Trong binh pháp, Tôn Tử từng răn “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Nhưng thế hệ con cháu cụ Tôn đã không nghe lời cụ.Những gì vừa diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc đã bộc lộ một thực tế khó phủ nhận là Bắc Kinh không biết mình biết người, nói cách khác là “ngộ nhận chiến lược”.
Nhà cầm quyền Trung Nam Hải đã đánh giá thấp Donald Trump, cho rằng ông ta là “tổng thống con buôn”, chắc chỉ dọa già để đàm phán, chứ không dám đánh thuế thật (!). Vì vậy, khi Trump tuyên chiến và ra đòn quyết liệt, Bắc Kinh đã bị bất ngờ và trở tay không kịp.
Gần đây, khi các chuyên gia của Stratfor -một tổ chức nghiên cứu chiến lược- đến Trung Quốc, họ cảm thấy có sự bất ổn. Người Trung Quốc không còn nhắc đến “Made-in-China 2025” như trước, như có một cuộc “rút lui chiến lược”. Cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến Bắc Kinh đau đầu, và nổ ra tranh luận về chính sách và vị thế của Tập Cận Bình.
Kể cả khi Washington điều chỉnh chiến lược để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy thách thức Mỹ, Bắc Kinh vẫn ngộ nhận và coi thường, chỉ tập trung tái cấu trúc nền kinh tế hòng giảm núi nợ khổng lồ. Nếu chiến tranh thương mại leo thang, Trung Quốc sẽ càng bất ổn về kinh tế, và Tập càng bị thách thức nhiều hơn về chính trị. Nay dù Bắc Kinh có muốn xuống thang hay “rút lui chiến lược” cũng khó vì họ đã đi quá xa.
Đến hiện tại, cục diện tứ giác thương mại quốc tế Mỹ-Trung-Nhật-EU bắt đầu suy sụp với tiếng chuông báo động của WTO. Một giai đoạn mới của trật tự kinh tế quốc tế bắt đầu, trong đó Trung Quốc đang bị các cường quốc khác cô lập. Lý Khắc Cường đã đề nghị hợp tác với EU để chống lại Mỹ, nhưng đã bị EU từ chối.
Trong khoảng hai tháng qua, đồng NDT đã liên tục mất giá, trong khi đồng USD vẫn đang mạnh lên. Nhưng điều làm cho Bắc Kinh lo ngại nhất là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rút vốn ồ ạt ra khỏi Trung Quốc, làm cho dự trữ ngoại hối của nước này tiếp tục giảm mạnh. Trong hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối hiện nay, dự trữ ngoại hối khả dụng không đến 50%, trong khi nợ nước ngoài khoảng 1.800 tỷ USD.
Trung Nam Hải đã chủ quan tưởng rằng họ có thể thắng cuộc khi đối đầu thương mại với Mỹ; tưởng rằng Washington sẽ bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại vì chịu sức ép của cử tri Mỹ đang bị thua thiệt do thương mại bị đình đốn. Trên thực tế, Bắc Kinh dễ bị tổn thương hơn, vì họ cần duy trì tăng trưởng kinh tế để có chính danh quyền lực, và luôn bị ám ảnh bởi bất ổn xã hội.
Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường. Lòng tin của dân chúng vào nền kinh tế sẽ bị suy sụp, làm cho đất nước đứng trước các thách thức mới còn nghiêm trọng hơn nhiều so với xuất khẩu bị giảm sút.
Song song với chiến tranh thương mại, ngày 13/8/2018, Tổng thống Trump đã ký “Luật Chuẩn chi Quốc phòng cho năm tài chính 2019” (NDAA) được Quốc hội thông qua ngày 1/8/2018 phê chuẩn ngân sách quốc phòng 716,3 tỷ USD , tăng 16 tỷ USD so với năm trước. NDAA nhằm ngăn chặn: Các hoạt động xâm chiếm lãnh thổ biển đảo của Trung Quốc trong vùng biển Đông Nam Á; các hoạt động gián điệp của Trung Quốc chống lại Mỹ và quốc tế; các kế hoạch của Trung Quốc nhằm làm suy yếu Mỹ.
Trên Nhân dân Nhật báo ngày 2/7/2018 có bài “Bàn về trào lưu thổi phồng tự đại”, chỉ trích “cách nói ba thực lực của Trung Quốc đã đuổi kịp và vượt Mỹ”. Bài báo phê phán một số bài viết tung hô “Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về một số lĩnh vực, ai cũng khâm phục”, và “Trung Quốc hiện là nền kinh tế số Một thế giới”, hoặc “Mỹ đã sợ chúng ta, Nhật cũng sợ, và châu Âu hối hận”. Những bài báo đó đã kích động tinh thần dân tộc cực đoan, làm nhiều người tự cao tự đại, xã hội sa đà vào thông tin sai lạc, vô tình cổ súy cho tư tưởng dân túy.
