đó để tiếp tục xây dựng dựa trên những lợi thế đạt được trước đó.
Vì nhiều lí do khác nhau, ví dụ như sức mạnh của các lực lượng phòng vệ Nhật Bản và Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, lợi ích của Trung quốc tại vùng biển Hoa Đông bị hạn chế hơn so với khu vực biển Đông. Tuy nhiên, tần suất xâm nhập của các tàu cảnh sát biển và tàu đánh cá Trung Quốc vào lãnh hải Nhật Bản hoặc đến gần khu vực quần đảo tranh chấp Sensaku/ Điếu Ngư, và tần suất đi qua eo biển Miyako, nằm giữa Đài Loan và Nhật Bản, để vào Tây Thái Bình Dương của lực lượng Hải quân Quân đội Giải Phóng Trung Quốc (QĐGPTQ) và Không quân QĐGPTQ đã đạt đến ngưỡng báo động trong những năm gần đây.
Quan điểm của tôi là, nếu không còn cửa nào để quay lại khu vực biển Đông nữa và chúng ta phải từ bỏ vị trí của mình để nhường lại vùng lãnh hải đó cho Trung Quốc, thì bước đi tiếp theo là phải quyết định làm gì kế tiếp. Nếu chúng ta tiếp tục không đưa ra bất kì hành động nào thì điều đó sẽ khuyến khích Trung Quốc tìm cách giành từ vùng biển Hoa Đông những điều mà họ đã đạt được tại biển Đông. Nếu liên minh non trẻ của các nước dân chủ sẵn sàng tiến hành các hành động cụ thể chống lại Trung Quốc, thì một phương án khác là biến toàn bộ khu vực biển Hoa Đông thành một “điểm nghẽn” cho Trung Quốc: khi bị từ chối không cho sử dụng khu vực này, Hải quân và Không quân QĐGPTQ sẽ không thể dùng chín kênh hàng hải hiện tại để di chuyển từ bên trong chuỗi đảo thứ nhất ra Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan rõ ràng có khả năng đóng cửa khu vực này với Quân đội Trung Quốc bằng cách triển khai nhiều hệ thống phòng thủ trên không, trên mặt đất và trên biển cũng như tăng cường phòng thủ cho đảo Yonaguni, nằm cách bờ biển phía đông của Đài Loan chỉ 108 km (67 dặm). (Tôi cho rằng mọi nỗ lực đưa ra đều cần phải đảm bảo rằng Palau, một quốc gia nhỏ như một vết đốm trên Thái Bình Dương nhưng có vị trí chiến lược, vẫn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan).
Những động thái như đã nói ở trên hẳn sẽ khiến sự căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, vụ việc có thể được đưa ra với lập luận rằng Trung Quốc đã vi phạm luật pháp Quốc tế khi không công nhận tính hợp pháp của phán quyết tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế, vốn là phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, chưa kể đến sự chiếm đóng và quân sự hóa để bành trướng chưa từng có tiền lệ trên vùng biển quốc tế. Động thái này có thể hợp thức hóa hành động phản đối của một liên minh thuộc châu Á và sẽ có hiệu quả trong việc trừng phạt Bắc Kinh vì đã không cư xử như một đối tác có trách nhiệm. Một hành động cưỡng chế như vậy chắc chắn sẽ đòi hỏi sự phối hợp giữa Nhật Bản, Đài Loan và Hoa Kỳ và có thể cả các đồng minh khác. Mục tiêu của hành động này là từ chối để Trung Quốc sử dụng biển Hoa Đông như một hành lang trung chuyển tới Tây Thái Bình Dương và hạn chế vùng hoạt động của nó không vượt quá eo biển Bashi nằm giữa Đài Loan và Philipines. Nói cách khác, nó vẫn nhân nhượng với những lợi ích của Trung Quốc, nhưng sẽ ngăn chặn được nước này tiếp tục các hành vi chiếm đoạt, đặc biệt là khi sự bành trướng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông sẽ đe dọa trực tiếp tới các tuyến thương mại của Nhật Bản, tới sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, và khiến lục địa Hoa Kỳ rơi vào tầm tấn công bằng tên lửa của tàu ngầm Trung Quốc.
Với những thành công đạt được tại biển Đông, Bắc Kinh đã tạo ra một “điểm nghẽn” hiệu quả đối với các kình địch của mình. Trong ván cờ vây phức tạp đang diễn ra ở khu vực biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, động thái tiếp theo của liên minh các nước dân chủ nên là tự mình tạo ra một “điểm nghẽn” đối với Trung Quốc. Nếu không, sẽ chẳng có lý do nào để Trung Quốc, vốn đã củng cố được các thành công của họ tại biển Đông, lại không cố gắng lặp lại điều đó ở những khu vực xa hơn về phía bắc.
