Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ hoan hỉ rót tiền nhưng người châu Phi lại rưng rức:...

TQ hoan hỉ rót tiền nhưng người châu Phi lại rưng rức: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Nhiều thứ quý giá ở Kenya sẽ biến mất vĩnh viễn, kho báu của toàn thế giới đã về tay của người Trung Quốc nhờ dự án Vành đai và con đường.

Người lao động Kenya tham gia xây dựng tuyến đường băng qua công viên Nairobi. Dự án đường sắt xây dựng của Trung Quốc gây tranh cãi khi xuyên qua khu bảo tồn trọng điểm của Kenya. Ảnh: AP

Ngôi nhà của 400 loài động vật hoang dã

Nairobi là thủ đô cũng là thành phố lớn nhất ở Kenya, với dân số khoảng bốn triệu người. Bộ mặt địa phương này chính là Vườn quốc gia Nairobi, có diện tích gần 120 km2.

“Công viên này là ‘lá phổi’ của Nairobi, không có nó, chúng tôi đã bị bao phủ bởi khí thải, bụi và các chất có hại khác”, Tracy Hayes, một nhà ủng hộ công viên quốc gia Nairobi cho biết.

Công viên này chỉ cách thủ đô Nairobi đang phát triển nhộn nhịp một hàng rào dây thép gai. Đây là ngôi nhà của hơn 400 loài động vật hoang dã như tê giác, sư tử, bò rừng, hươu cao cổ v.v…

Được thành lập vào cuối những năm 1940, đây là công viên quốc gia đầu tiên của Kenya với môi trường tự nhiên hoang sơ nhưng hiện nay, nó đã bị hủy hoại bởi công trình xây dựng đường sắt mới. Điều này đã dẫn tới sự bất mãn của người dân bản địa.

Sau khi tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi được nhà thầu Trung Quốc hoàn thành, chính phủ Kenya thúc đẩy giai đoạn hai của dự án – thi công tuyến Nairobi-Malaba, kéo dài từ Nairobi về phía Tây tới Malaba, vô hình trung con đường này sẽ chạy xuyên qua công viên quốc gia Nairobi, đồng nghĩa cắt ngang công viên.

Điều này đã làm dấy lên sự giận dữ của người dân. Họ cho biết, họ không được chia sẻ bất cứ thông tin nào về tuyến giao thông do Trung Quốc đầu tư.

Một nhà lãnh đạo Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Kenya từng tiết lộ, khi phần lớn dân chúng chưa được chia sẻ về thông tin tuyến đường sắt Nairobi-Malaba thì nhà thầu đã khởi công xây dựng.

“Hơn một năm nay, chúng tôi đã chứng kiến ​​những mối đe dọa lớn đối với vườn quốc gia Nairobi. Mối đe dọa này đã được giấu kín, người dân Kenya chỉ biết về giai đoạn đầu tiên của dự án đường sắt đường sắt Mombasa-Nairobi”, ông này nói.

Nhà thầu Trung Quốc hiện đã dựng những trụ bê tông khổng lồ dưới gầm đường sắt trên cao, chạy qua khu bảo tồn Nairobi.

Bị chia cắt làm đôi

Tuyến đường Nairobi-Malaba là giai đoạn hai của dự án đường sắt tiêu chuẩn của chính phủ Kenya, cũng là công trình quan trọng thuộc sáng kiến Vành đai và con đường của Bắc Kinh.

Sáng kiến này cung cấp các khoản vay cho những nước tham gia, qua đó xây dựng liên kết hệ thống cơ sở hạ tầng như đường sắt, cảng biển, đường bộ từ Trung Quốc tới châu Phi, châu Âu và châu Á.

Trung Quốc hy vọng thúc đẩy hợp tác thương mại và sản xuất tại các nền kinh tế mới nổi như Kenya thông qua sáng kiến Vành đai và con đường. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra thiệt hại môi trường ở Kenya.

Theo Hiệp hội động vật hoang dã thế giới, kế hoạch xây dựng của Trung Quốc đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng sinh tồn của hàng trăm loài động vật hoang dã. Một số ý kiến cho rằng, chính phủ Kenya đang vội vã xây dựng mà chưa tiến hành một cuộc đánh giá tác động môi trường toàn diện nào.

Các luật sư tại Kenya đã đệ đơn kiện, kêu gọi tạm dừng xây dựng tuyến đường sắt Nairobi-Malaba.

“Chúng tôi có lệnh của tòa án về việc tạm dừng thi công tuyến đường sắt Nairobi-Malaba cho tới khi có đánh giá cụ thể về ảnh hưởng của dự án tới môi trường sinh thái, kinh tế xã hội v.v…”, 1 luật sư chia sẻ.

Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại bởi mặc dù các đánh giá vẫn chưa được hoàn thành nhưng người Trung Quốc đã hối hả thi công dự án.

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ, công ty đường sắt Kenya và các nhà thầu Trung Quốc đã khéo léo từ chối các cuộc phỏng vấn của đài này về công viên quốc gia Nairobi nhưng Cục quản lý động vật hoang dã Kenya đã cho phép phóng viên đài tới công viên quốc gia Tsavo, ở miền Trung Kenya để quan sát tác động của tuyến Nairobi-Malaba đối với công viên quốc gia.