Mới nhất, sau khi nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, “Sự kiện ZTE” bị Mỹ trừng phạt vì lấy cắp công nghệ Mỹ, trở thành một liều thuốc tỉnh ngủ, làm người Trung Quốc giật mình. Nhiều chuyên gia nước này lên tiếng cảnh báo cái gọi là “thành tựu trong lĩnh vực công nghệ cao” của Trung Quốc không đúng như tuyên truyền. Trong khi Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố cấm các công ty Mỹ trong vòng 7 năm không được bán linh kiện, cấu kiện cho công ty ZTE để phát triển công nghệ 5G cho điện thoại thông minh, làm ZTE đối mặt nguy cơ phá sản.
Theo Tân Hoa Xã, ngày 25/7/2018, Tưởng Kiến Quốc, Phó ban Tuyên truyền TW, đã đột ngột bị cách chức. Ngay sau đó, ngày 30/7/2018, Lỗ Vỹ, Phó Ban Tuyên truyền TW, bị Tòa án đưa ra xét xử. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật TW đã buộc tội ông với những lời lẽ nặng nề, như là người khởi xướng trào lưu sùng bái cá nhân và lừa dối lãnh đạo.
Nhiều người cho rằng việc chỉnh lý công tác tuyên truyền phản ánh tình trạng Trung Quốc bị đòn đau trong Chiến tranh thương mại. Sai lầm về tuyên truyền dường như đã làm cho lãnh đạo bị bất ngờ, nay họ nhận ra thì đã quá muộn!
Hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, xu hướng “thoát Trung” và “theo Trung” xảy ra đồng thời, phản ánh sự phân hóa của các nước (như ASEAN) dưới tác động của Trung Quốc đang trỗi dậy, muốn thao túng khu vực này và Biển Đông. Miến Điện là một trường hợp điển hình đã dám “tái cân bằng” quan hệ với Trung Quốc. Nói cách khác, đó là quá trình “thoát Trung”, để tránh bị “Hán hóa” về kinh tế và chính trị thông qua “bẫy nợ”. “Tái cân bằng” hay “thoát Trung” không có nghĩa là bài Trung hay chống Trung Quốc, vì đó là một cường quốc đáng gờm.
Tại Philippines, phản ứng trái chiều của dân chúng sẽ xảy ra khi làn gió chính trị đổi chiều, hoặc khi sức khỏe của tổng thống có vấn đề. Duterte có lần thú nhận ông là “tổng thống vịt què” và “sẵn sàng từ chức” nếu quân đội và cảnh sát tìm được người thay thế. Lào và Campuchia cũng không phải ngoại lệ. Lào đang sa “bẫy nợ” của Trung Quốc, với dự án đường sắt cao tốc trị giá 6 tỷ USD. Còn Campuchia, ngày càng nhiều người bất bình vì Hun Sen cho Trung Quốc thuê cảng Sihanoukville and Koh Kong 99 năm, cùng một diện tích chiếm 20% bờ biển nước này.
Theo New York Times, các nước châu Á buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn với Mỹ, thường với tỷ lệ “hai trên một”. IMF dự báo Trung Quốc có thể trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới vào năm 2030. Còn theo CNBC ngày 23/8/2018, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang, tiếp tục “ăn miếng trả miếng”, đánh thuế 25% số hàng hóa của nhau trị giá 16 tỷ USD, đưa tổng số lên 50 tỷ USD (giai đoạn một, từ 6/7/2018), bất chấp đàm phán đang diễn ra (ở cấp thứ trưởng). Nếu đàm phán lần trước (6/2018) ở cấp bộ trưởng (với phó thủ tướng Lưu Hạc) đã thất bại, đàm phán lần này càng khó thành công. Trump nói ông “không hy vọng nhiều vào đàm phán”. Có nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục đánh thuế trị giá 200 tỷ USD ở giai đoạn hai, từ 9/2018.
Quá trình Hán hóa là chiến lược của Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ra toàn cầu, nhằm cạnh tranh với Mỹ sau khi trỗi dậy thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, thông qua cho vay, đầu tư, xây dựng hạ tầng và dùng ảnh hưởng văn hóa tư tưởng. Đó là một loại chủ nghĩa thực dân mới dùng “bẫy nợ” thay “ngoại giao pháo hạm”, thường dễ thành công tại các nước có thể chế tương đồng, nhưng về lâu dài sẽ phản tác dụng khi chủ nghĩa dân tộc và xu hướng dân chủ hóa tại các nước đó trỗi dậy để “thoát Trung”, chống lại sự nô dịch kinh tế và văn hóa.
Tham vọng Hán hóa nhằm nô dịch về kinh tế và văn hóa có thể thành công tại một số nước, nhưng thực tế chứng tỏ đó là một con dao hai lưỡi, có thể trở thành “gót chân Asin” của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế, khi Mỹ triển khai chiến tranh thương mại và chiến lược quốc phòng (NDS) nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Xu hướng dân chủ hóa và “thoát Trung” theo chủ nghĩa dân tộc tại khu vực sẽ làm Trung Quốc bị cô lập. Những gì đang diễn ra sẽ làm người Trung Quốc giật mình tỉnh ngộ vì họ đã “ngộ nhận chiến lược”.