Hơn nữa, đối với Nhật Bản, một chiến lược như vậy sẽ mang ngụ ý muốn tăng cường mối quan hệ an ninh với Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh được tính cấp thiết của việc duy trì “hiện trạng” ở eo biển Đài Loan. Việc Đài Loan tiếp tục tồn tại như một nhà nước có chủ quyền là một thành tố then chốt của chiến lược này; bởi nếu Đài Loan sát nhập vào với Trung Quốc thì thứ được cho là rào cản quan trọng nhất đối với các mục tiêu của Bắc Kinh ở phương Tây và Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ bị vô hiệu hóa.
Nếu không có hành động cụ thể, những lời hùng biện về “các trục” và “tái lập cân bằng” sẽ chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng. Sẽ xuất hiện các rủi ro khi tình hình trở nên căng thẳng, nhưng nếu các nước liên minh tiếp tục không đưa ra hành động nào hoặc chỉ phản ứng kiểu gió chiều nào che chiều ấy, thì đó chính là công thức tạo nên một tương lai bất định đối với liên minh chỉ trong vài năm tới.
Tính cấp thiết của việc đối kháng cũng trở nên rõ ràng hơn sau tuyên bố mới đây của Bắc Kinh vào đầu tháng Bảy rằng lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc không còn nằm dưới kiểm soát của nhánh quản lý dân sự mà đã chuyển sang chịu sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy Trung ương (CMC) do Chủ tịch Tập Cận Bình giám sát. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng sự thay đổi này đã được lên kế hoạch trước chứ không phải là kết quả của sự nhượng bộ của ông Tập trước những thành phần diều hâu. Cho dù lý do là gì đi nữa, giờ đây chúng ta có thể chờ đợi việc lực lượng cảnh sát biển hoạt động như một đại diện của Hải Quân QĐGQTQ. Việc này sẽ gây ra nhiều điều không rõ ràng, chẳng hạn như các quy tắc ứng xử khi chạm trán và điều này chắc chắn sẽ được Trung Quốc sử dụng để kiểm tra mức độ quyết tâm của liên minh đối đầu. Ở đây, một lần nữa sự thiếu vắng của một động thái phản ứng thích hợp với chiến lược “thái xúc xích” này sẽ tạo ra những tiền đề mới trên biển và có thể gây bất ổn đối với toàn bộ hệ thống pháp luật nếu các nước khác quyết định chạy đua với Bắc Kinh và quân sự hóa các cơ quan hàng hải dân sự của chính họ. Nếu thực sự việc đặt lực lượng cảnh sát biển dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương Trung Quốc là đã được định sẵn, thì chúng ta có thể chờ đợi những hành động cứng rắn hơn nữa của lực lượng cảnh sát biển trong việc “bảo vệ” các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở cả hai vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, và các tàu cảnh sát biển sẽ được trang bị tốt hơn và có trọng tải lớn hơn so với đối thủ.
Tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với khu vực bên trong và bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên, và mặc định là cả trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, không chỉ ảnh hưởng tới khả năng duy trì vai trò của quân đội Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương, mà còn là mối đe dọa an ninh đối với Đài Loan và Nhật Bản. Tại một thời điểm nào đó, liên minh các nước dân chủ sẽ phải lựa chọn giữa việc thỏa hiệp hơn nữa với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc hay một chiến lược trả đũa. Với việc “mất” Biển Đông, trách nhiệm của Liên minh là bước vào cuộc đấu và cho thấy họ nghiêm túc với vấn đề này. Để làm như vậy, họ sẽ phải sẵn sàng đẩy tình hình leo thang, vượt ra khỏi những chuyến tuần tra tự do hàng hải không thường xuyên và những cuộc ghé thăm hàng năm của Hải quân Mỹ qua eo biển Đài Loan. Biển Hoa Đông chắc chắn là lựa chọn tốt để bắt đầu, bởi đó là mối quan tâm trước mắt đối với cả ba đối tác chủ chốt ở khu vực Đông Bắc Á – Nhật Bản, Đài Loan và Hoa Kỳ – và nó tạo thành “điểm nghẽn” cuối cùng còn lại trong chuỗi đảo đầu tiên. Cho đến khi Trung Quốc có thể chứng tỏ rằng họ sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng tính toàn vẹn lãnh thổ của các cường quốc khác trong khu vực thì không nên cho Trung Quốc sử dụng hành lang của Biển Hoa Đông như một điểm trung chuyển trên lộ trình tiến ra Tây Thái Bình Dương.