Giai đoạn đầu tiên của dự án đường sắt tiêu chuẩn là tuyến Mombasa-Nairobi đã thông xe được hơn một năm. Nó xuyên qua công viên quốc gia Tsavo – nơi có diện tích 13.000 km2

Trước khi đường sắt Mombasa-Nairobi, công viên Tsavo đã bị chia cắt làm đôi khi có một đường cao tốc và một đường sắt cũ chạy qua. Sau khi Mombasa-Nairobi hoàn thành, không gian di chuyển của các loài động vận hoang dã ở khu vực bảo tồn càng trở nên khó khăn hơn, đồng thời nơi đây cũng trở thành nơi cư trú bất hợp pháp của con người.

Tiến sĩ Ben Aokita thuộc Hiệp hội bảo tồn voi Kenya cho biết: “Ảnh hưởng của tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi với khu bảo tồn Tsavo chính là chặt đứt sự liên kết hệ thống sinh thái của Kenya. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi vườn quốc gia Tsavo bị chia cắt thành hai vườn quốc gia nhỏ Đông Tsavo và Tây Tsavo”.

Không thể vãn hồi

Theo dự kiến, nhà thầu Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng 8 chặng của tuyến đường sắt trên cao nhằm giúp các loài động vật hoang dã có thể tự do di chuyển trên mặt đất. Để thử nghiệm tính hiệu quả của kế hoạch này, tiến sĩ Ben Aokita gắn vòng cổ định vị GPS vào cổ những chú voi để theo dõi hành trình di chuyển của chúng.

Tiến sĩ người Kenya cho biết, theo quỹ đạo di chuyển trên bản đồ, loài voi cảm thấy “bối rối” với những tuyến đường sắt trên cao:

“Mặc dù là tuyến đường sắt trên cao nhưng bạn có thể thấy, lũ voi dường như lạ lẫm, chần chừ trước đoạn đường này. Chúng đi đi lại lại mà không dám di chuyển xuyên qua. Màu sắc khu vực này [trên bản đồ] rất đậm, chứng tỏ lũ voi muốn đi qua nhưng lại sợ không dám”.

Tồi tệ hơn, con người cũng bị thu hút bởi những tuyến đường sắt trên cao này, bởi khoảng đất trống dưới gầm đường sắt có thể được sử dụng để làm khu vui chơi hoặc chăn thả gia súc.

Ông Aokita nói: “Quá nhiều người xuất hiện ở đây khiến các loài động vật hoang dã bị đe dọa cho nên những đoạn đường cao tốc này suy cho cùng vẫn không phát huy được tính hiệu quả như dự kiến ban đầu: Cho phép động vật hoang dã tự do di chuyển”.

Và để tránh các loại động vật hoang dã bị tai nạn khi di chuyển qua các đường sắt, công ty xây dựng Trung Quốc đã dựng lên các hàng rào thép gai dọc tuyến đường sắt. Tuy nhiên, hiệu quả cũng không đáng kể.

Ben Ao Jita: “Các hàng rào bên ngoài đã được dựng lên chưa đầy một năm nhưng chúng đã bị hư hại nặng do va chạm với các loài động vật hoang dã và cũng chính vì thế nên tỷ lệ các loài động vật gặp tai nạn với đường sắt cũng khá cao”.

Hiện nay, tất cả các hàng rào đã được thay thế. Alex Mwazzo, một nhà nghiên cứu tại Cục quản lý động vật hoang dã Kenya cho biết, hầu hết các loài động vật như ngựa vằn, bò rừng, linh dương và thậm chí sư tử đang dần thích nghi trong điều kiện mới nhưng hươu cao cổ là ngoại lệ.

“Hiện nay, loài động duy nhất chưa di chuyển dưới gầm đường sắt trên cao theo ghi nhận của chúng tôi chính là hươu cao cổ. Hươu cao cổ là sinh vật rất nhút nhát, do đó chúng cần có thời gian để thích ứng với môi trường mới”.

Môi trường bị hủy hoại

Tác động của tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi sau khi thông xe đối với công viên quốc gia Tsavo vẫn đang được nghiên cứu, trong khi đó, tuyến thứ hai Nairobi-Malaba chạy qua công viên Nairobi vẫn tiếp tục được xây dựng. Đầu năm nay, các trụ cầu đã được dựng lên, kéo dài tới khu vực biên giới với Uganda.

Người dân sống gần khu vực xây dựng chia sẻ, hệ sinh thái ban đầu của công viên quốc gia Nairobi đã bị phá hủy.

Nani Croze – chủ xưởng sản xuất kính gương ở phía Nam công viên Nairobi đã thu thập tất cả các bài viết liên quan tới công trình đường sắt Nairobi-Malaba cho hay: “Họ đã công bố nhiều kế hoạch thi công khác nhau. Tôi cho rằng, mục đích là để người dân nhầm lẫn, khiến chúng tôi không biết được công trình sẽ được xây dựng ở đâu, khi nào”.

Croze nói rằng, nhiều thứ quý giá ở Kenya sẽ bị biến mất vĩnh viễn.

Cô bức xúc: “Ở châu Phi, chỉ có ở Kenya và Tanzania mới có thể tìm thấy những loài động vật hoang dã quý hiếm, ở Uganda đã hoàn toàn biến mất. Đây là kho báu của toàn thế giới nhưng ngày nay vì xây dựng các tuyến đường sắt, những thứ quý giá này đều đã bị bán cho người Trung Quốc”.

Theo giới phân tích, trước tình hình này, chắn chắn, sinh thái vườn quốc gia Nairobi đã không thể còn đa dạng như trước đây.

RELATED ARTICLES

Tin mới